AIESEC bị tố bỏ mặc tình nguyện viên Việt Nam sốt xuất huyết ở Ấn Độ

Chi nhánh của tổ chức thanh niên lớn nhất thế giới gặp nhiều lùm xùm, hàng loạt tình nguyện viên tố cáo đơn vị bỏ rơi người tham gia, thiếu minh bạch và không làm đúng thỏa thuận.

Tháng 7/2023, Bảo Ngọc (*) lên đường từ Việt Nam đi Ấn Độ tham gia dự án tình nguyện dài 6 tuần. Song, cô chỉ ở đó 10 ngày rồi phải về nhà vì mắc sốt xuất huyết. Đáng nói, cô cho biết tổ chức chủ trì dự án không cung cấp sự hỗ trợ, chăm sóc cần thiết cho tình nguyện viên.

Tương tự, Thùy Linh (*) cũng đăng ký tham gia tình nguyện trong lĩnh vực bình đẳng giới ở Ấn Độ hồi tháng 7, cùng đơn vị tổ chức với Bảo Ngọc. Linh được hứa hẹn tạo điều kiện tổ chức workshop bình đẳng giới, làm diễn giả buổi thảo luận cộng đồng… Thực tế, cô chỉ được phân công dọn rác bãi biển, chụp hình truyền thông.

Chia sẻ trên mạng xã hội, các tình nguyện viên chỉ nhắc đến tên tổ chức tình nguyện quốc tế là “tổ chức A” hoặc “A.SEC”. Sau nhiều cuộc phỏng vấn độc lập, xem qua hợp đồng tình nguyện viên, Tri Thức - Znews xác định đơn vị được nhắc đến là AIESEC - một trong những tổ chức thanh niên lớn nhất thế giới, có mặt ở hơn 108 quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Trả lời yêu cầu bình luận, AIESEC xác nhận câu chuyện của Bảo Ngọc và Thùy Linh có xảy ra, song khẳng định "hiện nay mọi thứ đã khác".

Sốt xuất huyết giữa Ấn Độ

Năm 2023, Bảo Ngọc trúng tuyển thành tình nguyện viên dự án tình nguyện quốc tế về du lịch ở New Delhi (Ấn Độ) của AIESEC. Chi nhánh của AIESEC ở nhiều quốc gia sẽ kết nối với nhau, làm trung gian giữa tình nguyện viên và tổ chức vì cộng đồng địa phương. Từ đó, người tham gia sẽ có trải nghiệm tình nguyện quốc tế trong 6 tuần.

Ngọc được yêu cầu đóng tổng cộng 265 USD (165 USD với AIESEC Việt Nam và 100 USD với AIESEC Ấn Độ). Đây là chi phí để duy trì hệ thống AIESEC toàn cầu và hỗ trợ từ phía AIESEC tại Việt Nam, chưa bao gồm vé máy bay, visa, chi tiêu cá nhân…

Hợp đồng giữa Bảo Ngọc và AIESEC được ký kết trước chuyến tình nguyện đến Ấn Độ. Ảnh: NVCC.

Hợp đồng giữa Bảo Ngọc và AIESEC được ký kết trước chuyến tình nguyện đến Ấn Độ. Ảnh: NVCC.

Dù vậy, Bảo Ngọc vẫn khá háo hức với trải nghiệm tình nguyện sắp tới. Trước khi ký hợp đồng, đại diện tổ chức cho biết dự án có đến 100 tình nguyện viên tham gia. Cô vui vì sắp được làm quen bạn mới, mở rộng mạng lưới quan hệ. Song, đến khi Ngọc đặt bút ký hợp đồng, tổ chức thông báo chí còn 7-8 tình nguyện viên. Sau khi chân đến New Delhi, cô phát hiện mình là người duy nhất tham gia dự án.

