Ai tiếp tay cho doanh nghiệp làm 'ảo thuật' trên đất của dân?

Với lý do tạo sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, dự án Khu đô thị Thuận Phát (do Công ty CP đầu tư Thuận Phát Long An) được định hình vào năm 2017. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, dự án này đã có nhiều vấn đề bất thường, đồng thời gây bất bình cho các hộ dân bị giải tỏa, đền bù.

Một thực trạng đau lòng

Nếu không tận mắt chứng kiến, ít ai có thể ngờ tới giữa thời đại 4.0, chuyển đổi công nghệ số... nhưng giữa trung tâm TP.Tân An (Long An) lại có hơn 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu phải sống lay lắt trong cảnh khó khăn, túng bần ngay trên mảnh đất mà bao đời nay, nhiều thế hệ gia đình họ đã phải đổ mồ hôi, xương máu của mình chỉ vì một dự án.

Chỉ vào căn nhà tồi tàn, ẩm thấp, thường xuyên chịu cảnh bị "mưa dột trước dột sau" nhưng không được phép sửa chữa, xây mới, anh Út (ngụ P4, TP.Tân An) bức xúc cho biết, căn nhà và mảnh vườn hơn 2.000m2 của anh tiếp giáp đường Lưu Văn Tế, với mặt tiền khoảng 30m (thửa 37, tờ bản đồ số 1) là tài sản của cha mẹ tạo lập từ trước đến nay. Sau này, anh Út và người anh trai được thừa kế, cùng đứng tên đồng sở hữu. Năm 1999, chính quyền địa phương thị xã Tân An (nay là TP.Tân An) lấy lý do chủ trương "Đô thị hóa để cho Tân An ngày càng khang trang" nên đã lập dự án, quy hoạch khu vực dọc đường Lưu Văn Tế với hàng chục hộ dân đang sinh sống. "Sau này, con cháu tôi lớn lên, nhu cầu nhà ở tăng cao, nhưng xin mãi vẫn không được chính quyền cho phép xây nhà mới, dù chỉ là tạm bợ". Anh Út nói trong bức xúc.

Năm 2018, chúng tôi được chính quyền địa phương tiếp tục thông báo, toàn bộ diện tích đất sẽ bị thu hồi, giải tỏa để xây dựng Khu đô thị Thuận Phát. Không biết hồ sơ pháp lý của dự án như thế nào, cũng không rõ cơ sở pháp lý để đền bù tái định cư ra sao, nhưng giá trị đền bù của 2 anh em chúng tôi rất thấp. Cụ thể, đất phạm vi 50m đầu tiếp giáp đường Lưu Văn Tế chỉ được đền bù với số tiền 7,6 triệu đồng/m2 (làm tròn). Đất từ phạm vi 50 - 100m đường tránh TP.Tân An chỉ 1.8 triệu đồng/m2 (làm tròn), trong khi giá thị trường hiện nay, thấp nhất trong khu vực gần 30 triệu đồng/m2.

Toàn cảnh khu đất dự án

Toàn cảnh khu đất dự án

Đại diện hộ gia đình bà Hồ Thị Kim Huệ (SN 1965, ngụ P4, TP.Tân An) cho biết: gia đình bà có 8 nhân khẩu, bị thu hồi tổng cộng 630m2 đất thổ cư với đơn giá bồi thường 7,688 triệu đồng/m2 và 1.230m2 đất nông nghiệp với đơn giá đền bù 1,225 triệu đồng/m2 mặt tiền đường Lưu Văn Tế (P4, TP.Tân An). Tổng số tiền bà được đền bù khoảng 8 tỷ đồng và được giải quyết mua lại 1 nền với diện tích 100m2. Dù bà năn nỉ hết lời để được mua thêm 1 nền cho cậu con trai đã có gia đình, nhưng vẫn không được giải quyết. "Từ một người có đất mặt tiền trên 20m, có nhà ở kiên cố, giờ họ tự áp đặt giá bồi thường rồi "bứng" gia đình tôi đi, số tiền bấy nhiêu thì làm sao chúng tôi yên tâm được", bà Huệ chia sẻ.

Nói về dự án, bà Huệ cho biết mình và gia đình vẫn chấp hành chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước với mục tiêu đưa Tân An ngày càng đẹp, hiện đại. Tuy nhiên, với mức giá đền bù như vậy, khó lòng để người dân an tâm sinh sống.

