Nguyễn Thị Định - Nữ tướng viết nên huyền thoại và đặt nền móng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều cá nhân tiêu biểu, trong số đó nổi bật là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định.

Đồng chí Fidel Castro, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba tiếp bà Nguyễn Thị Định sang thăm Cuba, ngày 18/7/1974. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Đồng chí Fidel Castro, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba tiếp bà Nguyễn Thị Định sang thăm Cuba, ngày 18/7/1974. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro từng gọi bà là “người phụ nữ phi thường nhất Việt Nam” bởi ở bà hội tụ bản lĩnh của một vị tướng, trái tim của một người mẹ và tầm nhìn của một nhà văn hóa. Cuộc đời và sự nghiệp của bà mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam noi theo.

Người chỉ huy mưu trí, vị nữ tướng tài ba và gần gũi

Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền năm 1945, Nguyễn Thị Định là người đi đầu dẫn hàng nghìn người dân tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Tháng 3/1946, bà đã vinh dự được tham gia đoàn cán bộ miền nam vượt biển ra miền bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình chiến trường Nam Bộ. Tháng 10/1946, bà được giao nhiệm vụ vận chuyển 12 tấn vũ khí từ bờ biển Nam Trung Bộ chi viện cho chiến trường Nam Bộ.

Trước nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách, Nguyễn Thị Định vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ với một lòng quyết tâm phải mang bằng được số vũ khí này về đến miền nam an toàn. Số vũ khí đó là tài sản, là hy vọng và cả tình cảm mà miền bắc gửi tới mặt trận phía nam.

Bà cùng đồng đội đã xếp đầy hàng hóa lên trên để ngụy trang và chờ đợt gió chướng để giương buồm ra khơi. Trên chuyến tàu chở vũ khí có Nguyễn Thị Định và 3 đồng chí đều không có kinh nghiệm đi biển, vì vậy bà đã thuê 4 người đi biển giỏi, có thiện cảm với kháng chiến đi cùng.

Nằm chờ mất 1 tháng, đến tháng 11/1946, thấy có gió chướng nổi lên mù mịt, biển động, bà cho thuyền nhổ neo ra biển. Chuyến tàu rời bến, trên đường gặp bão, chính vì vậy mà thuyền đã tránh được sự dòm ngó của địch, vượt qua dông bão cập bến an toàn. Kết quả chuyến vượt biển thành công đó đã trở thành kinh nghiệm đi biển cho quân ta trong kháng chiến.

Bà Nguyễn Thị Định với Đội quân tóc dài. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà Nguyễn Thị Định với Đội quân tóc dài. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960 nổi lên như một mốc son, gắn liền với tên tuổi của bà Nguyễn Thị Định. Là người chỉ huy phong trào, bà đã thể hiện đầy đủ phẩm chất của một lãnh đạo có tài thao lược, đầy bản lĩnh, mưu trí và sáng tạo.

Sau đó, phong trào Đồng Khởi phát triển sâu rộng trên toàn miền nam, với cái tên “Đội quân tóc dài” - một lực lượng quan trọng, độc đáo, một nét sáng tạo trong hình thức tổ chức chính trị, góp phần hoàn thiện phương châm ba mũi giáp công, một phương châm đấu tranh hiệu quả của cách mạng miền nam.

“Đội quân tóc dài” đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của miền nam thời kỳ chống Mỹ, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Định trở thành niềm tự hào của nhân dân Bến Tre và của dân tộc Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Định chỉ đạo các chiến sĩ rút kinh nghiệm cách bắn máy bay lên thẳng ở Ấp Bắc, ngày 2/1/1963. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà Nguyễn Thị Định chỉ đạo các chiến sĩ rút kinh nghiệm cách bắn máy bay lên thẳng ở Ấp Bắc, ngày 2/1/1963. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Dấu ấn của vị tướng quân sự tài ba Nguyễn Thị Định còn in đậm và thể hiện rõ trong những lần bà cầm quân, chỉ đạo phong trào cách mạng miền nam trên cương vị Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền nam Việt Nam từ năm 1965 đến 1975.

Bà đã chỉ đạo hiệu quả các đơn vị văn công, tuyên huấn, du kích, đoàn thể của căn cứ Trung ương Cục miền nam, đánh bại chiến dịch Junction City của Mỹ tấn công vào khu căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) năm 1967.

Bà chỉ đạo đưa cán bộ nữ vào ấp chiến lược, xây dựng cơ sở… tranh thủ tín đồ, làm công tác binh vận để tan rã quân Cao Đài ở Tây Ninh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Đặc biệt là những quyết định sáng suốt, sự chỉ đạo thông minh công tác bảo vệ căn cứ, di chuyển cơ quan đầu não của ta là Chính phủ Cách mạng lâm thời ở chiến khu Tây Ninh trong năm 1970.

