AI mới hào nhoáng của Google một lần nữa đưa ra thông tin sai trong video quảng cáo
Gemini trong Google Search đưa ra thông tin sai lầm chứ không chỉ là lời khuyên tồi.
Trong hai ngày ra mắt sản phẩm rầm rộ liên tiếp, OpenAI và Google đã trình làng những dự án trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất của họ.
Hai công ty hàng đầu về AI đã tạo ra các video trình diễn ấn tượng, giới thiệu những điều mới mẻ mà mô hình AI mới GPT-4o của OpenAI (nền tảng cho ChatGPT hoạt động) có thể làm được và cách Google Gemini sẽ cách mạng hóa tìm kiếm.
Thế nhưng, video hôm 15.5 tại sự kiện I/O 2024 dành cho các nhà phát triển của Google chỉ ra một trong những cạm bẫy lớn của AI: Đưa ra thông tin sai lầm chứ không chỉ là lời khuyên tồi.
Trong video hào nhoáng, có nhịp độ nhanh với thời lượng 1 phút 40 giây, mô hình AI Gemini trong Google Search đã trình bày một lỗi lớn mà trang The Verge phát hiện lần đầu tiên.
Cụ thể hơn, một nhiếp ảnh gia quay video về chiếc máy ảnh phim bị trục trặc và hỏi Gemini: "Tại sao cần gạt không di chuyển hết cỡ?". Gemini ngay lập tức cung cấp một danh sách các giải pháp, gồm cách có thể phá hủy tất cả ảnh của anh ấy. Video về danh sách này nhấn mạnh một đề xuất: "Mở nắp phía sau và nhẹ nhàng lấy phim ra nếu máy ảnh bị kẹt".
Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp (hoặc bất kỳ ai từng sử dụng máy ảnh phim) đều biết rằng đây là một ý tưởng tồi. Mở máy ảnh ngoài trời, nơi quay video, có thể làm hỏng một phần hoặc toàn bộ phim do tiếp xúc với ánh sáng mạnh.
Google từng gặp phải những vấn đề tương tự với các sản phẩm AI trước đó.
Tháng 2.2023, Google đã giới thiệu chatbot của riêng mình có tên Bard để cạnh tranh với ChatGPT. Thế nhưng, Bard đã trả lời thông tin không chính xác trong video quảng cáo, khiến Alphabet (công ty mẹ Google) mất 100 tỉ USD vốn hóa thị trường trong một ngày.
Trong video quảng cáo, Bard trả lời các câu hỏi của người dùng, gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope. Tuy nhiên, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.
Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người phát hiện ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard.
Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.
Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực".
Bất chấp điều này, Alphabet phải trả giá đắt khi cổ phiếu giảm mạnh 10% không lâu sau đó, làm vốn hóa thị trường giảm 100 tỉ USD trong 1 ngày.
Đầu năm 2024, chatbot Gemini đã bị chỉ trích nặng nề vì tạo ra những bức ảnh đầy rẫy những sai sót lịch sử, chẳng hạn những nhà sáng lập của nước Mỹ là người da màu. Lãnh đạo Google đã xin lỗi, nói rằng tính năng AI của họ được sử dụng trên toàn thế giới nhưng đã tạo ra sản phẩm “không phù hợp” và công ty đang “cải thiện ngay lập tức những mô tả này”.
Video hôm 15.5 tạ sự kiện Google I/O 2024 nhấn mạnh những nguy hiểm từ chatbot AI, vốn thi thoảng có hiện tượng ảo giác (trả lời sai y như thật) và gợi ý cho người dùng những lời khuyên tồi. Năm ngoái, Bing Chat (chatbot AI của Microsoft) đưa ra những câu trả lời kỳ lạ khiến người dùng giật mình. Bing Chat gọi người dùng là hoang tưởng, cố gắng đánh lừa họ về 2023 là năm nào khác và thậm chí nói lời yêu với một số người.
Các công ty AI có thể chịu trách nhiệm pháp lý về những gì chabot của họ nói sai. Vào tháng 2.2024, một tòa án Canada đã buộc Air Canada chịu trách nhiệm về việc chatbot của hãng hàng không này đưa ra thông tin sai lệch về chính sách cho khách hàng.
