Ai sẽ cai trị đất nước Syria khi chính quyền Tổng thống Syria Assad bị lật đổ?
Người dân Syria đang hy vọng vào một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình do chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã sụp đổ. Tuy nhiên họ có thể sẽ không đạt được viễn cảnh này.
Trên con đường chạy từ biên giới Syria với Liban đến thủ đô Damascus vào ngày 8/12, các trạm gác của quân đội Syria gần như bị bỏ hoang. Mặt đường đầy các bộ quân phục do lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad vứt lại. Những người lính đã nhanh chóng thay quần áo thường dân và chạy trốn để khỏi phải đối mặt lực lượng phiến quân đang tiến lên.
Những tấm áp phích có hình ảnh cựu Tổng thống Assad nhanh chóng bị xé nát và bôi bẩn. Chưa đầy hai tuần sau khi quân nổi dậy bắt đầu tiến công, chế độ đã sụp đổ và ông Assad phải chạy trốn đến Moskva. Tại Damascus và trên khắp đất nước, người dân Syria đang reo hò chào đón một khởi đầu mới, với hy vọng khởi động lại mối quan hệ của họ với thế giới.
Nhưng họ sẽ có được sự khởi đầu mới như thế nào? Phần lớn điều này phụ thuộc vào việc liệu phe đối lập - một lực lượng đa phương của Syria lúc này đột nhiên mất đi kẻ thù chung - sẽ đoàn kết ra sao để thành lập một chính phủ dân sự liên bang đa nguyên trên toàn Syria. Hay trong kịch bản khác, họ sẽ lại lao vào giằng co quyền lực, qua đó đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến mới.
Những dấu hiệu ban đầu rất đáng khích lệ, mặc dù vẫn còn quá sớm để chắc chắn về bất cứ điều gì. Phiến quân, đứng đầu trong số đó là Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - lực lượng từng liên kết với nhóm khủng bố Al-Qaeda và đã cai trị một phần phía Tây Bắc Syria suốt vài năm qua - cho biết họ đã học được bài học từ những thay đổi chế độ trong quá khứ ở thế giới Arab.
Không giống như ở Iraq và Libya, quá trình chuyển đổi đang được quản lý tại địa phương, thay vì do các thế lực nước ngoài và những người lưu vong trở về thực hiện. Nga và Iran, trước đây là những bên ủng hộ chính của ông Assad, đã rút lui.
Phiến quân đã kêu gọi cảnh sát và chính quyền dân sự tiếp tục giữ chức vụ của họ trong khi chờ thông báo về một chính phủ thống nhất. Họ đã áp đặt lệnh giới nghiêm, kéo dài đến tối ngày 8/12. Lệnh này dường như đã ngăn chặn được hầu hết tình trạng cướp bóc ở thủ đô (ngoại trừ một số vụ hôi đồ lẻ tẻ).
Mặc dù hầu hết quân nổi dậy đều thuộc nhóm Sunni chiếm đa số - những người từng chịu sự khủng bố của người Alawite dưới thời Assad - họ đã hứa sẽ bảo vệ các nhóm thiểu số của Syria.
Nhưng mọi thứ ở Syria có thói quen trở nên phức tạp. Sự phân chia đất nước Syria, thành hình dưới thời ông Assad, đã trở nên căng thẳng hơn kể từ khi chính quyền của ông này sụp đổ. Phiến quân từ phía Bắc, phía Đông và phía Nam của đất nước đã cùng nhau phối hợp tiếp quản chính quyền với kỷ luật đáng kinh ngạc trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, vì chế độ của ông Assad sụp đổ nhanh hơn nhiều so với dự kiến, nên họ không có thời gian để lên kế hoạch cho ngày hôm sau.
Mỗi một phe trong bốn lực lượng chính ở Syria—quân nổi dậy Sunni được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía Tây Bắc, người Kurd ở phía Bắc và Đhía đông, quân nổi dậy được Jordan hậu thuẫn ở phía Nam và những người trung thành còn lại từ giáo phái Alawite của ông Assad ở phía Tây—hiện đều có quân đội riêng.
Tất cả đều được củng cố sức mạnh bằng vũ khí, đất đai và tài sản kinh tế tịch thu từ gia tộc Assad trong những ngày gần đây. Mỗi nhóm sẽ muốn có phần chiến lợi phẩm và một phần của bất kỳ gói nào được sắp xếp để tái thiết đất nước Syria, ước tính lên tới khoảng 200 tỷ USD.
Vài giờ sau khi chính quyền Assad sụp đổ, lệnh ngừng bắn mong manh giữa các nhóm đã bắt đầu tan vỡ, khi giao tranh bùng phát tại Manbij, trên ranh giới phân chia người Arab được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía Tây Bắc với người Kurd ở phía Đông Bắc. Tất nhiên, người Syria vẫn chưa quên các ví dụ trước đây, rằng sự sụp đổ của chính quyền dưới sự điều hành của các nhà lãnh đạo mạnh mẽ ở Iraq và Libya đã châm ngòi cho một thập kỷ nội chiến giữa những người kế nhiệm tương lai của họ. Họ cũng biết rõ rằng việc quản lý mối quan hệ với những quốc gia hàng xóm của mình sẽ khó khăn như thế nào trong thời đại hậu Assad.
Ứng cử viên mạnh nhất cho vị trí quản lý Syria là Abu Muhammad al-Jolani, thủ lĩnh 42 tuổi của HTS, người đã phát động cuộc tấn công của phiến quân từ Idlib, Tây Bắc Syria chỉ 11 ngày trước. Jolani đã từ bỏ biệt danh Hồi giáo của mình (các kênh Telegram của ông hiện gọi ông là "Tổng thống Ahmed al-Shara"), và đảm bảo với những người theo đạo Thiên chúa và phụ nữ rằng ông không có kế hoạch áp đặt các quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt.
Tối 8/12, ông đã có một bài giảng tại nhà thờ Hồi giáo Umayad ở Damascus. Đài truyền hình nhà nước Syria đã phát một tuyên bố trong đó ông nói rằng "tương lai là của chúng ta". Người ta đồn đoán ông thích được so sánh với Muhammad bin Salman của Arab Saudi, một nhà lãnh đạo Sunni trẻ tuổi khác.
Nhưng quá khứ của Jolani, với tư cách là thủ lĩnh al-Qaeda ở Syria, và sự đàn áp khá mạnh tay của ông đối với các đối thủ, khiến những người khác cảnh giác. Việc thu phục nhân tâm và làm cho các phiến quân khác chấp nhận sự lãnh đạo của mình sẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất với al-Jolani.
Trong nhiều năm, al-Jolani đã chiến đấu với họ nhiều hơn là với chính quyền Assad. Vài trăm phiến quân ở miền Nam Syria sau đó đã qua mặt Jolani khi tới Damascus trước. Họ diễu hành đến dinh Tổng thống Syria và bắt giữ thủ tướng Mohammad Ghazi Al-Jalali. Việc này không chỉ để truy đuổi những người trung thành với ông Assad mà còn là động thái phô trương, ngăn không cho al-Jolani thực hiện trước.
Động thái cũng để dư luận Syria và thế giới nhớ rằng Mỹ, Nga và Liên Hợp Quốc đều coi Jolani là một kẻ khủng bố, còn nhóm HTS của ông ta là một tổ chức khủng bố./.