Ai sẽ tham gia thẩm định sách giáo khoa mới lớp 6?

Năm 2020, sau thời gian thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 6 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 6 , Bộ GD-ĐT đã nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, SGK tự chọn môn tiếng Anh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vùa tổ chức khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì.

Tham dự chương trình có lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT); 128 thành viên của 12 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 6 các môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Thành phần Hội đồng bao gồm: các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Năm 2020, sau thời gian thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 6 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 6 , Bộ GD-ĐT đã nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 4 bản mẫu, tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu SGK.

Tôn trọng sự sáng tạo để đảm bảo tính mở của SGK

Tại hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động thẩm định SGK. “Đằng sau thành công của mỗi cuốn sách có vai trò quan trọng của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Các thầy cô tuy không có tên trên bìa sách nhưng lại có công lao lớn giúp tác giả hoàn thiện tốt hơn bản mẫu SGK. Ý kiến của Hội đồng đôi khi còn có thể làm thay đổi cả giá trị của cuốn sách. Hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ giúp các bản mẫu khi được trình Bộ trưởng phê duyệt sẽ là những sản phẩm chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của CT GDPT và chứa đựng niềm tin của học sinh, giáo viên, phụ huynh, toàn xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, để tổ chức thẩm định SGK, Bộ đã ban hành các văn bản pháp lý, trong đó có Thông tư 33 (năm 2017) Ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Thông tư 23 (năm 2020) sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33.

Các văn bản này đã quy định rõ 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí trong thẩm định SGK, được Bộ GDĐT cụ thể hóa thành 40 chỉ báo. “Đây là những nội dung quan trọng, đề nghị các thầy cô nắm vững để thẩm định và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu, cho ra được những SGK cho tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Theo Nghị quyết Quốc hội số 88, “SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục”. Do đó Thứ trưởng đề nghị các thành viên phải nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình từng môn học; hiểu rõ sự khác biệt của chương trình hiện hành so với chương trình giáo dục phổ thông mới, để từ đó thấy được cách tiếp cận của SGK mới so với sách hiện hành khác nhau như thế nào và có sự phân tích, đánh giá sách mới tốt hơn.

Khác với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tạo điều kiện cho giáo viên được chủ động, sáng tạo trong dạy học. Chương trình được viết theo hướng mở, không quy định bài học theo từng tiết hay việc cả nước phải cùng một ngày, một giờ, dạy một bài giống nhau như hiện nay. Với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, mỗi địa phương, mỗi nhà trường có thể sử dụng một số SGK khác nhau và nhà trường, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở mình.

Với tinh thần mở trong xây dựng chương trình như vậy, Thứ trưởng đề nghị Hội đồng khi thẩm định cần trân trọng những đổi mới, sáng tạo của tác giả SGK để đảm bảo tính mở của sách, giúp giáo viên được tự do, sáng tạo trong dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh.

“Các thầy cô có quyền nhận định, đánh giá nhưng tác giả cũng có quan điểm, triết lý riêng trong biên soạn SGK và đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12. Do đó, đề nghị các thầy cô khi thẩm định lưu ý tính mở để tôn trọng sự sáng tạo của nhóm tác giả và sự hấp dẫn của các các cuốn sách. Ta không dùng quyền và nhận thức của mình để từ đó đưa ra ý kiến chủ quan không phù hợp với yêu cầu của chương trình hay yêu cầu của thực tế giáo dục trong xu thế phát triển hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị các thành viên khi thẩm định cần xem xét kỹ từng câu chữ, hình ảnh của từng bản mẫu để hiểu ý tưởng, triết lý của cuốn sách; tìm ra cái hay, cái mới, điểm sáng tạo của tác phẩm và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu tốt hơn. Trong quy trình thẩm định, Bộ GDĐT đã quy định có hoạt động tác giả trình bày, trao đổi ý tưởng của bản mẫu SGK để Hội đồng hiểu rõ về tác phẩm của mình.