Ông Lê Văn Sáng (SN 1956, ngụ P4, TP.Tân An) cho biết: "Gia đình ông có hơn 2.000m2 đất bị thu hồi, nhưng chỉ đền bù chưa đến 6 tỷ đồng, trong khi giá trị thực tế cao hơn rất nhiều. Nay chính quyền bỗng dưng thay doanh nghiệp bồi thường là hết sức vô lý, khiến tôi thiệt hại hàng chục tỷ đồng". Tại cuộc họp giữa người dân P4, TP.Tân An với Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án, phần lớn người dân vẫn đồng tình, nhưng họ cũng kiến nghị, mức giá bồi thường của dự án chưa hợp lý, cần được xem xét để bảo đảm đời sống người dân khi bị thu hồi đất.

Những bất thường từ dự án

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án Khu đô thị (KĐT) Thuận Phát có diện tích khoảng 17,5ha do Công ty CP đầu tư Thuận Phát Long An (CTCP TPLA) làm chủ đầu tư. Mục tiêu là xây dựng và kinh doanh hạ tầng KĐT mới với tổng vốn đầu tư của dự án 350 tỷ đồng. Điều lạ lùng là hồ sơ pháp lý dự án này được duyệt một cách "thần tốc" đầy bất ngờ. Cũng chính vì sự bất ngờ trên mà sau 3 lần chấp thuận thì mọi thứ vẫn đang rối như tơ vò, sinh kế của người dân rơi vào "ngõ cụt". Theo đó, chỉ sau 1 tháng thành lập, ngày 20/12/2017, CTCP TPLA đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được ký ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (số 4589/QĐ-UBND), xét theo đề nghị của Sở Kế hoạch & Đầu tư trình trước đó... 2 ngày.

Với hơn 2000m2 đất, bà Huệ chỉ được bồi thường với giá quá thấp

Với hơn 2000m2 đất, bà Huệ chỉ được bồi thường với giá quá thấp

Tuy thời gian thực hiện theo cam kết là 12 tháng, nhưng hết thời gian cam kết, CĐT chậm triển khai vì lý do việc xác định ranh đất dự án chưa hoàn thành. Ngày 29/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út ký quyết định số 4994/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ thực hiện. Trong lần điều chỉnh này, Quyết định nêu rõ: "Tháng 12/2021 đưa dự án vào hoạt động". Thế nhưng 1 năm sau, dự án vẫn chỉ là cánh đồng hoang. Sinh kế của người dân bị "vô hiệu", nhưng ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Long An lại ban hành Quyết định 12438/QĐ- UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và "thả nổi" thời gian thực hiện của chủ đầu tư.

Cũng theo hồ sơ, vốn chủ đầu tư cam kết thực hiện dự án là 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin chính thức từ website của Đảng bộ TP.Tân An, dự án có 119 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, phải di dời. Đến nay, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã hơn 510 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong ranh GPMB khoảng: 476 tỷ đồng. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngoài ranh GPMB khoảng: 33 tỷ đồng. Trong đó 32/119 hộ dân đã nhận đền bù.

Anh Út bức xúc chỉ tay về mảnh đất chuẩn bị giao cho CTCP TPLA

Anh Út bức xúc chỉ tay về mảnh đất chuẩn bị giao cho CTCP TPLA

Rõ ràng, chỉ với những thông tin tìm hiểu qua sơ bộ, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Tính pháp lý của dự án đã hoàn chỉnh chưa? Đây là dự án không nhằm vào mục đích an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, vậy thì chủ đầu tư đã được "đặc cách" hay qua đấu thầu? Vì sao giải tỏa đất ngoài ranh dự án, giải tỏa để giao cho ai và tính pháp lý của việc giải tỏa này có đúng không?

Trong khi đó, đối chiếu hồ sơ pháp lý của Dự án KĐT Thuận Phát với các quy định thì dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, theo Điều 62 Luật đất đai 2013, dự án được phê duyệt sẽ do chủ đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người dân thông qua các hình thức quy định tại điều 73 Luật Đất đai 2013.

Từ đó cho thấy, trường hợp này người có đất nằm trong diện quy hoạch có thể thỏa thuận trực tiếp với chủ đầu tư về giá đất bồi thường. Nếu hai bên không thể thỏa thuận mức giá bồi thường thì bên dự án không có quyền thực hiện dự án trên đất của dân. Việc UBND TP.Tân An liên tiếp ban hành các thông báo kế hoạch cưỡng chế là một việc làm cần xem xét lại, đặc biệt là trách nhiệm.

Bích Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/ai-tiep-tay-cho-doanh-nghiep-lam-ao-thuat-tren-dat-cua-dan_153905.html