AI Trung Quốc lần đầu lên đỉnh bảng xếp hạng thế giới

Trung Quốc có 4 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nằm trong bảng xếp hạng thế giới. Trong đó, chương trình Tongyi Qianwen của Alibaba đã đóng góp tới 3 đại diện.

 Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới tại Thượng Hải vào tháng 7/2023. Ảnh: Future Publishing.

Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới tại Thượng Hải vào tháng 7/2023. Ảnh: Future Publishing.

Theo SCMP, nhóm mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của Alibaba đã được xếp hạng trong số 10 mô hình mở hàng đầu thế giới do cộng đồng nhà phát triển Hugging Face công bố. Trong đó, 3/4 dự án AI của Trung Quốc được xếp hạng cao nhất đều đến từ chương trình Tongyi Qianwen, được phát triển bởi gã khổng lồ thương mại điện tử và điện toán đám mây Alibaba.

Chương trình LLM Qwen-72B-Instruct của Alibaba đứng đầu danh sách trên với điểm trung bình là 43,02, dựa vào 6 tiêu chuẩn đánh giá. Mô hình Qwen này được đào tạo trên 72 tỷ tham số, giúp hệ thống sở hữu khả năng tạo dữ liệu đầu ra đáng ngưỡng mộ.

“Qwen 72B xứng đáng đứng đầu bảng xếp hạng. Các mô hình mở khác của Trung Quốc cũng đang thống trị lĩnh vực AI”, Clement Delangue, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của cộng đồng nhà phát triển Hugging Face cho biết vào ngày 26/6.

Cũng theo bài đăng trên cộng đồng Hugging Face, mô hình Qwen được đánh giá cao "hiệu suất về toán học, lý luận tầm xa và kiến thức". Trong khi đó, các mô hình Qwen-72B và Qwen1.5-110B của Alibaba lần lượt đứng ở vị trí thứ ba và thứ mười. Thứ hạng dự kiến sẽ thay đổi theo thời gian vì ngày càng có nhiều mô hình ngôn ngữ lớn được đánh giá.

Đại diện còn lại đến từ Trung Quốc là hệ thống Yi-1.5-34B-Chat của công ty khởi nghiệp 01.AI với xếp hạng thứ bảy. Công ty được thành lập vào năm 2023 bởi nhà đầu tư mạo hiểm Lee Kai-fu, người từng giữ vị trí giám đốc Google tại Trung Quốc.

Sự công nhận đối với LLM của Alibaba cho thấy mức độ tiến bộ nhanh chóng của công ty trong lĩnh vực AI nhờ vào cam kết mạnh mẽ đối với việc phát triển hệ thống mã nguồn mở. Tongyi Qianwen đã được mở cho các nhà phát triển bên thứ ba trong vài tháng qua.

Mã nguồn mở cũng cung cấp quyền truy cập công khai vào chương trình, cho phép các nhà phát triển phần mềm của bên thứ ba sửa đổi và chia sẻ thiết kế, thay thế các liên kết bị hỏng hoặc mở rộng khả năng của chương trình. Theo SCMP, các hệ thống mã nguồn mở đã đóng góp rất lớn vào ngành công nghệ tại Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-trung-quoc-lan-dau-len-dinh-bang-xep-hang-the-gioi-post1483497.html