AI thay đổi mọi 'cuộc chơi'

Với sự xuất hiện của AI, mọi tổ chức phải 'cấu trúc' lại chính mình để tập trung vào giá trị hơn là chỉ chú trọng vào hàng hóa như trước đây.

Cuộc sống và công việc đang thay đổi

Chủ tịch Softbank từng dự phóng rằng, thời điểm máy móc thông minh hơn con người diễn ra vào năm 2057 nhưng với sự phát triển của trí thông minh nhân tạo như hiện nay, có lẽ các chuyên gia chờ đợi thời điểm này đến sớm hơn rất nhiều, vào năm 2030.

Khi máy móc thông minh hơn, con người, cuộc sống và công việc của chúng ta đều thay đổi. Chúng ta làm việc cùng máy móc, đem lại năng suất lao động cao hơn. Những công việc thủ công làm bằng máy, còn con người đảm nhận các phần việc phức tạp hơn, thông minh hơn. Khi đó, cơ cấu công việc trong xã hội và trong bản thân các doanh nghiệp đều thay đổi, có những việc mới được tạo ra, việc cũ mất đi. Thực tế, mức tăng trưởng của thị trường AI lên tới 42% và có thể đạt tốc độ tăng gấp ba lần hiện nay.

Generative AI (AI tạo sinh) làm được nhiều thứ. Nó có thể quản trị tri thức doanh nghiệp, cho phép người dùng truy xuất thông tin, so sánh, tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra câu trả lời. Chúng cũng có thể so sánh cùng một thông tin ở nhiều năm khác nhau.

Generative AI cũng có thể giúp tổng hợp toàn bộ tài liệu, quy trình, học bài, học bán hàng, kinh doanh và đưa ra bài học ngắn, phù hợp cho từng người. Những việc đơn giản như tóm tắt văn bản hoặc phân tích nội dung, phản hồi khách hàng, phân tách yếu tố chính phụ… đều được chúng xử lý “ngon lành”.

Công việc ở các doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi. Lấy ví dụ như có một nhân viên văn phòng tên là Hồng, mỗi ngày, phải làm việc rất nhiều ở phòng mua sắm. Doanh nghiệp doanh thu 1.000 tỷ đồng, số lượng hàng mua lên tới hàng trăm đơn hàng. Mỗi tháng, Hồng phải mua 500 đơn hàng trong 20 ngày làm việc. Mỗi ngày từ 20 - 25 đơn hàng. Mỗi tiếng làm 3 đơn hàng. Một việc lặp đi lặp lại như vậy khiến cô nhàm chán, mất động lực. Công nghệ và AI có thể thay đổi trải nghiệm này, thay vì thao tác nhập đi nhập lại trên hệ thống, nhân viên như Hồng có thể trao đổi với trợ lý ảo và xử lý công việc bằng giọng nói, thay vì chỉ thao tác bằng tay.

Giới trẻ rồi sẽ quản lý ứng dụng AI vào học tập, cuộc sống. Học tập, xử lý, phán đoán sẽ là 3 yếu tố để xây dựng ra nhiều ứng dụng thông minh.

Nắm lấy cơ hội

Con người luôn lo sợ trước những phát minh, tiến bộ của công nghệ, kéo theo sự nghi ngại, thiếu ủng hộ. Khi lần đầu Internet được công bố, ngay cả thiên tài công nghệ Bill Gates cũng không ngờ được có ngày người ta sẽ chỉ mua hàng trên Internet.

Sáu tháng trước đây, với câu chuyện Chat GPT - AI tạo sinh - Elon Musk cùng nhiều chuyên gia khác lên tiếng đòi “ngừng” AI, vì AI có thể xóa bỏ nhiều công việc, thậm chí tiêu diệt nhân loại. Nhưng trái lại, như những gì chúng ta thấy, các công ty đang tăng tốc phát triển thế hệ AI tiên tiến hơn.

Nếu như trước đây, chúng ta chỉ nghe đến IBM Deep Blue, Google DeepMind... đánh bại các nhà vô địch cờ vua, cờ vây, thì giờ đây, AI đã len lỏi vào mọi khía cạnh đời sống: từ điện thoại di động, đồng hồ đeo tay với Siri, Google Assistant, Alexa, tủ lạnh, máy hút bụi… đều có sự trợ lực của AI. Vai trò AI thể hiện trong 3 mảng chính sau:

AI từng bước làm giàu hành trình trải nghiệm cá nhân, tạo nên trải nghiệm duy nhất, đưa con người vào một "siêu không gian" phù hợp nhất cho họ. Không gian ấy được gọi là siêu cá nhân hóa, nhằm đảm bảo hợp người, hợp cảnh, hợp tình, hợp lý.

AI đã và đang bổ trợ con người tăng cường năng lực vật lý, hỗ trợ nhiều hoạt động khác nhau, từ nâng vác, kiểm tra trực quan đến thuyết trình, hay thay thế con người trong môi trường nguy hiểm.

AI cũng giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách kịp thời nắm bắt những thay đổi trong môi trường kinh doanh, phân tích và đưa ra quyết định. Đây là yếu tố sống còn khi doanh nghiệp phải bơi trong biển thông tin khổng lồ.

Đối với từng cá nhân, khi những công nghệ xung quanh kết nối với nhau, cùng sự bổ trợ của AI, các tình huống, bối cảnh của người dùng dễ dàng được nhận diện. Đây chính là điểm mấu chốt để các hệ thống cá nhân hóa chuyển từ "hợp người" - nghĩa là cung cấp những giá trị phù hợp với sở thích, thói quen, sang "hợp cảnh" - lựa chọn cả những giá trị phù hợp với tình huống, dự định mà người ấy quan tâm.

Với bất kỳ ai đồng ý chia sẻ cuộc sống cùng AI, chúng có thể giúp đưa ra lựa chọn phù hợp hơn: hoạch định chi tiêu, chọn nguyên vật liệu chất lượng tối ưu theo thời giá cho bữa ăn, kết hợp trang phục đi làm, hay sự kiện…

Từ phía doanh nghiệp, AI chia sẻ, giúp doanh nghiệp hiểu nhu cầu riêng biệt của từng người tiêu dùng, để linh hoạt cấu hình sản phẩm, dịch vụ phù hợp, cũng như định giá tương ứng khả năng chi trả. Điều đó không chỉ giúp khách hàng hài lòng, mà còn tiết kiệm nguồn lực doanh nghiệp, tối ưu doanh thu và lợi nhuận.

Lê Hồng Việt / Tổng giám đốc FPT Smart Cloud

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ai-thay-doi-moi-cuoc-choi-post335577.html