Ai thẩm định dự án đầu tư?

Theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội thì Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định dự án, đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định.

Thực tế ai tham gia trực tiếp thẩm định các dự án đầu tư? Theo quy định của Luật Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước được do Thủ tướng Chính phủ thành lập trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, bao gồm đại diện các cơ quan Trung ương có trách nhiệm quản lý liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, các bộ quản lý chuyên ngành có liên quan… và một số chuyên gia độc lập. Tuy nhiên, số lượng chuyên gia độc lập, đại diện cho các hiệp hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp thường rất hạn chế, chủ yếu là đại diện các bộ, ngành và do đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định, ký ban hành kết luận cuối cùng của Hội đồng thẩm định. Các thành viên Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình tại Biên bản của Hội đồng thẩm định.

Đối với dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, theo quy định của Luật Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung dự án thuộc phạm vi quản lý trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, có ý kiến thẩm định và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ví dụ: Liên quan đến kinh doanh bán lẻ thì xin ý kiến Bộ Công Thương, liên quan đến khoáng sản thì xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, liên quan đến viễn thông thì xin ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông,… Mặc dù, Luật Đầu tư quy định thời hạn trả lời ý kiến của các cơ quan này là 15 ngày, nhưng thực tế hầu hết dự án bị kéo dài quá trình lấy ý kiến của các bộ, do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chờ đủ ý kiến thẩm định mới tổ chức thẩm định nên kết luận thẩm định thường rất chậm.

Cũng theo quy định của Luật Đầu tư, trong hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, phải có Đánh giá sơ bộ tác động môi trường đã được cơ quan chuyên môn về môi trường chấp thuận. Như vậy, chủ dự án phải mất thêm thời gian lập, thẩm định phê duyệt Đánh giá tác động môi trường trước khi lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP thì thời gian để được thẩm định, chấp thuận Đánh giá sơ bộ tác động môi trường là 45 ngày đối với trường hợp dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định hoặc 30 ngày đối với các trường hợp khác. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian chủ dự án phải điều chỉnh nội dung Đánh giá tác động môi trường cho đến khi được thẩm định, phê duyệt dự án kéo dài nhiều tháng.

Các dự án đầu tư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đều phải có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Văn phòng Chính phủ sẽ xem xét lại lần nữa hồ sơ, thủ tục theo Quy chế làm việc của Chính phủ.

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, khi xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư (thường là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) là cơ quan tổ chức có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án và được người quyết định đầu tư giao nhiệm vụ thẩm định, thường là Sở Xây dựng. Cơ quản lý về xây dựng lại lấy ý kiến phối hợp của các cơ quan quản lý chuyên ngành khác khi thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng trong thời gian 30 ngày, nhưng thực tế, thời gian xem xét này cũng thường bị kéo dài để chờ có đủ ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên môn.

Để thẩm định dự án đầu tư, các thành viên tham gia Hội đồng thẩm định hoặc được giao thẩm định không chỉ cần có kinh nghiệm thuộc lĩnh vực được giao quản lý mà còn cần được đào tạo các kiến thức kinh tế cơ bản như: Kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế lượng và xác suất thống kê, tài chính kế toán... Các thành viên cần được cung cấp đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án đến động lực phát triển vùng, địa phương, đến tiềm năng sản xuất địa phương, kể cả phát triển các ngành kinh tế phụ trợ hoặc có liên quan, tác động công ăn việc làm tại địa phương hoặc tác động lên phúc lợi xã hội (dự án cung cấp điện, nước,...), kể cả yếu tố môi trường có thể bị tác động đến mức độ nào, có thể khắc phục được hay không, chi phí dự kiến do các tác động tích cực và tiêu cực của dự án. Tuy nhiên, thực tế thì các thông tin được cung cấp để thẩm định, đánh giá các tác động này không đầy đủ, không dựa trên các nghiên cứu, phân tích khoa học nên các thành viên thẩm định thường dựa trên kinh nghiệm công tác và quan điểm cá nhân.

Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định về trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tham gia thẩm định dự án đầu tư, nhưng thực tế ý kiến thẩm định thuộc trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản thẩm định và người ký quyết định kết luận thẩm định. Thời gian qua một số dự án đầu tư đã phải xem xét trách nhiệm hành chính và hình sự của cơ quan và người thẩm định dự án đầu tư khi thực hiện dự án gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhất là các dự án sử dụng vốn của Nhà nước. Đến khi phân tích hành vi của những người tham gia thẩm định dự án thì thấy rằng ý kiến thẩm định được đưa ra chỉ trên cơ sở hồ sơ dự án do chủ dự án đề xuất, việc tìm kiếm và kiểm chứng thông tin để bảo đảm tính đầy đủ, chính xác của người thẩm định là không có cơ sở và điều kiện thực hiện với thời gian rất ngắn.

Người thẩm định chủ yếu là các công chức làm việc trong các cơ quan quản lý chuyên ngành, có rất nhiều nhiệm vụ công tác phải thực hiện, nên việc dành thời gian nghiên cứu thấu đáo các yếu tố tác động của dự án là rất khó khăn. Hiện nay, quy trình tham vấn trong quá trình thẩm định cũng không bắt buộc nên càng khó khăn cho người thẩm định. Cần kéo dài thời gian tham vấn các tổ chức, cộng đồng có liên quan, việc tổ chức tham vấn cần thực chất, công khai để các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận thông tin. Nếu như các yếu tố có liên quan của dự án được tham vấn đúng đối tượng chịu sự tác động, có sự đối thoại, đồng thuận của chủ dự án với các đối tượng chịu sự tác động của dự án thì việc xem xét, thẩm định sẽ thuận lợi hơn, hạn chế được các rủi ro và phát sinh tranh chấp cho dự án trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cần nghiên cứu cho phép các tổ chức đủ điều kiện theo quy định pháp luật được thẩm định một số loại dự án đầu tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định. Việc này sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng cho cơ quan và người thẩm định, mà kết quả thẩm định cũng sẽ bảo đảm chất lượng hơn. Do đó trong thời gian tới, cần nghiên cứu sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan trong thủ tục thẩm định dự án như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường./.

Lê Văn Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/ai-tham-dinh-du-an-dau-tu/396861.vgp