Con tàu chất đầy amoni nitrat khiến Na Uy quan ngại

Con tàu khổng lồ xin cập cảng ở Bắc Cực thuộc Na Uy khiến giới chức và dân địa phương lo ngại vì tính chất nguy hiểm của loại hàng hóa mà nó mang theo.

Một con tàu khởi hành từ cảng Kandalaksha ở phía Bắc nước Nga đã ghé một cảng ở Na Uy vào tuần này sau khi tìm nơi trú ẩn khỏi một cơn bão. Điều đáng nói là con tàu này – dài 183 m và có tổng trọng tải là 37.039 dwt – được chất 20.000 tấn hàng hóa có khả năng gây nguy hiểm.

Ấn phẩm The Barents Observer của Na Uy đưa tin hôm 3/9 rằng con tàu chở hàng tổng hợp tên Ruby treo cờ Malta được chất đầy amoni nitrat (NH4NO3), một chất được sử dụng phổ biến trong phân bón và thuốc nổ, khi cập cảng Tromsø, nằm gần khuôn viên trường UiT The Arctic University of Norway (Đại học Tromsø) với hàng ngàn sinh viên.

Điều khiến người dân và giới chức địa phương quan ngại là Bệnh viện Đại học North Norway với khoảng 6.500 nhân viên và giường bệnh cho khoảng 600 bệnh nhân thậm chí chỉ cách con tàu chở lượng hàng khủng có khả năng gây nguy hiểm này chưa đầy 500 m.

Tàu chở hàng Ruby tại cảng Breivika ở Tromsø, cách bệnh viện lớn nhất miền Bắc Na Uy khoảng 500 m. Ảnh: Barents Observer

Tàu chở hàng Ruby tại cảng Breivika ở Tromsø, cách bệnh viện lớn nhất miền Bắc Na Uy khoảng 500 m. Ảnh: Barents Observer

Amoni nitrat là nguyên nhân gây ra một số vụ việc, bao gồm vụ nổ ở Beirut năm 2020, trong đó một lượng lớn chất này được lưu trữ tại Cảng Beirut ở Lebanon đã phát nổ, khiến ít nhất 218 người thiệt mạng. Năm 2015, tại Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, 173 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong một loạt vụ nổ amoni nitrat.

Theo công ty dịch vụ tài chính S&P Global, Nga là một trong những nước xuất khẩu amoni nitrat lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 2/3 sản lượng amoni nitrat hàng năm là 20 triệu tấn của thế giới.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Moscow đã tạm thời cấm xuất khẩu amoni nitrat để hỗ trợ nông dân trong nước, vì giá phân bón tăng trên toàn cầu.

"Nhu cầu amoni nitrat trong nước đã tăng thêm từ cả các nhà sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp công nghiệp", Bộ Nông nghiệp Nga cho biết vào thời điểm đó.

Lượng amoni nitrat mà tàu Ruby chở theo từ cảng ở Nga tới cảng ở Na Uy – 20.000 tấn – nhiều gấp 7 lần so với khối lượng đã san phẳng một phần Beirut, khiến nó có nguy cơ trở thành thùng thuốc nổ khổng lồ.

"Trong điều kiện vận chuyển và lưu trữ thông thường, amoni nitrat là một hợp chất hóa học ổn định. Tuy nhiên, trong các điều kiện nhất định và các tác động bên ngoài như hỏa hoạn, nó có thể gây nổ", cảnh sát Tromsø cho biết.

Theo thông tin cập nhật từ cảnh sát địa phương, vào cuối ngày 3/9, tàu Ruby đã được yêu cầu rời cảng và di dời tới nơi xa hơn để sửa chữa. Được hỗ trợ bởi 2 tàu kéo, con tàu đã rời cảng vào khoảng 2h sáng ngày 4/9 (giờ địa phương). Vị trí neo đậu sau đó của tàu cách Tromsø khoảng 30 hải lý về phía Bắc, cách xa khu vực có người ở.

Nhiều cơ quan chức năng Na Uy đã phải vào cuộc, bao gồm cảnh sát, Cơ quan Hàng hải Na Uy, cảng Tromsø, Cục Bảo vệ Dân sự và Kế hoạch Khẩn cấp (DSB), Cục Quản lý Duyên hải Na Uy.

Con tàu đến từ Kandalaksha ở bờ biển phía Nam của Bán đảo Kola và đang hướng về Las Palmas. Bên ngoài Tromsø, thuyền trưởng đã yêu cầu chính quyền Na Uy cho phép tìm nơi trú ẩn vì thời tiết giông bão gây trở ngại cho chuyến đi.

Được cấp phép và Ruby đã ở lại vùng biển gần Vannøya trong vài ngày trước khi đi đến cảng ở Tromsø. Thuyền trưởng thông báo về hư hỏng ở thân tàu, chân vịt và bánh lái. Tuy nhiên, việc sửa chữa một con tàu lớn như vậy với hàng hóa nguy hiểm không phải là loại công việc có thể thực hiện ở khoảng cách gần với bệnh viện lớn nhất miền Bắc Na Uy, khuôn viên trường đại học và hàng trăm ngôi nhà của người dân, tất cả đều nằm trong bán kính 1 km từ các cơ sở cảng Breivika, nơi Ruby đã cập cảng hôm 2/9.

Hiện tại, điều gì sẽ xảy ra với con tàu treo cờ Malta và hàng hóa của nó vẫn chưa chắc chắn. Việc tiếp tục di chuyển dọc theo bờ biển Na Uy, qua Kênh đào Anh, Vịnh Biscay và Đại Tây Dương xuống Quần đảo Canary không phải là chuyến đi mà bất kỳ tàu nào cũng muốn thực hiện vào mùa thu khi các thiết bị quan trọng như chân vịt và bánh lái bị hư hỏng.

Nếu việc sửa chữa đòi hỏi phải neo đậu con tàu dài 183 m ở bất kỳ nơi nào tại Na Uy, thì 20.000 tấn amoni nitrat rất có thể sẽ phải được bốc dỡ tạm thời. Nghĩ đến thảm họa Beirut, có thể khó tìm được một xưởng đóng tàu nào sẵn sàng làm công việc này. Việc quay trở lại Nga có vẻ không khả thi vì cả con tàu lẫn hàng hóa đều không phải của Nga, ấn phẩm The Barents Observer cho hay.

Minh Đức (Theo Newsweek, Barents Observer)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/con-tau-chat-day-amoni-nitrat-khien-na-uy-quan-ngai-204240907143306847.htm