Làm hầm vượt sông thay cầu Cát Lái nối TP.HCM với Đồng Nai: Được không?

Một đơn vị đã đề xuất phương án làm hầm vượt sông Đồng Nai kết nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai để thay thế phương án xây cầu Cát Lái, nhiều chuyên gia cho rằng phương án này có thể xem xét.

Mới đây, Đại diện các Sở ngành của tỉnh Đồng Nai đã có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Công ty CP Fecon và đối tác là Công ty Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC về việc hợp tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông ngầm trên địa bàn tỉnh.

 Phối cảnh cầu Cát Lái.

Phối cảnh cầu Cát Lái.

Đề xuất xây hầm vượt sông Đồng Nai

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty CP Fecon cho biết, đơn vị đã giới thiệu đến tỉnh Đồng Nai 3 lĩnh vực hoạt động chính gồm: công nghệ thi công các dự án ngầm đô thị, nhà máy xử lý nước thải, nghiên cứu và so sánh xây dựng cầu và hầm vượt sông.

Do đó Công ty CP Fecon và đơn vị đối tác đã đề xuất ý tưởng xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cho việc xây dựng cầu Cát Lái kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM.

 TP.HCM và tỉnh Đồng Nai được kết nối bằng phà Cát Lái. Ảnh: ĐT

TP.HCM và tỉnh Đồng Nai được kết nối bằng phà Cát Lái. Ảnh: ĐT

Theo đơn vị này, việc xây hầm vượt sông thay cho xây cầu sẽ hạn chế được các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và sẽ giảm tối đa tác động đến địa bàn dân cư đang sinh sống trong khu vực quy hoạch dự án.

Sau khi nghe đề xuất của Công ty CP Fecon, đại diện các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai, ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm thi công các công trình hạ tầng, công trình ngầm và cầu, hầm vượt sông.

Đồng Nai trong thời gian tới sẽ là đại công trường với nhiều cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được triển khai do đó sẽ là điều kiện tốt để doanh nghiệp nghiên cứu, tham gia đấu thầu để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng. Vì vậy tỉnh Đồng Nai cũng mong muốn Công ty CP Fecon nghiên cứu các dự án, công trình không chỉ đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước mà còn dự án đầu tư nguồn vốn khác.

Riêng với ý tưởng đề xuất xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cho việc xây dựng cầu Cát Lái, phía tỉnh Đồng Nai đề nghị Công ty CP Fecon và đơn vị đối tác có nghiên cứu kỹ hơn và có báo cáo phương án cụ thể chi tiết cho lãnh đạo UBND tỉnh. Đồng thời, đơn vị cũng cần phải chủ động làm việc với UBND TP.HCM để có sự thống nhất.

Cần nghiên cứu kỹ các phương án

Trao đổi với PV PLO, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM cho rằng phương án làm hầm vượt sông Đồng Nai hay xây cầu Cát Lái để kết nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai là hai phương án cần được so sánh bằng các chỉ tiêu định tính và định lượng. Nhiều yếu tố khó định lượng nên gọi là định tính cần có hội đồng thương thảo.

Song, ông Võ Kim Cương nhận định phương án làm hầm vượt sông thường tốn kém hơn phương án xây cầu. Tuy nhiên, nếu xét về bối cảnh, vị trí xây cầu gần cảng lớn, việc làm cầu cao ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cảng và việc lưu thông qua lại cầu.

 Chuyên gia góp ý cần tính toán kỹ phương án xây cầu hay làm hầm. Ảnh: VH

Chuyên gia góp ý cần tính toán kỹ phương án xây cầu hay làm hầm. Ảnh: VH

Nói tóm lại, mỗi phương án đều có ưu điểm, khuyết điểm riêng, nếu không xét đến việc đến chênh lệch lớn về chi phí đầu tư giữa hai phương án, ông Võ Kim Cương ủng hộ phương án làm hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cầu Cát Lái.

Song, dù chọn phương án nào đi chăng nữa thì cơ quan chức năng, đơn vị đề xuất nên tính toán, nghiên cứu kỹ càng tính hiệu quả, tác động cụ thể của từng phương án. "Phải hình dung được hình hài rõ ràng của việc làm hầm vượt sông thay thế cầu, từ các cơ sở đó mới có thể chốt phương án cụ thể", ông Cương nói.

