Ai mới thực sự tống tiền trong vụ ngừng nguồn cung dầu của Lukoil qua Ukraine?

Hôm thứ Ba 30/7, Bộ trưởng ngoại giao Hungary đã cáo buộc Ủy ban châu Âu có hành vi tống tiền trong một tranh chấp liên quan đến việc chặn nguồn cung cấp dầu cho Hungary và Slovakia - hai quốc gia đã chỉ trích việc Liên minh châu Âu cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto. Ảnh Reuters

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto. Ảnh Reuters

Ukraine đã đưa Lukoil của Nga vào danh sách trừng phạt vào tháng 6, ngừng nguồn cung dầu qua Ukraine cho các nhà máy lọc dầu ở Hungary và Slovakia thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí Hungary MOL.

Tuần trước, Hungary và Slovakia đã yêu cầu Ủy ban gây sức ép buộc Kiev hủy bỏ quyết định này.

"Hơn một tuần đã trôi qua và Ủy ban châu Âu vẫn chưa có động thái gì", Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết trên Facebook vào thứ Ba 30/7.

"Bất chấp mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của hai quốc gia thành viên EU, bất chấp sự vi phạm rõ ràng Hiệp định liên kết EU-Ukraine, Brussels vẫn im lặng", ông nói thêm, ám chỉ đến thỏa thuận về khả năng Kyiv gia nhập EU.

Ông Szijjarto cho biết Ủy ban hoặc là "quá yếu đến mức không có khả năng khẳng định lợi ích cơ bản" của các quốc gia thành viên, hoặc có thể chính Ủy ban đã gây ra tranh chấp.

Có lẽ "Brussels, chứ không phải Kyiv, đã gây ra toàn bộ vấn đề này; chính Ủy ban châu Âu, chứ không phải Chính phủ Ukraine, muốn tống tiền hai quốc gia vốn ủng hộ hòa bình này".

Trong phản hồi bằng văn bản, Ủy ban cho biết đã bắt đầu thu thập thông tin khi nhận được yêu cầu từ Hungary và Slovakia.

"Ủy ban đã trả lời các câu hỏi chi tiết cho Slovakia và Hungary để đưa ra phân tích đầy đủ và đã liên hệ với Chính quyền Ukraine", theo văn bản.

"Những câu hỏi này liên quan đến khối lượng vận chuyển dầu hiện tại, các pháp nhân vận chuyển dầu qua Ukraine và các hợp đồng hiện hành, khả năng cung cấp qua các tuyến đường thay thế cũng như chi phí của chúng."

Dòng chảy từ các nhà cung cấp khác của Nga không bị ảnh hưởng.

Trong cuộc tranh chấp ngày càng sâu sắc, hôm thứ Hai 29/7, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố nước ông sẽ ngừng cung cấp dầu diesel cho Ukraine nếu Kyiv không khôi phục được dòng chảy.

Tranh chấp này đã cho thấy một số nước EU vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga như thế nào, sau hơn hai năm kể từ khi khối này quyết định ngừng nhập khẩu dầu từ Moscow sau cuộc cuộc xung đột ở Ukraine.

Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc được miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu dầu qua đường ống của Nga, để họ có thời gian tìm giải pháp thay thế.

Yến Anh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ai-moi-thuc-su-tong-tien-trong-vu-ngung-nguon-cung-dau-cua-lukoil-qua-ukraine-715138.html