Ai thực sự là người chủ quá khứ?

Nếu những khiếm khuyết của di sản văn hóa không được vạch ra, nó sẽ vẫn là một công cụ của quyền lực, hơn nữa là một công cụ chết người.

Thành phố cổ Mosul lớn thứ ba của Iraq bị chiến tranh tàn phá. Hai năm sau khi chính quyền Iraq và liên quân do Mỹ đứng đầu giành lại nó từ ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria), thành phố vẫn là một vết sẹo lớn. Nhiều cư dân đã bỏ chạy, hoặc bị bắt vào các trại tập trung. Những người trở về thì sống giữa đổ nát.

Nhưng cái được tái thiết lại là di sản văn hóa.

UNESCO đã phối hợp với chính phủ Iraq phát động chiến dịch có tên gọi “Phục sinh linh hồn Mosul” tập trung vào một nhóm các công trình lịch sử trong thành phố. Liên đoàn Các tiểu vương quốc Ả Rập đã đóng góp 50 triệu USD để xây lại ngôi thánh đường Hồi giáo Nuri 850 tuổi và tòa tháp của nó, công trình này còn được biết đến với tên gọi “al-Hadba” (Lưng gù), một biểu tượng của thành phố.

Điều đáng để ý nhất về chiến dịch này là nó dường như thờ ơ với cuộc sống của những người dân coi thành phố là nhà. Những trường hợp như Mosul cho thấy một thực tế quan trọng về di sản văn hóa: nó chủ yếu không phải là nói về quá khứ, điều nghe ra có vẻ không logic, nó nói về hiện tại. Khai thác sức mạnh của quá khứ để biện minh cho các quan hệ xã hội hiện tại. Các chính phủ chà đạp lên cuộc sống và nhu cầu của cá nhân và cộng đồng, người giàu biến sự giàu có họ có được một cách đáng ngờ thành vốn văn hóa, tất cả đều nhân danh di sản.

Đền thờ Hồi giáo Al Nuri ở Iraq (ảnh trái) được phục hồi từ đổ nát (ảnh phải) nhờ chương trình “Phục sinh linh hồn Mosul” của UNESCO. Ảnh: Reuters

Đền thờ Hồi giáo Al Nuri ở Iraq (ảnh trái) được phục hồi từ đổ nát (ảnh phải) nhờ chương trình “Phục sinh linh hồn Mosul” của UNESCO. Ảnh: Reuters

Chúng ta luôn luôn quan tâm đến phần còn lại của quá khứ. Nhưng cách chúng ta suy nghĩ hiện nay về di sản đã hình thành từ thế kỷ XIX. Ai Cập năm 1835 và đế quốc Ottoman năm 1869 đã ra những đạo luật bảo vệ các tượng đài và những sản phẩm nghệ thuật khỏi nạn trộm cắp và phá hoại. Nhưng người Âu và người Mỹ đã không đếm xỉa đến các đạo luật đó. Mọi người từ các đại lý cổ vật đến hướng dẫn viên du lịch đều đưa ra lời khuyên về cách mua bán trái phép cổ vật bị cướp bóc ở Trung Đông, hoặc tiến hành các cuộc khai quật bất hợp pháp, hoặc lấy cổ vật ra bằng cách mua chuộc các nhân viên hải quan và cảnh sát.

Tình hình chỉ thực sự thay đổi sau Thế chiến thứ hai. Anh và các đế quốc khác bắt đầu từ bỏ các thuộc địa của mình một cách nghiêm túc và những hiệp định quốc tế như Công ước La Haye 1954, các công ước của UNESCO năm 1970 và 1972 đã luật hóa sự tôn trọng đối với các quốc gia mới và di sản của họ. Những hiệp định này bắt nguồn từ những quan niệm về chủ quyền quốc gia. Chúng khẳng định nguyên tắc di sản văn hóa thuộc về quốc gia nơi nó được tìm thấy và kêu gọi công nhận và thực thi các đạo luật quốc gia về tài sản văn hóa. Những công ước đó thể hiện bước đi cuối cùng trong việc chuyển đổi thái độ đối với các đạo luật về cổ vật của các nước đang phát triển từ gạt bỏ đến tôn trọng.

Trong thế kỷ XX, Hội Quốc Liên và tổ chức kế tục nó là Liên Hợp Quốc, đã phát động những chiến dịch di sản tập trung vào yêu cầu di sản văn hóa không thuộc về các quốc gia riêng lẻ mà thuộc về tất cả. Các bảo tàng quốc gia ở châu Âu viện đến chủ nghĩa phổ quát để biện minh cho việc nắm giữ di sản văn hóa của các nước khác (như Bảo tàng Anh quốc với các bức tượng Parthenon). Đỉnh điểm của chủ nghĩa phổ quát này là chiến dịch Tượng đài Nubia của UNESCO thời kỳ 1960 - 1980, khi một số nước cùng nhau giải cứu những tượng đài Ai Cập khỏi hồ nước do công trình xây dựng đập cao Aswan tạo nên. Ngôn ngữ phổ quát phục vụ cho mục đích các nước phát triển ra sức thu thập, thực chất là cướp bóc, di sản của các nước đang phát triển.

Các chính phủ chà đạp lên cuộc sống và nhu cầu của cá nhân và cộng đồng, người giàu biến sự giàu có họ có được một cách đáng ngờ thành vốn văn hóa, tất cả đều nhân danh di sản.