Bà Nguyễn Thị Định cùng các đồng đội tại chiến khu miền Đông Nam Bộ, năm 1973. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà Nguyễn Thị Định cùng các đồng đội tại chiến khu miền Đông Nam Bộ, năm 1973. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà còn được nhắc tới với hình ảnh của một vị tướng luôn có bên mình cuộn kim chỉ để khi nghỉ ngơi tranh thủ khâu vá quần áo cho chiến sĩ. Bà thường xuyên thức khuya, dậy sớm, hướng dẫn anh chị em chế biến, nấu nướng món ăn. Hình ảnh vị Phó Tư lệnh như người mẹ hiền, như người chị cả in đậm trong tâm hồn chiến sĩ khắp các chiến trường miền nam.

Bà Nguyễn Thị Định với chiến sĩ nghỉ giải lao trên đường hành quân. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà Nguyễn Thị Định với chiến sĩ nghỉ giải lao trên đường hành quân. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Phát biểu tại cuộc mít-tinh kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền nam, cho cả dân tộc ta".[1]

Người sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Định và Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Trần Văn Phác cắt băng khai mạc triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ”, ngày 8/3/1990. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Định và Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Trần Văn Phác cắt băng khai mạc triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ”, ngày 8/3/1990. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Là người đã trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc, bà đã chứng kiến biết bao công sức và sự hy sinh của thế hệ phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giành độc lập bảo vệ Tổ quốc. Bà từng nói rằng phải xây dựng được một bảo tàng về phụ nữ để tôn vinh và ghi nhớ công lao của biết bao thế hệ phụ nữ đã anh dũng hy sinh bảo vệ nền độc lập. Bà đã lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xin chủ trương thành lập Bảo tàng và đứng ra kêu gọi các tổ chức, đơn vị ủng hộ xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Định phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị bàn về công tác xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, ngày 8-13/12/1986. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà Nguyễn Thị Định phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị bàn về công tác xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, ngày 8-13/12/1986. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà còn phát động mỗi chị em hội viên cả nước quyên góp 1 hột vịt (trứng vịt) để xây dựng Bảo tàng. Và trong mỗi chuyến công tác, trong túi xách của bà luôn có một quyển sổ tay ghi chép số tiền nhận được từ các nhà hảo tâm, các đơn vị ủng hộ xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bà cũng chính là người duyệt thiết kế tòa nhà Bảo tàng. Cho đến tận ngày 26/8/1992, ngày bà đột ngột ra đi vì cơn đau tim tái phát, trong túi xách của bà vẫn còn cuốn sổ ghi chép và số tiền bà đi kêu gọi ủng hộ xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Định duyệt mô hình nhà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Sở Xây dựng Hà Nội, năm 1991. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà Nguyễn Thị Định duyệt mô hình nhà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Sở Xây dựng Hà Nội, năm 1991. (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Tiếp bước bà Nguyễn Thị Định, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tốt việc sưu tầm, trưng bày, huy động các nguồn ngân sách... để khánh thành Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào ngày 20/10/1995. Luôn tìm tòi, đổi mới trong hoạt động, Bảo tàng đã được công chúng ghi nhận: TripAdvisor - trang web du lịch lớn nhất thế giới hai lần bình chọn Bảo tàng Phụ nữ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Hà Nội, là một trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất của khu vực châu Á; Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao thưởng Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - Điểm đến thu hút trong lòng công chúng. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - Điểm đến thu hút trong lòng công chúng. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam cũng như thế giới, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.

Sự kiện “Khát vọng hòa bình” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ngày 9/1/2023. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Sự kiện “Khát vọng hòa bình” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ngày 9/1/2023. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Hôm nay, khi từng đoàn học sinh, sinh viên, du khách trong nước và quốc tế bước vào không gian Bảo tàng - một địa chỉ văn hóa ý nghĩa, một điểm đến tiêu biểu giữa lòng Thủ đô, chúng ta lại nhớ về bà Nguyễn Thị Định, vị nữ tướng đã từng chiến đấu không ngơi nghỉ để bảo vệ và gìn giữ giá trị cách mạng cho thế hệ mai sau.

---

[1] Hồ Chí Minh, t.11, tr.621.

KIM LĨNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguyen-thi-dinh-nu-tuong-viet-nen-huyen-thoai-va-dat-nen-mong-cho-bao-tang-phu-nu-viet-nam-post874187.html