AI và sự phẫn nộ của Ghibli
Khi AI tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật, nó loại bỏ yếu tố con người - với dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ; với những thôi thúc, dằn vặt nội tâm; với quá trình sáng tạo dày công, gian khổ - những thứ khiến một tác phẩm có giá trị và sức sống.
Bùng nổ trào lưu “Ghibli hóa” từ AI
Cuối tháng 3 vừa qua, OpenAI ra mắt công cụ tạo ảnh thế hệ mới trong GPT-4o. Nếu một họa sĩ tại Ghibli thường mất từ vài giờ đến vài ngày để hoàn thành một bức tranh, thì nay với vài thao tác đơn giản AI (trí tuệ nhân tạo) đã có thể tạo ảnh theo bất kỳ phong cách nào chỉ trong 30 giây đến 1 phút.
Bên cạnh việc tạo ảnh như thật, hỗ trợ chỉnh sửa ảnh hay phục hồi ảnh cũ, công cụ còn cho phép chuyển ảnh gốc thành phiên bản hoạt hình theo nhiều phong cách khác nhau. Từ những bức tranh mang nét vẽ đặc trưng của Hayao Miyazaki đến màu sắc rực rỡ trong từng sản phẩm, từ khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đến biểu cảm nhân vật sống động, từ ảnh đại diện cá nhân đến các meme nổi tiếng, tất cả đều xuất hiện dưới dạng “Ghibli hóa”.

Phân cảnh trong "Gió nổi" của Studio Ghibli mất hơn 1 năm để hoàn thành.
Để sử dụng, người dùng chỉ cần vào ChatGPT, tải ảnh của mình lên, sau đó ra lệnh cho chatbot chuyển sang phong cách Studio Ghibli. Với chất lượng ảnh cao, có thể để lập tức đăng lên mạng xã hội thay vì phải chỉnh thêm hoặc bị giới hạn độ phân giải, tính năng mới này lập tức thu hút người dùng trên toàn thế giới. Theo ghi nhận của TechCrunch trong 24 giờ đầu tiên, hàng nghìn ảnh theo phong cách Studio Ghibli được chia sẻ lên mạng xã hội với hàng trăm nghìn lượt xem. Ra mắt chưa đầy 2 ngày, trào lưu này đã bùng nổ trên khắp các trang mạng xã hội.
Một số trang còn tổng hợp các bức ảnh hoạt hình thành một câu chuyện tương tự truyện tranh. Thậm chí, Sam Altman - CEO và là người sáng lập OpenAI - cũng hưởng ứng trào lưu này bằng cách thay ảnh đại diện trên X bằng một bức ảnh theo phong cách Ghibli và khuyến khích người theo dõi tạo thêm các phiên bản mới cho ông. Tại Việt Nam, trào lưu này nhanh chóng phủ sóng mạng xã hội khi nhiều người dùng biến ảnh kỷ niệm thành tranh hoạt hình, từ chân dung cá nhân đến các địa danh nổi tiếng như hồ Gươm, phố cổ Hội An hay cầu Vàng.
Tuy nhiên không phải ai cũng hào hứng trước xu hướng trên. Tranh cãi về việc AI xâm phạm không gian sáng tạo tiếp tục dấy lên, nhất là khi công nghệ này có thể mô phỏng phong cách hội họa nổi tiếng chỉ trong vài giây. Bên cạnh những hình ảnh bắt xu hướng (trend) đơn thuần, mạng xã hội dần trở nên hỗn loạn với loạt hình ảnh tạo bằng AI mang tính thiếu tôn trọng như: sự kiện ngày 9/11 ở tháp đôi, vụ ám sát JFK, CEO Nvidia Jensen Huang ký lên ngực một phụ nữ, cho đến phiên điều trần trước quốc hội của CEO OpenAI Sam Altman, tất cả đều được tái hiện với phong cách Ghibli.
Đáng nói, tính năng mới của OpenAI tạo ra lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ, khi công cụ này đang biến mọi thứ thành phiên bản hoạt hình mang đậm phong cách Studio Ghibli. Là hãng phim hoạt hình Nhật Bản vang danh thế giới, Studio Ghibli có trụ sở tại Koganei, Tokyo. Công ty thành lập năm 1985, nổi tiếng với việc sản xuất các bộ phim anime đạt sự tỉ mỉ trong từng khung hình, nội dung phim có chiều sâu, cốt truyện hấp dẫn. Trong số những bộ phim Ghibli, có 8/15 tác phẩm có tên trong danh sách phim anime đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Ở thời mà đại trí tuệ nhân tạo xâm nhập vào mọi lĩnh vực, khi giới phim hoạt hình đua nhau tối ưu hóa công nghệ và rút ngắn thời gian, Studio Ghibli lại chọn con đường riêng đầy kiên nhẫn: từng khung hình được vẽ tay một cách tỉ mẩn, chi tiết theo triết lý “nghệ thuật phải được tạo ra bởi bàn tay con người, với tất cả cảm xúc chân thật”. Việc AI dễ dàng tạo ra hình ảnh theo phong cách Ghibli cũng đặt ra câu hỏi: Liệu đây là trào lưu tôn vinh nghệ thuật hay chỉ là sản phẩm đạo nhái?
