Tưng bừng lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer ở Tây Ninh

Trong những ngày qua, khắp nơi trong tỉnh tưng bừng diễn ra lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer ở Tây Ninh. Qua lễ hội cho thấy đồng bào Khmer ở tỉnh ta vẫn giữ gìn nền văn hóa dân tộc và đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng quà sư sãi chùa Hiệp Phước.

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng quà sư sãi chùa Hiệp Phước.

Dịu dàng điệu múa lâm thôn

Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, hàng năm cứ vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch, mọi người, mọi nhà phấn khởi chuẩn bị tổ chức lễ Sen Dolta, hay còn gọi là lễ cúng ông bà tổ tiên, nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc đã quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho xóm, làng được bình an, thịnh vượng.

Đêm 2.10, sau nghi thức tụng kinh của các sư sãi, trong sân chùa Khedol (ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) âm nhạc từ dàn loa công suất lớn bắt đầu nổi lên. Theo tiếng nhạc bập bùng, réo rắt, từng tốp thanh niên, nam nữ dân tộc Khmer ở địa phương lần lượt bước ra sân.

Những chàng trai, cô gái dịu dàng bước chân, múa tay theo điệu múa lâm thôn truyền thống đồng bào Khmer. Thỉnh thoảng có một vài người tuổi trung niên cũng háo hức hòa vào điệu múa. Họ tạo thành dòng người nhịp nhàng, chậm chậm di chuyển vòng quanh chiếc bàn tròn, trang trí nhiều loại trái cây, hoa lá giữa sân.

Sáng hôm sau, các gia đình Khmer đều thức sớm, bắt tay vào việc chế tạo cho nhà đình một chiếc thuyền hoa, nấu mâm cơm, canh cúng ông bà quá cố. Khi mọi người chuẩn bị vào chùa thì trời đổ mưa to, mọi hoạt động bị tạm gián đoạn. Đến gần 10 giờ, mưa tạnh, mọi người mới lần lượt vào chùa.

Ông Cao Văn Ươn- Người có uy tín của đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Thạnh Đông chia sẻ, Sen Dolta là lễ cúng ông bà của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ kéo dài khoảng 15 ngày. Trong hai ngày lễ chính vừa qua, thời tiết thuận lợi nên rất nhiều bà con dân tộc Khmer đến chùa Khedol để thực hiện các nghi thức cúng ông bà tổ tiên, múa hát, tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm. “Hai ngày nay, vợ chồng tôi cũng mấy lượt đến chùa. Sáng hôm nay, mưa to quá nên chưa đi được. Chờ tạnh mưa, chúng tôi cũng đến chùa cúng cơm cho ông bà tổ tiên”.

Gần 10 giờ, mưa ngừng hạt, đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Thạnh Đông lần lượt nối gót nhau vào chùa Khedol. Nhiều người bưng trên tay chiếc thuyền hoa khá đẹp. Những chiếc thuyền này được lắp ráp từ những miếng bẹ chuối, thùng xốp, miếng nhựa v.v…

Tuy vật liệu làm nên chiếc thuyền có khác nhau, nhưng đặc điểm chung là trên mỗi thuyền đều gắn hoa tươi, màu sắc sặc sỡ. Tùy theo tay nghề của mỗi người mà tự thiết kế, thi công cho gia đình mình chiếc thuyền đẹp nhất. Mỗi gia đình còn đem theo đến chùa một cà- mên đựng đầy thức ăn. Tất cả những chiếc thuyền và cà- mên đều được tập trung đặt trên một nền gạch cao, để chờ các sư sãi trong chùa đến thực hiện nghi thức tụng kinh. Sau khi tụng kinh xong, những vật dụng và thức ăn này được cúng cho ông bà tổ tiên, người đã khuất.

Đoàn lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với sư sãi, già làng, người uy tín dân tộc Khmer tại chùa Hiệp Phước.

Đoàn lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với sư sãi, già làng, người uy tín dân tộc Khmer tại chùa Hiệp Phước.

Đời sống người dân được nâng lên

Ông Phạm Hoàng Thành Nam- Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban quản lý ấp Thạnh Đông cho biết, trong ấp có 229 hộ đồng bào dân tộc Khmer với 906 nhân khẩu. Đa số bà con ở đây làm nông nghiệp kết hợp với thương mại dịch vụ nhỏ lẻ.

Những năm gần đây, đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào Khmer được nâng lên rõ rệt, do bà con phấn đấu vươn lên kết hợp với những chính sách hỗ trợ thêm của Nhà nước và chính quyền địa phương. Hàng năm xã Thạnh Tân và các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ đều phối hợp với các ban, ngành của tỉnh để mở những lớp đào tạo nghề ngắn hạn dành cho lao nông thôn.

Qua đó, nhiều người áp dụng nghề vào lao động, sản xuất, tạo thêm thu nhập kinh tế, góp phần vào thành tích chung của xã. Nhờ vậy, năm 2023, Thạnh Tân được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Hiện nay, mức thu nhập bình quân khoảng 84 triệu đồng/người/năm, trong đó, có những gia đình khá giả đã sắm được xe ô tô. Mặt bằng dân trí của đồng bào dân tộc Khmer cũng không ngừng nâng lên. Hiện tại, trong ấp có con em dân tộc thi đỗ vào các trường đại học trong nước, nhiều em học sinh khác đang học cấp 2, cấp 3 ở Trường Dân tộc Nội trú của tỉnh.

Ông Nam cho biết thêm, lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer giống như lễ Vu Lan báo hiếu của phật giáo. Trong lễ Sen Dolta, bà con Khmer làm những món ăn ngon để cúng ông bà tổ tiên đã khuất; đưa rước ông bà tổ tiên và những người đã khuất về gia đình để ăn những món ăn mà gia đình chế biến. Thời gian diễn ra trong khoảng 15 ngày, trong đó có 3 ngày chính, bà con tập trung vào chùa theo tôn giáo dân tộc Khmer.

Trong những ngày lễ Sen Dolta vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đến thăm, chúc mừng, tặng quà các sư sãi, già làng, người uy tín dân tộc Khmer ở huyện Châu Thành.

Phát biểu tại các buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, thống nhất, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và của toàn dân trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào Khmer nói riêng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy.

Múa lâm thôn truyền thống đồng bào Khmer ở chùa Khedol.

Múa lâm thôn truyền thống đồng bào Khmer ở chùa Khedol.

Các vị sư sãi, già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc tích cực vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cuộc vận động ở khu dân cư, các hoạt động an sinh xã hội, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó, ra sức phấn đấu vì cuộc sống gia đình và cộng đồng dân tộc Khmer ngày càng tốt đẹp hơn.

“Với tâm nguyện tốt đẹp được thể hiện trong những ngày lễ trọng này, tôi mong các vị sư sãi, quý già làng cùng toàn thể đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở khu dân cư, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ra sức phấn đấu xây dựng cuộc sống gia đình và cộng đồng ngày càng no ấm, hạnh phúc”, ông Nguyễn Hồng Thanh nói.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao tặng các sư sãi, già làng, người uy tín dân tộc Khmer những phần quà của Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQVN tỉnh. Đại diện các đơn vị, huyện Châu thành cũng trao tặng già làng, người uy tín dân tộc Khmer những phần quà giá trị, thắm đượm nghĩa tình.

Cùng với các lễ hội khác như lễ Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), lễ Ok Om bok (cúng vụ mùa), lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer đã góp phần làm phong phú nên văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là những lễ hội cần được giữ gìn và phát huy.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tung-bung-le-sen-dolta-cua-dong-bao-khmer-o-tay-ninh-a179603.html