Hồi tháng 4.2023, ông Brian Hood (Thị trưởng khu vực địa phương Hepburn Shire ở bang Victoria, Úc) tuyên bố sẽ khởi kiện OpenAI nếu công ty này không đính chính thông tin sai sự thật trên ChatGPT cho rằng ông từng nhận hối lộ trong vụ bê bối liên quan đến một chi nhánh của Ngân hàng Dự trữ Úc vào đầu những năm 2000.
Tháng 11.2022, ông Brian Hood đắc cử chức thị trưởng Hepburn Shire, một vùng đất nằm cách thành phố Melbourne khoảng 120km về phía tây bắc.
Các luật sư đại diện của Brian Hood nói thực tế là ông từng làm việc cho công ty in tiền Note Printing Australia (chi nhánh của Ngân hàng Dự trữ Úc). Thế nhưng, Brian Hood chính là người đã thông báo cho nhà chức trách về các hoạt động hối lộ giữa công ty này với các quan chức nước ngoài để giành hợp đồng in tiền, trái với thông tin mà ChatGPT đưa ra.
Các luật sư của Brian Hood cho biết đã gửi một lá thư bày tỏ lo ngại tới OpenAI (chủ sở hữu ChatGPT) và đề nghị công ty khởi nghiệp Mỹ khắc phục những lỗi sai về thông tin trong vòng 28 ngày, nếu không sẽ phải đối mặt với vụ kiện “xúc phạm danh dự người khác”.
Theo luật pháp Úc, chi phí bồi thường thiệt hại do làm tổn hại danh dự của người khác lên tới 400.000 AUD (tương đương 268.410 USD).
Tại sự kiện dành cho I/O 2024, Google đã trình diễn cách họ đang xây dựng AI trên toàn bộ các hoạt động kinh doanh của mình, gồm cả việc nâng cấp chatbot Gemini và cải thiện công cụ tìm kiếm nổi tiếng nhằm cạnh tranh với các đối thủ.
Với người dùng Google Search ở Mỹ duyệt web bằng tiếng Anh, công ty cho biết sẽ sớm sử dụng AI để giúp tổ chức kết quả tìm kiếm cho các truy vấn về ăn uống, công thức nấu ăn và sau đó là phim ảnh, sách cùng các nội dung khác.
Cũng với tìm kiếm trên Google, công ty đang triển khai tính năng AI Overviews cho tất cả người dùng ở Mỹ trong tuần này, sau một thời gian dài thử nghiệm công khai kể từ sự kiện I/O năm ngoái. Tính năng này sử dụng AI tạo sinh để tổng hợp thông tin và trả lời các truy vấn phức tạp hơn mà không có câu trả lời đơn giản nào trên web.
Hàng tỉ người dùng Google sẽ thấy một bản tóm tắt do AI tạo ra ở trên cùng kết quả tìm kiếm của họ. Đó mới chỉ là khởi đầu của cách AI đang thay đổi tìm kiếm.
"Việc đưa AI vào Search giúp giảm bớt sự khó khăn của việc tìm kiếm", theo Liz Reid, người mới đảm nhận vị trí trưởng bộ phận Tìm kiếm của Google. Đại diện Google cho rằng điều này giúp người dùng tập trung vào những phần họ thực sự muốn hoặc khám phá thêm.
Ngoài ra, Google còn trình diễn một thử nghiệm cho phép người dùng đặt câu hỏi về các video mà họ tải lên Search, giống như cách có thể làm với hình ảnh hiện nay. Google đã trình diễn cách thức này có thể giúp chẩn đoán hỏng hóc của máy hát đĩa bị hỏng.
Những sản phẩm AI mới khác được Google giới thiệu tại sự kiện I/O 2024:
- Mô hình Gemini Flash chạy nhanh hơn và rẻ hơn.
- Nguyên mẫu mang tên Project Astra, có thể trò chuyện với người dùng về bất cứ thứ gì được chụp bằng camera smartphone của họ theo thời gian thực.
- Veo, mô hình AI hỗ trợ chuyển văn bản thành video độ phân giải 1080p kéo dài hơn 1 phút, để cạnh tranh với Sora của OpenAI.
- Bộ xử lý Tensor thế hệ thứ sáu (TPU) cung cấp cho Google và khách hàng dùng Google Cloud sự lựa chọn thay thế bộ xử lý đồ họa (GPU) mạnh mẽ của Nvidia, hãng chip có giá trị nhất thế giới.