Các nước không dùng di sản chỉ để chống lại các nước khác mà còn chống lại chính dân cư của mình. Việc di dời các cộng đồng người nhân danh di sản hiện nay vẫn tiếp tục, chỉ có điều bây giờ phải được phép của UNESCO. Trong khi các nước cùng nhau cứu vớt những di tích cổ trong chiến dịch Nubia thì các cư dân Nubia hiện thời lại không được may mắn như thế. Khoảng 100.000 người đã buộc phải dời đi và việc tái định cư của họ không được cấp đủ tiền. Ở Chikan (Trung Quốc) hàng nghìn cư dân đã phải rời khỏi nhà của họ cho một dự án phát triển trị giá 900 triệu USD biến một thị trấn cổ thành các khách sạn và cửa hàng cho khách du lịch đến di sản thế giới ở gần đấy. UNESCO và các tổ chức quốc tế khác có xu hướng phớt lờ những sự di dời bắt buộc này, hoặc chỉ trích muộn màng.

Sự quyến rũ của đồng tiền nhờ vào di sản là rất mạnh. Nó thậm chí có thể vượt qua lợi ích quốc gia, đại diện cho dòng chảy của cả vốn kinh tế và văn hóa từ tinh hoa của nước này sang nước khác. Pháp đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với Qatar để tạo ra Louvre Abu Dhabi và cho Qatar mượn tranh để trưng bày. Ai được hưởng lợi từ ý tưởng di sản văn hóa ở đây? Các bảo tàng và các thiết chế di sản khác có mối quan hệ cộng sinh với các nhà tài trợ giàu có của họ: các nhà tài trợ được quảng cáo tốt và được giảm thuế, trong khi các thiết chế trở thành người canh giữ nghệ thuật và di sản, và thu lợi từ chúng.

Đáng sợ nhất, di sản văn hóa có thể là vũ khí trong chiến tranh. Ở đây, tất cả các thành phần chính trị và kinh tế khác nhau của di sản kết hợp với nhau. Trong cuộc nội chiến Syria, mọi đảng phái trong cuộc xung đột đã sử dụng di sản làm vũ khí. ISIS đã dàn dựng việc phá hủy các di tích như một cảnh diễn và tung ra những băng video giật gân gây sợ hãi.

Vào năm 2014, khi Met (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan) khai mạc triển lãm “Assyria tới Iberia”, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lúc đó là John Kerry đã phát biểu tại lễ khai mạc. Bài phát biểu của Kerry tập trung vào sự phá hoại do ISIS thực hiện mà ông đã phóng đại lên trong khi phớt lờ các hành động phá hoại của các bên khác trong cuộc nội chiến Syria. Kerry đã phát ra lời kêu gọi ngăn chặn ISIS và chỉ vài giờ sau, Mỹ bắt đầu ném bom Syria.

Di sản là một ý tưởng từ trên xuống - nó được xác định và sử dụng bởi các thành viên quyền lực nhất trong xã hội, chứ không phải toàn xã hội. Di sản văn hóa nói với mọi người - chứ không phải hỏi họ - cái gì họ nên quan tâm. Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi được điều này?

Các chuyên gia di sản văn hóa đã đề xuất những ý tưởng có tiềm năng giúp dân chủ hóa di sản văn hóa: Trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho các cộng đồng địa phương: Những vấn đề cơ bản của việc khai thác di sản là kết quả từ sự kiểm soát ở cấp quốc gia. Làm cho di sản văn hóa trở nên địa phương hơn cũng bao hàm việc thừa nhận những thứ quan trọng đối với người dân lao động, trái ngược với những cấu trúc và sản phẩm nghệ thuật hoành tráng có xu hướng liên quan đến hoàng gia hoặc giới thượng lưu. Các học giả đã nghĩ về cách làm cho quyền sở hữu di sản văn hóa trở nên chung hơn (thay vì tư nhân hoặc nhà nước).

Giảm bớt tầm quan trọng của tình trạng gốc: Các bản gốc của đồ vật được đánh giá cao trong xã hội phương Tây. Chúng thúc đẩy mọi thứ: từ nỗi ám ảnh sở hữu của những người sưu tầm cổ vật cho đến dòng tiền từ du lịch di sản. Chúng phải được bảo vệ bằng mọi giá khỏi sự hủy diệt. Chúng ta đang ở thời điểm khi mà các bản sao và các sự tái tạo có thể đóng vai trò lớn hơn trong tư duy về di sản. Các bản sao kỹ thuật số ngày càng hiện diện. Chúng có thể đưa lại chất lượng thị giác và thậm chí xúc giác như bản gốc. Nhiều bảo tàng và các di tích đã đưa chúng vào trưng bày.

Xem lại tư tưởng coi di sản như là tài sản: John Carman, giảng viên lâu năm về việc đánh giá di sản tại Đại học Birmingham (Anh) đã đề nghị nghĩ về di sản văn hóa như một nguồn truy cập mở. Những ai quý trọng một công trình hay một đồ vật đều được tự do sử dụng nó cho mục đích riêng mà không loại trừ những người khác. Carman cho rằng cách nghĩ này về di sản tưởng có vẻ cực đoan nhưng đã có tiền lệ trong tư duy chính trị. Chắc chắn, sự thay đổi quan niệm về tài sản văn hóa là điều hứa hẹn cho việc xử lý nhiều trường hợp các bên đấu tranh để sở hữu hoặc khai thác di sản văn hóa.

Michael Press - Học giả thỉnh giảng tại Chương trình nghiên cứu người Do Thái gốc ở Đại học Indiana (Bloomington, Mỹ)

Ngân Xuyên (trích dịch từ tiếng Anh, nguồn: aeon.co)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ai-thuc-su-la-nguoi-chu-qua-khu-19311.html