Còn TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM nhận định các phương án làm hầm vượt sông đều hay hơn phương án xây cầu là đúng.

 Phà Cát Lái thường xuyên ùn ứ vào các dịp Lễ, Tết. Ảnh: NN

Phà Cát Lái thường xuyên ùn ứ vào các dịp Lễ, Tết. Ảnh: NN

Lý giải nguyên nhân, ông cho rằng việc làm hầm mỹ quan kiến trúc đô thị sẽ không bị ảnh hưởng, tàu thuyền qua lại không vướng không tĩnh. Tuy nhiên chi phí làm hầm thường sẽ cao hơn làm cầu, việc giải phóng mặt bằng không có nhiều thay đổi so với làm cầu.

Tuy nhiên, để khẳng định có nên xây hầm vượt sông thay phương án dự kiến làm cầu Cát Lái hay không thì cần xem xét thêm nhiều yếu tố, phương án tài chính, hình thức đầu tư BT….để làm rõ các vấn đề này cần quá trình nghiên cứu kỹ càng.

Nhiều nội dung chưa thống nhất về xây cầu Cát Lái

Tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Sau đó, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã có báo cáo nghiên cứu phương án hướng tuyến dự án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong báo cáo, đơn vị tư vấn đã nêu ra các vướng mắc khi triển khai dự án theo hướng tuyến đã được phê duyệt phù hợp các quy hoạch.

Theo phương án hướng tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM vào năm 2017, dự án Cầu Cát Lái có hướng tuyến bắt đầu từ nút giao thông Mỹ Thủy phía TP.HCM, đi dọc theo đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai và hướng về đường tỉnh 25B phía tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, khi thực hiện cập nhật các quy hoạch đô thị dọc tuyến, các khu di tích lịch sử quốc gia trong phạm vi dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát sinh một số vướng mắc.

Do đó TEDI đã đề xuất các phương án hướng tuyến mới cho dự án cầu Cát Lái đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Phương án mà TEDI đưa ra, dự án cầu Cát Lái có tổng chiều dài tuyến hơn 11,3km, điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức, TP.HCM) khoảng 400m; điểm cuối dự án sẽ kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đơn vị tư vấn đề xuất các phương án để tránh xâm phạm bảo vệ di tích địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn và tránh được các công trình tôn giáo trong khu vực ngã ba Giồng Sắn.

Hướng tuyến, thời gian xây cầu thay thế phà Cát Lái vẫn chưa được "chốt". Ảnh: NN

Ngoài việc chưa thống nhất về hướng tuyến, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai cũng nhiều lần họp bàn để chốt thời gian triển khai dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thời gian triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025. Song, Sở GTVT TP.HCM đề xuất xây dựng sau năm 2030, khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác.

Vào tháng 8-2023, Sở GTVT Đồng Nai cho biết đã làm việc với Sở GTVT TP.HCM trên 5 lần để bàn về hướng tuyến kết nối xây dựng cầu Cát Lái nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Hai địa phương đang rà soát về mặt quy hoạch kết nối giao thông và tiến độ xây dựng cầu Cát Lái.

TP.HCM sở hữu hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á

13 năm trước (năm 2011), TP.HCM đã khánh thành hầm Thủ Thiêm (hầm sông Sài Gòn) dài gần 1.500 m, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, nối quận 1 với bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Thời điểm đó, đây là hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và là đường hầm thi công bằng công nghệ đúc, dìm dài nhất Đông Nam Á.

Hay gần đây nhất, ông Lê Minh Dũng (khi đó là Bí thư Huyện ủy Cần Giờ), cho biết trước đây khi nghiên cứu thực hiện khu đô thị lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ đã có ý tưởng đề xuất kết nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu bằng cầu vượt biển dài 17 km hoặc hầm vượt biển dài 25 km. Theo ông Dũng, nếu làm hầm vượt biển hiện nay thì từ khu đô thị lấn biển Cần Giờ đến Vũng Tàu chỉ khoảng 7 km đường chim bay, đó cũng là ý tưởng táo bạo của các nhà khoa học, chuyên gia.

VŨ HỘI - NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-ham-vuot-song-thay-cau-cat-lai-noi-tphcm-voi-dong-nai-duoc-khong-post820297.html