Nghệ thuật - sự sống lại của những gì đã qua
Ngày 27/3 nhiếp ảnh gia người Singapore, Jingna Zhang đã đăng dòng trạng thái trên Facebook về việc tác phẩm của cô bị người khác nhập vào AI và tạo ra những bức ảnh cùng kiểu. Cô chia sẻ rất dài, viết rất chi tiết, nhưng có một câu khiến tôi nhớ mãi, cô nói: “Tác phẩm là sự kết tinh của trải nghiệm và kỷ niệm trong quãng thời gian đó, nó là minh chứng của những ngày tôi đã sống”.

Hàng loạt hình ảnh mang phong cách Studio Ghibli tạo bởi AI bùng nổ trên mạng xã hội những ngày vừa qua.
AI có thể nhanh chóng học tập, mô phỏng và tạo ra sản phẩm theo mọi phong cách chỉ trong vài giây. Trong khi đó, với 200-300 họa sĩ, trung bình Ghibli chỉ có thể tạo ra khoảng 30 giây phim hoạt hình mỗi ngày, tương đương 5 phút phim trong một tháng, và 30 - 45 phút phim trong một năm. Một cảnh động (animation sequence) có thể mất từ 1 tuần đến vài tháng, nếu cần nhiều lớp màu, độ phức tạp của động tác, mức độ chi tiết và số lượng nhân vật.
Theo tốc độ này, việc hoàn thành một bộ phim điện ảnh có thể mất từ 6 đến 10 năm. Đơn cử như phân cảnh chỉ dài 4 giây trong “Gió nổi (The wind rises) được Ghibli dùng 15 tháng để hoàn thành. Điều đó lý giải tại sao phim của Ghibli dù ra đời hơn 20 năm vẫn đọng lại nơi khán giả những dấu ấn độc đáo, nhất là những tiểu tiết.
Trong một cuộc họp năm 2016, khi một nhóm nhà thiết kế đến trình bày dự án AI trước Miyazaki, ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi hoàn toàn thấy ghê tởm. Nếu bạn thực sự muốn tạo ra những thứ đáng sợ, bạn có thể tiếp tục và làm điều đó. Tôi sẽ không bao giờ muốn đưa công nghệ này vào tác phẩm của mình”.
Khi AI tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật, nó loại bỏ yếu tố con người - với dấu ấn cá nhân độc đáo của người nghệ sĩ, với những thôi thúc, dằn vặt, đấu tranh nội tâm, với quá trình sáng tạo dày công, gian khổ - những thứ khiến một tác phẩm có giá trị và sức sống.
Còn phong cách là thứ dễ nhận diện, nhưng khó bảo vệ. Theo một số chuyên gia, luật bản quyền hiện tại chỉ bảo vệ các tác phẩm cụ thể chứ không bao gồm phong cách nghệ thuật, đồng nghĩa với việc OpenAI dường như không vi phạm pháp luật vì tạo ra hình ảnh giống với Studio Ghibli. Giờ đây ai cũng có trong tay một Hayao Miyazaki sẵn sàng vẽ những bức ảnh cho riêng mình.
Nhưng Al đã không ngồi đó đặt từng cánh hoa lên người mẫu của Jingna, AI cũng không tỉ mẩn từng nét vẽ tay trên trang giấy, không sống và trải qua quá trình sáng tạo đầy riêng biệt như Miyazaki. Chúng ta yêu “Hàng xóm của tôi là Totoro” (1988), “Mộ đom đóm” (1988), “Vùng đất linh hồn” (2001), “Lâu đài bay của pháp sư Howl” (2004), “Thiếu niên và chim diệc” (2023)... đâu chỉ vì bối cảnh, đường nét, màu sắc, những giấc mơ lung linh nhiệm màu, những thế giới hiện thực huyền ảo, mà còn vì những rung cảm thẩm mỹ được gợi lên sau mỗi tác phẩm.
Để ta thấy yêu hơn sự rập rờn của một cánh chim bay, một cành hoa bung nở, một lá trúc xào xạc trong cánh rừng, ta biết căm phẫn và đau đớn vì cái chết, chiến tranh… Và nghệ thuật là gì nếu không phải thế giới của cái đẹp và cảm xúc. Con người là gì nếu không phải những sinh thể sống biết vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau… Đó là dấu ấn về sự tồn tại của con người, là vết tích cho những ngày ta đã sống.
Cuối cùng thì, câu hỏi không phải là dùng AI hay không. Giữa ranh giới mong manh về bản quyền, AI đã và sẽ tiếp tục cuộc xâm lấn vào các lĩnh vực để trở thành một công nghệ có thể là tham vọng nhất của nhân loại. Chúng ta không thể đảo ngược dòng chảy đó. Câu hỏi là, ta đang dùng AI để làm gì? Chúng ta còn muốn làm một con người, với tất cả những cảm xúc trọn vẹn nữa không?
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ai-va-su-phan-no-cua-ghibli-i766276/