Ai phải chịu trách nhiệm khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn có nguy cơ dừng hoạt động?
Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là Công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm PVN, công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PVN góp vốn 25,1%.
Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (dự án) chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018. Đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang hoạt động tương đối ổn định, sản xuất và xuất bán các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
PVN với vai trò nước chủ nhà, đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo các cam kết, và đã liên tục có nhiều văn bản, ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, cải thiện công tác quản trị nhằm tăng hiệu quả hoạt động của NSRP.
Tuy nhiên, theo PVN, do dự án được đưa vào vận hành thương mại trong bối cảnh toàn thế giới có xu hướng dịch chuyển nguồn năng lượng mạnh mẽ (năng lượng tái tạo, thay thế động cơ đốt trong bằng động cơ điện nên nhu cầu xăng dầu giảm), thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh cộng với tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án.
Bên cạnh đó, theo PVN, công tác quản trị của NSRP do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập cũng đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của NSRP. Do đó, việc tái cấu trúc tổng thể NSRP là nhu cầu cần thiết và cấp bách.
"PVN đang trong giai đoạn đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung tái cấu trúc tổng thể NSRP", đại diện PVN cho biết.
Theo PVN, thời gian gần đây có thông tin về việc NSRP phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1/2022 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/02/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng FPOA.
Tuy nhiên, phía PVN cho rằng, thực chất theo điều lệ công ty, Ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành Nhà máy…
"Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động Nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP. Các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán", đại diện truyền thông PVN cho biết.
Theo PVN, đơn vị này đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả doanh nghiệp này cũng như đảm bảo quyền lợi của PVN và phía Việt Nam.