AI và sáng tạo văn học

Gần đây, tôi có tham dự buổi tọa đàm trực tuyến 'Một tương lai AI viết văn' do nhóm bạn yêu văn Hà Nội tổ chức.

Buổi tọa đàm thú vị kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ với nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề xoay quanh mối quan hệ của AI (trí tuệ nhân tạo) với văn học. Trong hoàn cảnh AI đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống hiện đại thì văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung phải “ứng biến” như thế nào? AI liệu có thể sáng tạo văn học-nghệ thuật, thứ vẫn được xem như quyền năng tối thượng của con người?

Qua tọa đàm, các diễn giả và người tham dự đều tự tìm cho mình câu trả lời riêng về mối quan hệ giữa AI và văn học. Trong thực tế, AI đã can thiệp vào đời sống văn học thông qua những thuật toán tìm kiếm của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như: Google, Facebook... nhằm tìm hiểu thói quen, sở thích đọc sách của bạn đọc để từ đó cung cấp danh sách những tác phẩm phù hợp với thói quen và sở thích. Tuy nhiên, đây chỉ là sự can thiệp, tác động ở “bề mặt”. Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại (và nhiều thập kỷ sau nữa), AI chưa thể thay thế con người trong sáng tác văn học-nghệ thuật. Điều này xuất phát từ sự khác biệt lớn về bản chất giữa AI và công việc sáng tác nghệ thuật. Chúng ta đều biết, để AI hoạt động một cách hiệu quả, trong bất kỳ lĩnh vực nào, điều quan trọng nhất là phải cung cấp cho nó một hệ thống đầu vào hoàn chỉnh. Trên cơ sở đầu vào ấy, AI tự nghiên cứu, học sâu và chế tác nên một sản phẩm đầu ra như mong muốn của người thiết kế. Ví như trong lĩnh vực y tế, các bác sĩ phải cung cấp cho AI hàng triệu hồ sơ bệnh án về ung thư (đầu vào). Trên cơ sở đó, AI nghiên cứu, phân tích để sau này khi gặp những triệu chứng tương tự sẽ cho kết quả (đầu ra) là những chẩn đoán xem bệnh nhân có bị ung thư hay không.

Với sáng tác văn học, câu chuyện không đơn giản như vậy. Thứ nhất, để AI có thể học sâu (chưa bàn đến khả năng có sáng tác được hay không), chúng ta phải cung cấp cho nó một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh bao gồm hàng triệu, hàng tỷ các tác phẩm văn học thuộc các thể loại (thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết...). Với nền tảng số hóa hiện nay, việc làm này dù vất vả nhưng vẫn có thể thực hiện được ở mức độ nhất định. Cái cách AI tự học, xử lý khối dữ liệu ấy và cho kết quả đầu ra mới là điều đáng quan tâm. Một số thể loại văn học sẽ đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho AI trong quá trình tự học. Ví như, với bút ký văn học, thể loại cần sự thâm nhập sâu vào thực tế cuộc sống của nhà văn, cần những con người thực, những công việc thực thì quả thật tôi chưa hình dung nổi AI sẽ đi “thực tế” lấy tư liệu sáng tác như thế nào? Ngay cả ở truyện ngắn và tiểu thuyết, hai thể loại theo tôi AI có khả năng học hỏi cao nhất vì có mô típ, cấu trúc, nhân vật... khá rõ ràng, thì cũng vẫn có hàng loạt câu hỏi đặt ra cần được trả lời một cách thấu đáo. Trong dữ liệu đầu vào, với những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh... thì AI sẽ “học” theo ai? Theo tôi, trong trường hợp này AI sẽ học không được, “không biết đường nào mà lần” vì mỗi tác giả có một phong cách, bút pháp sáng tác khác nhau nên rất khó mô phỏng và tổng hợp. Mặt khác, một số tác giả trong từng giai đoạn sáng tác khác nhau sẽ có phong cách, bút pháp khác nhau, do vậy sẽ tạo cho AI những khó khăn, lúng túng trong quá trình học. Trong trường hợp khả dĩ nhất mà AI có thể học-khi dữ liệu đầu vào là những truyện ngắn, tiểu thuyết có phong cách tương đồng của một tác giả thì vấn đề đầu ra cũng gợi cho chúng ta không ít băn khoăn. Một truyện ngắn hay tiểu thuyết được viết bởi AI sẽ có diện mạo ra sao? Là một sáng tác mới hay chỉ là một bản copy hoàn chỉnh của một sáng tác đã quá nổi tiếng? Nếu vậy thì đây là một thất bại thê thảm của AI. Bản chất của văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung là sáng tạo, tạo ra những sản phẩm độc đáo, không lặp lại. Việc tạo ra một tác phẩm tương tự, na ná dữ liệu đầu vào là một việc làm không cần thiết, vô ích, không được bạn đọc hoan nghênh, đón đợi.

Giả dụ trong tương lai xa, với sự phát triển không tưởng tượng nổi của trí tuệ nhân tạo, vấn đề này sẽ được xử lý. Chúng ta sẽ có những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... mới được tạo ra dựa trên dữ liệu đầu vào là tập hợp những tác phẩm của các tác giả khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả khi công việc hóc búa, khó nhằn nhất đã được xử lý thì theo tôi vẫn cần có sự tham gia của con người để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Con người-các nhà văn, các chuyên gia văn học-sẽ thực hiện khâu kiểm định “chất lượng sản phẩm” trước khi tung ra thị trường, đưa đến tay bạn đọc. Họ sẽ thẩm định, hiệu đính những sai sót, thiếu sót trong quá trình sáng tác, biên tập tác phẩm để phù hợp với văn hóa, lịch sử, tình hình chính trị-xã hội... của quốc gia ở thời điểm ra đời. Ví như việc viết lại những cảnh “sex” đậm đặc, dung tục, không phù hợp với văn hóa người Việt trong một truyện ngắn hay cần lược bỏ một vài chi tiết lịch sử nhạy cảm, không nên xuất hiện trong tiểu thuyết lịch sử ở một thời điểm nhất định... đấy chỉ có thể là công việc của người biên tập với sự tinh tường, nhạy cảm về nghề nghiệp.

Ở lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, AI có thể thay thế và làm tốt hơn con người, nhưng ở văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung, tôi tin AI không thay thế được hoàn toàn. Bộ não con người vẫn luôn là cỗ máy phức tạp, tinh vi nhất và duy nhất đủ sức tạo ra những sản phẩm độc đáo, có dấu ấn, bản sắc riêng phản ánh tâm tư, tình cảm của con người như văn học.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ai-va-sang-tao-van-hoc-632269