Ai sẽ chịu trách nhiệm cho cái chết của dân thường ở Gaza và Israel?
Cái chết của dân thường ở hai bên trong xung đột Israel - Hamas đang đặt ra câu hỏi cấp bách về tính hợp pháp của hành động quân sự, tội ác chiến tranh và ai sẽ chịu trách nhiệm.
Chỉ một tuần xung đột, 950 cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza đã làm chết 181 người Palestine, bao gồm 52 trẻ em, và làm bị thương hơn 1.200 người. Hơn 3.000 quả tên lửa của Hamas từ Dải Gaza bắn về Israel cũng khiến 10 người, trong đó có hai trẻ em, thiệt mạng, quan chức Liên Hợp Quốc nói ngày 16/5.
Dân thường đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề trong cuộc xung đột bạo lực gần đây nhất giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas tại Dải Gaza. Cái chết của người dân làm dấy lên câu hỏi liệu hành động của các bên có phải tội phạm chiến tranh hay không, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Chiến tranh cũng có luật điều chỉnh
Luật chiến tranh là tập hợp những luật bất thành văn (hay còn gọi là luật nhân đạo quốc tế) và các hiệp ước quốc tế được dùng để quy định hành vi của binh lính.
Bản thân hành động giết hại dân thường không trái luật chiến tranh. Nhưng binh sĩ phải tuân theo những nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi, Dapo Akande - giáo sư luật quốc tế Trường Blavatnik thuộc Đại học Oxford - cho biết.
Theo giáo sư Akande, binh sĩ trên hết phải phân biệt giữa dân thường và mục tiêu quân sự. Sau đó, họ phải cân nhắc lợi thế đạt được của từng đòn tấn công so với thiệt hại gây ra cho dân thường. Ngoài ra, binh sĩ khi tấn công phải thực hiện mọi biện pháp trong chừng mực hợp lý để giảm thiểu thiệt hại với người dân.
Đương nhiên, việc áp dụng những nguyên tắc trên tại Dải Gaza sẽ là vấn đề gây tranh cãi.
Chuyên gia cho rằng việc Hamas bắn lượng lớn rocket về phía các thành phố và thị trấn có dân thường sinh sống của Israel rõ ràng là tội ác chiến tranh.
Tương tự, quân đội Israel đã pháo kích và không kích vào khu vực hẹp tập trung nhiều người dân ít được bảo vệ. Những đòn tấn công này có cường độ cao đến mức rất có thể đã cấu thành hành vi sử dụng vũ lực quá mức. Đây cũng là một tội ác chiến tranh.
Tuy nhiên, quan chức Israel cho biết phải tấn công vào nhà cửa và văn phòng vì đó là nơi binh sĩ Hamas cư trú và chiến đấu. Hamas mới là bên chịu trách nhiệm cho thương vong của người dân trong những lượt tấn công ấy vì họ bắn rocket từ nơi gần trường học và văn phòng, theo quan chức Israel.
Trong tuyên bố về vụ tấn công vào ngày 14/5 làm chết 10 người trong một gia đình ở Dải Gaza, Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố “đã tấn công một số quan chức cấp cao của tổ chức khủng bố Hamas trú trong căn hộ được dùng làm cơ sở khủng bố tại khu vực trại tị nạn Al-Shati”.
Nhưng hàng xóm của gia đình có người thiệt mạng cho biết không có quan chức Hamas nào hiện diện tại thời điểm vụ tấn công.
Dấu hiệu phạm tội chiến tranh
Cả hai phía trong cuộc giao tranh dường như đều đang vi phạm luật chiến tranh, các chuyên gia nhận định, The New York Times đưa tin ngày 16/5.
Trong một báo cáo công bố năm 2020, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết Israel có vẻ đã vi phạm luật chiến tranh khi giết hại 11 dân thường trong cuộc đụng độ tại Gaza vào tháng 11/2019. Binh lính của Hamas cũng vi phạm luật chiến tranh khi phóng hàng trăm quả rocket vào Israel, theo báo cáo.
Breaking the Silence, tổ chức cựu binh cánh tả tại Israel, cũng từng công bố báo cáo về hành động của quân đội Israel trong cuộc chiến năm 2014 với Hamas. Báo cáo này cáo buộc chỉ huy quân đội Israel kêu gọi thực hiện hành động “tàn bạo và vô nhân đạo” tại Dải Gaza và khuyến khích binh sĩ hung hăng với dân thường Palestine.
Avner Gvaryahu, giám đốc điều hành Breaking the Silence, cho biết quân đội Israel không chủ đích giết hại dân lành nhưng thường xuyên dùng vũ lực không tương xứng. Ông chỉ ra rằng những ngày gần đây, quân đội Israel pháo kích với loại đạn có bán kính sát thương 150 m.
Quan điểm của Israel rằng Hamas phải chịu trách nhiệm vì hoạt động giữa vùng dân cư cũng bị một số người chỉ trích. Trong khu vực có mật độ dân dày đặc như Gaza, “gần như không có phương thức chiến đấu nào mà không đặt dân thường vào hiểm nguy”, theo Nathan Thrall, tác giả sách về Israel và người Palestine.
Ông Thrall còn chỉ ra rằng trụ sở Lực lượng Phòng vệ Israel nằm giữa khu dân cư của Tel Aviv, bên cạnh bệnh viện và bảo tàng nghệ thuật.
Phía Hamas cũng không nằm ngoài chỉ trích. Các nhà nghiên cứu nhân quyền cho rằng Hamas kiểm soát nghiêm ngặt thông tin về số dân thường chết để che giấu thương vong.
Tuy danh sách thương vong do quan chức y tế tại Dải Gaza thường khá chính xác, các nhà nghiên cứu nhận định Hamas sẽ không tiết lộ bao nhiêu người chết là binh lính hay bao nhiêu người chết vì tên lửa Hamas rơi ngay trong Dải Gaza.
Năm 2019, tổ chức Theo dõi Nhân quyền báo cáo ít nhất hai quả rocket của Hamas rơi xuống Dải Gaza, làm chết một người và bị thương 16 người.
Cơ chế đòi công lý không hiệu quả
Ngày 15/5, Fatou Bensouda, công tố viên đứng đầu của Tòa Hình sự Quốc tế, cảnh báo rằng cả hai phía trong cuộc xung đột hiện tại có thể bị truy tố trong tương lai. Ba tháng trước, cũng chính Tòa Hình sự Quốc tế ra phán quyết kết luận cơ quan này có thẩm quyền điều tra cáo buộc tội phạm chiến tranh của cả binh sĩ Hamas và Israel.
Tuy nhiên, Tòa Hình sự Quốc tế không được Israel và Mỹ công nhận. Cơ quan này cũng sẽ gặp phải nhiều chướng ngại vật trên phương diện chính trị và logistic. Con đường đưa người Israel hoặc Palestine ra xét xử có thể tốn nhiều năm, và điều này cũng chưa chắc chắn.
Có lẽ bi kịch lớn nhất trong cái chết của dân thường là họ sẽ trở thành phương tiện để những bên hiếu chiến thể hiện sức mạnh trước khi một lần nữa đồng ý ngừng bắn, theo Adil Haque, giáo sư chuyên môn luật quốc tế và xung đột vũ trang thuộc Trường Luật Rutgers (Mỹ).
“Dân thường bị mắc kẹt giữa hai phía. Hamas muốn thể hiện mình có thể sống sót qua trận giết chóc của Israel, và Israel muốn tỏ ra mình là phía mạnh hơn”, giáo sư Haque nhận định. “Cả hai đều có thể dừng tay nếu muốn, nhưng không bên nào chịu dừng tay trước”.