Ai về lễ hội Bà Thu Bồn...

Lễ rước sắc nhập Dinh.

Lễ rước sắc nhập Dinh.

Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng 2 (âm lịch), cư dân sống ở ven dòng sông Thu Bồn thuộc H. Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) lại nô nức tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn nhằm tri ân sự chở che của Bà đối với người dân sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, no ấm, mùa màng tươi tốt, bội thu. Năm nay, lễ hội này lại càng đặc biệt, H. Nông Sơn tổ chức nhiều các hoạt động lễ hội Bà Thu Bồn và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nhiều cụ cao niên tại làng Trung An (xã Quế Trung) kể lại nhiều giai thoại về Bà Thu Bồn. Tích xưa cho rằng, bà Thu Bồn (hay còn gọi là bà Bô Bô)- một công chúa xinh đẹp, tài giỏi của Vua Mây bị giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn không may ngã ngựa và lập tức bị giặc xông lên giết chết. Xác Bà được thả trên sông và trôi dạt về làng Thu Bồn, dân trong làng cảm động, thương tiếc đem chôn và lập lăng miếu thờ. Cũng vào thời điểm đó, làng Thu Bồn có bệnh dịch đậu mùa hoành hành, nhanh chóng lây lan rồi cướp đi mạng sống của nhiều người, Bà linh ứng dập tắt căn bệnh và cứu người thoát chết. Để tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn của người mẹ Thu Bồn đã che chở, phù hộ cho dân làng được bình an, ấm no, hạnh phúc, từ mồng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, người dân thôn Trung An, xã Quế Trung, H. Nông Sơn tổ chức lễ hội gọi là Lễ hội Bà Thu Bồn, và lâu dần trở thành thông lệ bất biến mà người dân địa phương gọi là "lệ Bà". Vì thế, ngày lệ cúng Bà từ lâu trở thành việc nhà của mọi người dân trong thôn.

Thời gian qua, H. Nông Sơn đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tập trung chuẩn bị cho công tác tổ chức các hoạt động lễ hội Bà Thu Bồn và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, các hoạt động phong phú được diễn ra trước và trong lễ hội. Trong đó, ban nghi lễ gồm các bô lão trong làng đã chuẩn bị lễ vật đầy đủ về di tích lăng Bà Thu Bồn (thôn Trung An, xã Quế Trung) để cúng tế. Điều đặc biệt, vào dịp lễ hội Bà Thu Bồn, những người làm ăn, sinh sống xa quê hương thường về quê để tiến lễ vía Bà, cầu mong cuộc sống may mắn, ấm no, và có dịp gặp gỡ bà con, ôn lại truyền thống tín ngưỡng dân gian mang đậm yếu tố tâm linh mà cha ông truyền lại. Ông Lê Văn Hoàng- Trưởng thôn Trung An cho biết, công tác chuẩn bị cho ngày hội Bà Thu Bồn năm nào cũng được bà con trong thôn đoàn kết, lo từ rất sớm. Ông chia sẻ chân thành: "Lễ hội Bà Thu Bồn hằng năm được người dân trong thôn chuẩn bị chu đáo, vì năm nay lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nên người dân phấn khởi, vui vẻ hơn. Cùng với việc chuẩn bị cho các lễ cúng, nhân dân trong thôn đã dọn vệ sinh môi trường tại khu vực Dinh Bà, dọc tuyến đường chính đi vào dinh tạo cảnh quan trang trọng và ấm cúng...".

Dinh Bà Thu Bồn.

Dinh Bà Thu Bồn.

Năm nay, cùng với các hoạt động tế lễ ấm cúng diễn ra trong không khí trang nghiêm, phần hội còn có các hoạt động văn hóa - thể thao hấp dẫn như: Liên hoan nghệ thuật Tuồng với sự tham gia của 6/6 câu lạc bộ tuồng trên địa bàn huyện, khơi dậy lòng yêu nghệ thuật tuồng truyền thống dân gian. Liên hoan năm nay diễn ra tại Dinh Bà Thu Bồn cùng với các hoạt động như cờ tướng, đồng diễn thể dục dưỡng sinh đã góp phần làm không khí lễ hội thêm phần sinh động đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư với những nét đặc trưng và độc đáo ở vùng thượng nguồn sông Thu Bồn của xứ Quảng. Đặc biệt, trong lễ hội Bà Thu Bồn năm nay, Hội Di sản Văn hóa TP Đà Nẵng sẽ trình diễn trích đoạn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phù hợp với văn hóa truyền thống lễ hội Bà. Sau lễ chánh tế, theo nghi lễ truyền thống của làng Thu Bồn, mọi hoạt động hội hè, vui chơi giải trí dân gian ở khu vực sân bãi xung quanh lăng Bà, trên bến dưới thuyền, đặc biệt là hội đua ghe truyền thống mới chính thức bắt đầu. Mọi người dân trong làng, khách thập phương nô nức đến dự lệ Bà Thu Bồn đều khao khát được dự phần "lộc Bà" với bao khát vọng phồn thực: cầu mùa, cầu tài lộc, khang ninh cho mỗi cá nhân, gia đình cũng như cho cả cộng đồng.

Sông mẹ Thu Bồn từ bao đời nay đã đi vào tiềm thức của người dân trong suốt chiều dài lịch sử quê hương xứ Quảng chất chứa những vỉa tầng tràn đầy sinh lực cội nguồn của biết bao giá trị lịch sử, văn hóa. Di tích Dinh Bà Thu Bồn là một phần trong lịch sử văn hóa ấy. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy- Phó Chủ tịch UBND H. Nông Sơn cho biết: "Cùng với ý nghĩa về văn hóa, tâm linh, lễ hội Bà Thu Bồn năm nay được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là một dấu ấn quan trọng, là cơ hội để huyện Nông Sơn quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và các giá trị tài nguyên du lịch khác trên địa bàn huyện như Hòn Kẽm Đá Dừng, làng Đại Bình, suối nước nóng Tây Viên... Từ đó tạo điều kiện để địa phương gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển" .

THẢO NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_240387_ai-ve-le-hoi-ba-thu-bon.aspx