Ai sẽ thắng trong cuộc chạy đua xây dựng trạm mặt trăng?

Đang có một cuộc chạy đua trở lại mặt trăng không quá khoa trương và lần này lại đến từ các nước lớn: Trung Quốc và Nga cùng một phe, còn Mỹ và các đối tác ở phe khác, tất cả đều không công nhận quy tắc của bên kia một khi họ đặt chân lên mặt trăng.

Các nhà làm luật cùng các nhà phân tích chính sách không gian đã bày tỏ sự bận tâm: Làm thế nào giữa 2 phe này tránh một cuộc đụng độ trong không gian nếu như các chính sách và luật quốc tế trên trái đất không được áp dụng lên mặt trăng?

Luật trái đất mất giá trị trên mặt trăng

Năm 1967, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) đã chấp thuận một hiệp ước về việc sử dụng không gian ngoài với hứa hẹn hợp tác và cấm các hình thức sử dụng vũ khí hạt nhân, diễn tập quân sự cùng các hoạt động thiết lập căn cứ quân sự ngoài hành tinh. Hiệp ước cũng yêu cầu các quốc gia thực hiện “tham vấn quốc tế thích hợp” trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào có thể gây ra “sự can thiệp gây hấn tiềm tàng” với những chương trình không gian khác, đồng thời cho phép các quốc gia “quyền yêu cầu tham vấn” nếu họ tin rằng sẽ có thể xảy ra những hành động can thiệp như vậy.

Ông James Lake, một cộng sự cấp cao của Canyon Consulting, người đã cùng viết một bài về các vấn đề an ninh mặt trăng được công bố trên Thời báo Lực lượng không gian, khẳng định: “Hiệp ước này đã dự báo rất tốt về các vấn đề có thể xây ra một khi mở rộng hoạt động thăm dò không gian. Câu hỏi trăn trở là văn bản đó “hiệp ước” đã đủ chưa? Đó là điều mà chúng tôi sẽ sớm tìm ra”.

Hệ thống tuần tra xa lộ vùng đệm không gian vũ trụ (CHPS) được thiết kế nhằm mô phỏng nền tảng vũ trụ nhằm nâng cao nhận thức về chế độ đệm không gian. Ảnh nguồn: Air Force Research Laboratory Graphic.

Đáng chú ý có nguyên một phụ lục cấm các hoạt động quân sự trên mặt trăng đã không được Nga, Trung và Mỹ đề cập. Tháng 6-2021, Cơ quan Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Roscosmos (Nga) loan báo họ sẽ bắt đầu thăm dò những địa điểm thuộc Trạm Nghiên cứu mặt trăng quốc tế (ILRS) ngay trong năm nay, và sẽ chọn ra một địa điểm thích hợp để đặt căn cứ vào thời điểm năm 2025.

Năm 2020, NASA cùng với đối tác các quốc gia khác hợp tác với Mỹ theo Hiệp định Artemis nhằm phác thảo dự án Trại căn cứ Artemis. Theo đó, các quốc gia Artemis nhắm mục tiêu đưa các phi hành gia quay lại mặt trăng vào thời điểm năm 2024. Ngoài 2 liên minh lớn đó thì các công ty tư nhân như Blue Origin cũng đang làm việc với những căn cứ mặt trăng tư nhân.

Nguy cơ tranh chấp “vùng an toàn” trên mặt trăng

Ông Bleddyn Bowen, giáo sư tại Đại học Leicester (Anh) và là tác giả cuốn sách “Chiến tranh không gian: Chiến lược, sức mạnh không gian, địa chính trị”, quả quyết: “Chỉ có vài địa điểm trên mặt trăng mà việc xây dựng căn cứ mang lại hiệu quả kinh tế. Lấy ví dụ như băng nước sẽ biến những lãnh thổ quanh những miệng núi lửa trên các vùng cực trở thành những xứ sở đáng mơ ước”. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các phe cùng chọn miệng núi lửa làm điểm lý tưởng cho việc xây dựng các cơ sở mặt trăng?

Ông Alex Gilbert, nghiên cứu sinh tiến sĩ về các nguồn lực không gian tại Viện Payne ở Trường Mỏ địa chất Colorado (Mỹ) quả quyết: “Nếu ai cũng nhắm đến một địa điểm thì quan trọng là ai sẽ đến đó trước. Và nếu xui xẻo trở thành người đến sau thì chỉ có nước “bứng” luôn những người đang cư trú ở đó”.

Tàu vũ trụ của Trung Quốc đã hạ cánh lên mặt tối của Mặt Trăng vào năm 2019. Ảnh nguồn: Space News .

Ông Alex Gilbert phân tích: “Ngay cả khi nếu quý vị thành lập căn cứ và mạnh miệng tuyên bố nó là “vùng an toàn” thì người khác vẫn có thể đi thẳng vào đó. Cho nên nó chỉ dùng như một thứ công cụ để các bên dễ nói chuyện với nhau. Nhưng vẫn còn đó rủi ro là những khu vực này sẽ dùng như một bước đệm để tiến tới loại bỏ những địa điểm của đối thủ cạnh tranh. Điều quan trọng cần phải hiểu về các vùng an toàn là ai cũng có cách định nghĩa của riêng họ”.

Bà Laura Duffy, một kỹ sư hệ thống không gian của hãng Canyon Consulting, đồng tác giả cuốn sách “Vùng đệm mặt trăng, một biên cương mới”, nhấn mạnh: “Ai đến mặt trăng trước thì có thể khai thác tài nguyên ở đó, song không nước nào có thể bạo mồm yêu cầu lãnh thổ”. Không chỉ nước mà cả các kim loại đất hiếm và khí Helium-3 cũng được săn lùng trên mặt trăng và phải soạn ra hiệp ước dùng chúng vì những mục đích hòa bình. Bà Laura Duffy phân tích: “Theo các hiệp định Artemis và Không gian mở thì mặt trăng phải sẵn sàng mở và tùy nghi sử dụng”.

Nhưng cả Nga lẫn Trung Quốc đều không tham gia Hiệp định Artemis. Cho đến gần đây, lực lượng phòng thủ không gian Mỹ chủ yếu đang tập trung xoay quanh các vật thể ở quỹ đạo trái đất. Nhưng việc này đã thay đổi vào năm 2021 này khi Các lực lượng không gian Mỹ và USSPACECOM cùng đề cập đến việc bảo vệ các tài sản Mỹ ở cách đó 272.000 dặm, một khoảng cách có tên là “Khoảng không vùng đệm” nằm trải rộng hơn quỹ đạo mặt trăng một chút.

Hai chuyên gia Laura Duffy và James Lake lập luận: “Trong tương lai, những tài sản tấn công và phòng thủ sẽ rất cần thiết nhằm đảm bảo việc sử dụng không gian vùng đệm một cách cởi mở và hòa bình”.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/ai-se-thang-trong-cuoc-chay-dua-xay-dung-tram-mat-trang--i624844/