Ai 'xơi' được miếng bánh 4 tỷ USD của quỹ đầu tư mạo hiểm Lightspeed Venture?
Hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm đã huy động được hàng tỷ USD để rót vốn vào các start-up thuộc khu vực Đông Nam Á. Họ đang tìm kiếm các món hời.
Grab cũng từng nhận vốn từ Công ty đầu tư mạo hiểm Lighspeed Venture.
Tìm thị trường ngách
Một thập kỷ tồn tại, trước khi những khoản rót vốn mua cổ phần vào các công ty của Lightspeed Venture (quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại thung lũng Silicone - Mỹ) ra mắt công chúng, quỹ này được biết đến nhiều trong giới công nghệ thông tin hơn là những doanh nhân đầy tham vọng.
Thông tin Công ty đầu tư mạo hiểm Lighspeed Venture dành 4 tỷ USD đầu tư các start-up công nghệ tiềm năng ở thị trường Đông Nam Á khiến cộng đồng start-up khu vực này hồi hộp.
Ngay sau khi thành lập văn phòng tại Singapore, Quỹ bắt đầu các hoạt động rót vốn. Hiện khu vực này đang có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhanh nhất thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các công ty khởi nghiệp công nghệ có tiềm năng phát triển theo thời gian và có thể trở thành các kỳ lân khởi nghiệp (được định giá trên 1 tỷ USD) sẽ trở thành đối tượng để Quỹ tiếp cận và đàm phán rót vốn ở giai đoạn đầu.
Nhiều start-up trong danh sách từng nhận vốn đầu tư của họ đang mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á và thành lập văn phòng khu vực tại Singapore như Snap (công ty đứng sau Snapchat), OYO Rooms, Yellow Messager và Darwinbox.
Trong khi đó, các start-up xuất thân từ khu vực này như Grab (Singapore), nền tảng thương mại xã hội Chilibeli (Indonesia), công ty chuyên cung cấp các phần mềm trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp NextBilion.ai (Singapore)… cũng đã nhận vốn từ quỹ nói trên.
Covid-19 đã thúc đẩy tốc độ ứng dụng công nghệ tại khu vực, bao gồm cả các nền tảng giúp những đơn vị kinh doanh nhỏ số hóa hoạt động vận hành như bán hàng online, các giải pháp về chuỗi cung ứng, làm việc từ xa hoặc dịch vụ liên quan đến đào tạo trực tuyến… đây là những thị trường ngách mà Quỹ đang hướng đến.
Kể từ khi thành lập, Lightspeed đã đầu tư vào hơn 300 công ty trên toàn cầu, bao gồm các công ty lớn như Snap, GrubHub, Nest, Nutanix, AppDynamics, MuleSoft và hiện quản lý hơn 10 tỷ USD vốn cam kết.
Lightspeed bắt đầu thành lập vào năm 2000 khi 6 nhà đầu tư từ một công ty 30 tuổi tên là Weiss Peck & Greer quyết định chia tay sau vụ vỡ bong bóng dotcom.
Gần đây, vào tháng 7/2020, công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Ấn Độ đã công bố 2 quỹ mới dành cho Ấn Độ và Đông Nam Á (SEA), một quỹ mạo hiểm trị giá 525 triệu USD và một quỹ tăng trưởng 825 triệu USD.
Không chỉ các quỹ đầu tư lớn, mà các quỹ đầu tư nhỏ ngay tại Việt Nam cũng được thành lập nhằm tìm kiếm những khoản đầu tư vào các start-up trong lĩnh vực công nghệ.
Hồi đầu tháng 9, Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, do Nguyễn Mạnh Dũng và Lê Hoàng Uyên Vy sáng lập trị giá 50 triệu USD cũng tập trung vào thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Trong đó, quỹ đã có hơn 50% số tiền mục tiêu trong vòng huy động đầu tiên. Số vốn này đến từ những nhà sáng lập của các công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và các tổ chức đầu tư của Hàn Quốc và Singapore như NAVER, Sea, Vertex Holdings, Woowa Brothers...
Theo ông Dũng, các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đang bùng phát, sẵn sàng để các công ty công nghệ tung ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo. Quỹ sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những start-up công nghệ, có thể xây dựng những sản phẩm dịch vụ mang lại sự tiện ích và nâng cao đời sống của người tiêu dùng tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Củng cố vị thế nhanh hơn
Không chỉ các quỹ đầu tư được thiết lập trong bối cảnh này, mà chính các ông lớn công nghệ cũng đang tìm cách mua bán - sáp nhập (M&A) để tăng trưởng, nâng số lượng thương vụ lên gấp 3 lần so với năm 2019.
Giới đầu tư cho rằng, khách hàng đang gây sức ép, buộc các nhà cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực phải đưa ra các giải pháp tiện nghi, hoàn thiện, an toàn, bảo mật hơn.
Hoạt động M&A ngày càng trở thành nguồn giá trị quan trọng trong lĩnh vực công nghệ trong thập kỷ qua và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của các công ty công nghệ những năm tới.
Dữ liệu nghiên cứu thị trường M&A của Deloitte cho thấy, hầu hết các giao dịch công nghệ lớn trong những năm gần đây đều tập trung vào một trong 3 chủ đề: kết nối, đám mây hoặc dữ liệu, phân tích.
Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp gặp phải những rủi ro không đáng có, nhưng nó cũng mang lại cơ hội cho những món hời, nếu bên mua đã lên chiến lược củng cố vị thế của họ nhanh hơn dự kiến.
Hoạt động M&A ngày càng trở thành nguồn giá trị quan trọng trong lĩnh vực công nghệ trong thập kỷ qua và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của các công ty công nghệ trong những năm tới. Hầu hết các giám đốc điều hành công nghệ đều biết điều này và họ cũng biết rằng, tốc độ và hình thức của M&A đang thay đổi nhanh chóng.
Mặc dù vậy, khi rót vốn vào các start-up, điều khó khăn là quá trình thẩm định kỹ ngày càng phức tạp hơn, vì hầu hết các công ty này đều thiếu hồ sơ lâu dài về tạo ra doanh thu. Trong khi đó, văn hóa và tài năng thường khó hòa nhập vào một công ty lớn hơn. Việc xác định đúng mục tiêu càng khó hơn vì nhiều người vẫn chưa bán bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào có thể thu hút sự chú ý của bên mua.
Để tiếp cận với các công ty khởi nghiệp tiềm năng, nhiều ông lớn đang thiết lập các hình thức đầu tư mạo hiểm khác nhau. Trong đó, họ không chỉ đầu tư sớm vào những ý tưởng đầy hứa hẹn, mà còn nắm bắt hơn về các công nghệ sắp tới để nắm chắc phần thắng trong tay. Do đó, các start-up công nghệ của Việt Nam muốn chen chân vào nhận được phần vốn trong miếng bánh 4 tỷ USD vừa được Lightspeed Venture tung ra cho thị trường Đông Nam Á, cũng như các đại gia công nghệ trong và ngoài nước để ý đến, thì phải có ý tưởng thực sự đột phá.