“Mục đích đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới là tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng GDPT, chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Đây là cuộc cách mạng lớn mà từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều đã có Nghị quyết về vấn đề này; xã hội cũng đặc biệt quan tâm. Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; các tác giả và NXB đã biên soạn những bản mẫu SGK. Giờ tới hoạt động của Hội đồng thẩm định giúp Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẩm định chuyên môn SGK trước khi phê duyệt, cho phép sử dụng trong cơ sở GDPT. Lãnh đạo Bộ và cả xã hội đang trông chờ, đặt kỳ vọng vào Hội đồng thẩm định. Vì thế, tôi mong muốn các thầy cô nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, khoa học, khách quan, góp phần mang tới những cuốn SGK chất lượng cho học sinh, giáo viên và xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

SGK phải hỗ trợ việc thực hiện các hoạt động giáo dục tích cực

SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ cụ thể hóa chương trình mà còn có chức năng định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; tức SGK phải hỗ trợ giáo viên sử dụng các kỹ thuật và phương pháp dạy học phù hợp. Đây là tính năng mà nhiều SGK trước đây không có. Trong phần phát biểu của mình, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Nguyễn Xuân Thành nhiều lần nhấn mạnh đề nghị Hội đồng quốc gia khi thẩm định SGK lưu ý vấn đề này.

“Khi thẩm định SGK, các thầy cô lưu ý xem bản mẫu ấy có thuận lợi cho giáo viên và học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục theo phương pháp, hình thức dạy học tích cực không. Mỗi nội dung trong từng bản mẫu SGK đã giúp giáo viên ra được lệnh cho học trò thực hiện các nhiệm vụ giáo dục với đầy đủ, rõ ràng các yêu cầu về mục tiêu, nội dung, cách làm, sản phẩm phải hoàn thành hay chưa? Với bài học này, tương ứng với chủ đề ấy, liệu học sinh có điều kiện để thực hiện hành động đã yêu cầu trong SGK không…”, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, để cho học sinh học tốt, hình thành và phát triển được các năng lực, phẩm chất thì mỗi bài học trong SGK phải thể hiện được một lệnh nào đó để giúp học sinh khai thác được kiến thức đã có đồng thời tìm hiểu kiến thức mới và giải quyết trọn vẹn yêu cầu của bài học. Tuy nhiên, khác chương trình giáo dục phổ thông mới hiện hành coi SGK như “đích đến” để tất cả các hoạt động trong lớp học chỉ xoay quanh bài học trong SGK thì chương trình giáo dục phổ thông mới SGK chỉ là một trong những phương tiện để giáo viên hướng dẫn học sinh đi đến cái đích là giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống.

“SGK bây giờ chỉ là một phương tiện giúp học sinh thực hiện các hoạt động học dưới sự hướng dẫn của giáo viên, để từ đó vận dụng kiến thức học được vào cuộc sống. Trên quan điểm đó khi thẩm định SGK, Hội đồng xem xét xem các bản mẫu SGK đã đáp ứng tốt yêu cầu để khi giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, các em có thể thao tác, phân tích nội dung trong SGK để có được kiến thức và vận dụng vào thực tế hay không”, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nói.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đồng thời nhấn mạnh, các thành viên khi thẩm định SGK phải nhìn nhận SGK trong mối quan hệ đúng của nó với giáo viên và học sinh. Theo đó, SGK - giáo viên - học sinh phải là mối quan hệ tương hỗ theo thế tam giác đều; giáo viên chỉ là người hướng dẫn học sinh tương tác trực tiếp với SGK để thực hiện các nhiệm vụ được giao chứ không phải giáo viên ở giữa để giảng từng nội dung trong SGK cho học trò ghi chép.

“Chương trình giáo dục phổ thông mới có mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực người học mà muốn phát triển được thì phải đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh hoạt động chứ không phải thầy giảng, trò ngồi nghe và ghi chép”, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nói.

Trong thành viên Hội đồng thẩm định SGK lớp 6, 1/3 số lượng là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học ở cấp THCS. Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành đề nghị, những thầy cô này mạnh dạn cho ý kiến để giúp Hội đồng có cái nhìn thực tế và đưa ra các ý kiến thẩm định sát đáng, phù hợp với thực tiễn dạy học và tâm lý lứa tuổi học sinh cho các bản mẫu SGK./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ai-se-tham-gia-tham-dinh-sach-giao-khoa-moi-lop-6-777467.vov