Ai sẽ là Chủ tịch Fed trong nhiệm kỳ tới?
Chủ tịch tương lai của Fed mối quan tâm hàng đầu và cấp thiết của hầu hết các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, các thị trường chứng khoán, các nhà kinh tế học và giới đầu tư.
Ai sẽ là Chủ tịch Fed trong nhiệm kỳ tới? Trong bài viết đăng tải trên tờ The Age của Australia, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz nhận định ít nhất ba và có khả năng là bốn, trong số bảy ghế thuộc Hội đồng quản trị của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm cả vị trí Chủ tịch, đang phụ thuộc vào các quyết định của Tổng thống Biden.
Ai sẽ ngồi vào vị trí nào là mối quan tâm hàng đầu và cấp thiết của hầu hết các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, các thị trường chứng khoán, các nhà kinh tế học và giới đầu tư.
Quyết định quan trọng nhất có lẽ lại là quyết định dễ dàng nhất. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Jerome Powell sẽ hết hạn vào tháng 2/2022. Do ông Powell đang đương nhiệm và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, hơn nữa để đảm bảo tính liên tục và không làm xáo trộn thị trường, không loại trừ khả năng ông Powell sẽ được bổ nhiệm lại.
Tuy nhiên, vẫn có những ẩn số không ngờ tới, Mặc dù nhận được sự ưu ái áp đảo để nắm vững cơ hội tại vị cho nhiệm kỳ thứ hai, nhưng ông Powell cũng đã vấp phải sự chỉ trích từ một số thành viên đảng Dân chủ, bao gồm cả Chủ tịch tiểu ban ngân hàng của Thượng viện, bà Elizabeth Warren. Ông Powell cũng bị ảnh hưởng từ việc hai chủ tịch ngân hàng khu vực vừa từ chức mới đây, liên quan về các vụ bê bối kinh doanh chứng khoán.
Vào cuối tuần trước một số nguồn tin tiết lộ rằng Tổng thống Biden đã có cuộc gặp riêng với ông Powell. Tuy nhiên, đây là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa của Tổng thống Mỹ đương nhiệm với Chủ tịch Fed, kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Đó là khả năng xảy ra một kết quả thỏa hiệp. Vị trí Phó Chủ tịch giám sát của Fed, ông Randal Quarles, nhà kiến trúc sư trưởng của quá trình khôi phục một số cải cách ngân hàng sau năm 2008, vào hôm thứ Hai, đã thông báo sẽ từ chức, bắt đầu từ tháng tới. Nhiệm kỳ của một Phó Chủ tịch giám sát khác và đồng thời là Phó Chủ tịch của Fed, ông Richard Clarida, cũng sẽ hết hạn vào đầu năm sau.
Ông Biden có thể sẽ tái bổ nhiệm ông Powell và trao cho bà Brainard chức vụ nhà giám sát chính của ngân hàng hoặc thậm chí đưa bà lên vị trí Phó Chủ tịch cấp cao của Fed.
Quyết định như vậy sẽ giúp trấn an thị trường, xoa dịu tiến trình và có thể là cơ hội tốt để dành được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho các vị trí được đề cử. Việc ông Quarles và ông Clarida cùng từ chức đã mở ra hai cơ hội tình huống cho ông Biden.
Vẫn còn một ghế trống khác nữa trong Hội đồng quản trị của Fed. Vị trí này đã bị khuyết từ nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump và trong trường hợp không được tái bổ nhiệm, nếu ông Powell quyết định rời khỏi Fed, sẽ có thêm một chiếc ghế trống mới thay cho vị trí của ông.
Mặc dù nhiệm kỳ của ông Powell tới tháng 2/2022 mới kết thúc, nhưng Tổng thống Biden sẽ cần phải sớm thông báo quyết định của Nhà Trắng. Các đề cử cho vị trí Hội đồng quản trị Fed thường được đưa ra muộn nhất vào đầu tháng 11, vì Quốc hội sẽ cần thời gian xem xét các bổ nhiệm.
Các quyết định của ông Biden về cơ bản sẽ có tầm quan trọng rất lớn đến vai trò lãnh đạo của ngân hàng trung ương quyền lực và có ảnh hưởng nhất thế giới, tại một thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Dưới sự dẫn dắt của ông Powell, Fed đã đối phó với đại dịch bằng các chính sách tiền tệ độc đáo và chưa từng có tiền lệ. Fed đã ban hành chính sách hạ giảm lãi suất cơ bản về 0, mua thanh khoản đổ vào thị trường tài chính, thông qua hành động mua trái phiếu, các khoản thế chấp và thậm chí là cả một số khoản nợ của các công ty. Bảng cân đối kế toán của Fed đã mở rộng từ dưới 4.000 tỷ USD lên hơn 8.500 tỷ USD trong thời gian xảy ra đại dịch.
Lúc đại dịch đang ở đỉnh điểm, Fed cũng đã thực hiện một chiến lược chính sách tiền tệ mới, là kết quả của một cuộc đánh giá kéo dài 12 tháng do chính ông Powell lãnh đạo. Thay vì cách tiếp cận truyền thống là cố gắng ngăn chặn lạm phát, Fed hiện cam kết sẽ chỉ kiểm soát lạm phát, sau khi lạm phát thiết lập được mức cao hơn mục tiêu 2% đã đề ra trước đó. Thay vì chủ động đối phó từ sớm, Fed lựa chọn chống lại lạm phát sau khi chúng chắc chắn đã hiện diện.
Lạm phát của Mỹ (thực tế là lạm phát toàn cầu) đã tăng cao kể từ sau đại dịch, được thúc đẩy bởi các khoản chi tiêu tài khóa rộng rãi chưa từng có, giá năng lượng tăng vọt và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong suốt thời gian qua, Chủ tịch Powell và các quan chức Fed, bao gồm cả bà Brainard, đã mô tả sự gia tăng lạm phát trên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua của Mỹ là "nhất thời" và giờ đây họ không chắc chắn về bất cứ điều gì.
Tuần trước, Fed đã thông báo bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu và thế chấp, trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng, với kỳ vọng sẽ chấm dứt chương trình này hoàn toàn vào giữa năm sau. Fed cũng nhắc lại quan điểm sẽ không vội nâng lãi suất trước năm 2023.
Tuy nhiên, trừ khi lạm phát giảm xuống, Fed có thể sẽ phải đối mặt với sự cần thiết phải đồng thời tăng tốc độ thu hẹp nới lỏng tiền tệ và tăng lãi suất kỳ hạn tương lai (lãi suất ấn định trước cho khoản vay trong tương lai), để tránh những quyết định, thậm chí còn khắc nghiệt hơn, có khả năng gây tổn hại đến nền kinh tế và làm mất ổn định thị trường tài chính, nếu lạm phát vững bền hoặc ngày càng cao.
Trong lịch sử Mỹ, nước này rất ít khi thay đổi vị trí lãnh đạo của Fed tại các thời điểm không chắc chắn về chính sách tiền tệ, chưa nói đến việc thay đổi phần lớn thành viên Hội đồng quản trị ở những thời điểm không chắc chắn như vậy.
Điều đó thúc đẩy khả năng Tổng thống Biden sẽ lựa chọn giữ lại ông Powell, đồng thời bổ nhiệm bà Brainard và đề cử những ứng cử viên không gây tranh cãi vào các vị trí trống, để tránh chính trị hóa Fed và khiến các đề xuất bổ nhiệm dễ dàng nhận được sự chấp thuận của Thượng viện./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ai-se-la-chu-tich-fed-trong-nhiem-ky-toi/220949.html