Ai sẽ là Tổng giám đốc tiếp theo của WTO?

Được thành lập vào tháng 1/1995, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có trụ sở tại Geneva đặt ra các quy tắc thương mại giữa các quốc gia. Từ năm 1948-1994, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) đã đưa ra các quy tắc cho phần lớn thương mại thế giới. Sự ra đời của WTO đánh dấu cuộc cải cách lớn nhất của thương mại quốc tế kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

WTO là một tổ chức quốc tế có mục đích chính là mở cửa thương mại vì lợi ích của tất cả quốc gia và người dân trên thế giới. Hiện có 164 thành viên, tham gia vào 98% thương mại thế giới, WTO được điều hành bởi các chính phủ thành viên và tất cả các quyết định quan trọng đều do các thành viên đưa ra, thông qua Hội nghị các bộ trưởng thường họp ít nhất hai năm một lần hoặc bởi các đại sứ hoặc phái đoàn thường trực họp thường xuyên tại Geneva.

Tổng giám đốc WTO chịu trách nhiệm giám sát và chỉ đạo các hoạt động hành chính của tổ chức. WTO có 623 nhân viên ban thư ký, với ngân sách 197 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 221 triệu USD) cho năm 2020. Ông Roberto Azevedo người Brazil, người từng là Tổng giám đốc thứ sáu của WTO, đã từ chức vào cuối tháng 8/2020, một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Ông được bổ nhiệm lần đầu vào tháng 9/2013 trước khi được bầu lại cho nhiệm kỳ 4 năm thứ hai vào tháng 2/2017.

Sau khi ông Azevedo thông báo quyết định từ chức vào tháng 5, các ứng cử viên đã được các chính phủ đề cử để trở thành Tổng giám đốc mới của WTO khi thời hạn kết thúc vào đầu tháng 7/2020. Vào giữa tháng 9/2020, giai đoạn tuyển chọn thứ hai kết thúc với hai ứng cử viên Okonjo-Iweala và Yoo Myung-hee đã tiến đến vòng cuối cùng, WTO công bố vào đầu tháng 10/2020.

Ứng viên Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria là ai? Cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Okonjo-Iweala tự nhận mình là một tổng giám đốc sẽ phá vỡ hiện trạng tại WTO. Trong thời gian ứng cử, bà tập trung vào thành tích ngoại giao, phát triển và cải cách, vốn đã có 25 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới, tham gia hội đồng quản trị của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và trở thành thành viên hội đồng quản trị tại Twitter và Ngân hàng Standard Chartered, cùng với các vị trí trong danh sách các tổ chức phi lợi nhuận. Bà Ngozi cũng có hộ chiếu Mỹ, đã mang hai quốc tịch vào năm 2019, sau nhiều thập kỷ làm việc tại Ngân hàng Thế giới và học tập tại Mỹ.

Ứng viên Yoo Myung-hee của Hàn Quốc là ai? Bà Yoo là một trong 8 ứng cử viên ban đầu được đánh giá cao nhất để lãnh đạo cơ quan thương mại toàn cầu, đã có 25 năm làm việc trong các vai trò thương mại khác nhau trong Chính phủ Hàn Quốc, đỉnh điểm là bà được bổ nhiệm làm nữ Bộ trưởng Thương mại đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 2019. Với tư cách là Trưởng chiến lược gia thương mại của Hàn Quốc, bà đã tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - Hàn Quốc, ký năm 2014 và đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc, ký năm 2018. Bà cũng có thời gian làm việc tại Ban Thư ký Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc.

Trong quá trình ứng cử, bà Yoo nhận định rằng, sự rối loạn chức năng tại WTO có thể một phần là nguyên nhân gây ra xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, kéo dài hơn hai năm, và đã giúp mở ra một thời kỳ cạnh tranh lớn hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bà Yoo cho rằng, nếu WTO không thể tự tái tạo một lần nữa, có thể nhiều thành viên hơn bị buộc phải giải quyết các tranh chấp theo cách riêng bên ngoài WTO, song phương hoặc đơn phương, và với kinh nghiệm lâu năm trong đàm phán, bà Yoo có đủ điều kiện đóng vai trò là người hòa giải, nếu giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành Tổng giám đốc tiếp theo của WTO.

WTO tuyển chọn nhà lãnh đạo mới

WTO đã tiến một bước gần hơn đến việc bổ nhiệm tổng giám đốc tiếp theo của mình vào cuối tháng 10/2020, với sự ủng hộ phần lớn dành cho ứng viên Nigeria Okonjo-Iweala, sau khi tham vấn với tất cả các thành viên. Tuy nhiên, Mỹ đã thông báo tại một cuộc họp không chính thức của các trưởng phái đoàn rằng họ sẽ không ủng hộ ứng viên này, có nghĩa là bà Okonjo-Iweala chưa có được sự đồng thuận cần thiết để được bổ nhiệm. Chủ tịch Đại hội đồng WTO David Walker cho biết, bà Okonjo-Iweala có nhiều khả năng đạt được sự đồng thuận, sau khi nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên WTO. Tổng cộng, có 27 phái đoàn đã ủng hộ ứng viên Nigeria, nhưng không có Mỹ.

Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra tại cuộc họp chính thức của Đại Hội đồng vào ngày 9/11, sau cuộc bầu cử ở Mỹ. Nhưng ba ngày trước khi cuộc họp dự kiến diễn ra, WTO đã thông báo “cuộc họp sẽ bị hoãn lại cho đến khi có thông báo mới, trong thời gian đó sẽ tiếp tục thực hiện tham vấn với các phái đoàn”. Nếu không thể đạt được sự đồng thuận, thì cuộc đua vào WTO sẽ lần đầu tiên đi đến cuộc bỏ phiếu của các thành viên. Sự chậm trễ trong việc bổ nhiệm một tổng giám đốc mới làm tăng thêm áp lực cho một cơ quan thương mại toàn cầu vốn đã bị gián đoạn, với cơ quan phúc thẩm - tòa phúc thẩm cuối cùng của cơ quan Geneva - về cơ bản không còn tồn tại, sau khi Mỹ từ chối bổ nhiệm bất kỳ thẩm phán mới nào do phản đối về sự vi phạm quá mức trong các phán quyết của tòa án.

Cơ quan Phúc thẩm của WTO bao gồm 7 thẩm phán do Cơ quan giải quyết tranh chấp bổ nhiệm với nhiệm kỳ trong 4 năm. Và cần có ít nhất 3 thẩm phán để phán quyết một vụ việc. Nhưng lần đầu tiên kể từ khi WTO được thành lập cách đây 25 năm, cơ quan phúc thẩm của tổ chức này, được mệnh danh là tòa án hàng đầu về thương mại thế giới, giờ không còn đủ thẩm phán sau sự ra đi của thành viên Trung Quốc vào cuối tháng 11/2020.

Những thách thức mới của tân Tổng giám đốc WTO

Ứng viên Okonjo-Iweala hoặc ứng viên Yoo, dù ai chiến thắng, sẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo WTO. Đặc biệt bà Okonjo-Iweala cũng có thể sẽ là nhà lãnh đạo châu Phi đầu tiên của WTO. Nhưng bất cứ ai chiến thắng sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức đáng kể, bao gồm cả việc phân loại chức năng giải quyết tranh chấp của WTO, được nhiều người coi là trụ cột quan trọng nhất của WTO.

Với việc Cơ quan Phúc thẩm của WTO lần đầu tiên không có thẩm phán, khả năng xử lý các tranh chấp của cơ quan này đã bị xói mòn hoàn toàn. Điều này đã được nhấn mạnh vào tháng 10/2020 khi Mỹ đệ đơn kháng cáo phán quyết của WTO rằng một số mức thuế chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc là bất hợp pháp. Động thái của Mỹ có hiệu quả làm chệch hướng bất kỳ hành động nào mà Trung Quốc có thể đã thực hiện đối với phán quyết tranh chấp, được đưa ra một tháng trước đó. Theo cách nói của WTO, vụ kiện bây giờ sẽ được "kháng cáo vô hiệu", vì không có tòa phúc thẩm nào xét xử.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một vấn đề khác mà vị tổng giám đốc sắp tới sẽ đưa ra thảo luận trong ngày đầu tiên nhậm chức tại Geneva. Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ứng viên Okonjo-Iweala cho rằngn, WTO có thể giúp “xây dựng lại lòng tin” bằng cách tập trung vào các vấn đề mà cả hai bên đã có trên bàn đàm phán. Điều này bao gồm các cuộc đàm phán đang diễn ra về trợ cấp thủy sản - thành công trong đó sẽ cho thấy rằng “WTO thực sự có thể khiến tất cả các thành viên mang lại điều gì đó tích cực”. Sự "rối loạn chức năng" và "tê liệt" vai trò của WTO đã mang lại sự bàng hoàng cho nhiều người với vai trò là một cơ quan đa phương hàng đầu thế giới.

Tổng giám đốc tiếp theo cũng sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc cải tổ cơ quan Geneva. Mỹ, EU và Nhật Bản đã thúc đẩy cải cách các quy tắc về trợ cấp công nghiệp của nhà nước, được cho là nhằm vào Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển ví chính sách nông nghiệp chung của EU như một trợ cấp nông nghiệp bóp méo thị trường. Ứng cử viên giành chiến thắng sẽ cần phải thực hiện một hành động cân bằng nếu họ muốn dẫn dắt WTO để cải cách đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ai-se-la-tong-giam-doc-tiep-theo-cua-wto-149281.html