“AIESEC tận dụng tâm lý muốn trải nghiệm văn hóa, kết bạn của mình, gây hiểu nhầm có chủ đích để thúc ép mình ký hợp đồng. Đây là hành vi thổi phồng để khiến mình cảm thấy mình sẽ tham gia vào một cộng đồng lớn, năng động, có nhiều bạn bè để kết nối”, Ngọc nói với Tri Thức - Znews.

Sau vài ngày ở Ấn Độ, Bảo Ngọc bắt đầu trở sốt, nôn ói, tiêu chảy và nổi mẩn đỏ khắp người. Cô nói phòng ở có rất nhiều muỗi và nghi mình mắc sốt xuất huyết. Ngọc thông báo với ban tổ chức về tình trạng sức khỏe.

Hôm sau, đơn vị cử sinh viên đến đưa cô đi bệnh viện. Ở đây, bác sĩ đo huyết áp, nhiệt độ cho cô rồi bảo về, cho biết cô chỉ bị “muỗi cắn”. Về đến phòng, sức khỏe Bảo Ngọc ngày càng tệ nhưng đơn vị chủ trì lúc này lại biến mất, theo lời kể của cô.

Những nốt đỏ xuất hiện khắp cơ thể cùng triệu chứng sốt, nôn ói và tiêu chảy làm Bảo Ngọc nghĩ cô mắc sốt xuất huyết. Ảnh: NVCC.

Những nốt đỏ xuất hiện khắp cơ thể cùng triệu chứng sốt, nôn ói và tiêu chảy làm Bảo Ngọc nghĩ cô mắc sốt xuất huyết. Ảnh: NVCC.

“Trong thời gian mình bệnh nặng 4-5 ngày, không ai từ phía tổ chức đến hỏi thăm hay chăm sóc. Những người chăm sóc mình là các bạn ở cùng ký túc xá, không liên quan đến tổ chức. Khi mẹ mình gọi đến số điện thoại trong hợp đồng để nhờ hỗ trợ, không ai trả lời”, Ngọc kể.

Cô quyết định tự đổi vé máy bay về Việt Nam để “tự cứu mạng”. Về nhà, Ngọc được đưa đi khám bệnh và bác sĩ chẩn đoán cô mắc sốt xuất huyết.

“Mình tự xoay xở đổi vé và về nước trong tình trạng sức khỏe yếu. Điều đáng nói là khi mình về đến Việt Nam, phía ban tổ chức không hề biết mình đã về và sau đó cũng không có bất kỳ động thái hỏi thăm, xin lỗi”, cô nhấn mạnh.

Mô tả một đằng, công việc một nẻo

Thùy Linh đến Ấn Độ ngày 14/7 và bắt đầu tham gia dự án bình đẳng giới “Raise Your Voice” vào ngày 16/7. Dựa vào mô tả công việc, cô kỳ vọng được tổ chức các workshop, tham gia hội thảo về bình đẳng giới… ở Mumbai (Ấn Độ).

Tuy nhiên, suốt 4 tuần đầu, cô chỉ được phân công dạy học, chụp ảnh truyền thông và dọn rác ở bãi biển. Đến tuần thứ năm, Linh được làm công việc liên quan đến chủ đề bình đẳng giới: Làm thực đơn bán hàng cho 1 người phụ nữ Ấn Độ. “Những công việc mình làm hoàn toàn không giống những gì trong mô tả công việc mà AIESEC cung cấp”, cô khẳng định.

Trong dự án Global Volunteer, AIESEC sẽ là đơn vị kết nối tình nguyện viên với một dự án cộng đồng địa phương để làm việc. Mọi thông tin được cung cấp trước khi dự án bắt đầu để tình nguyện viên ghi vào visa.

AIESEC yêu cầu Thùy Linh ghi vào đơn xin visa rằng cô làm tình nguyện cho tổ chức We Can We Will nhưng được kết nối với Gully Classes Foundation khi đến Ấn Độ. Ảnh: NVCC.

AIESEC yêu cầu Thùy Linh ghi vào đơn xin visa rằng cô làm tình nguyện cho tổ chức We Can We Will nhưng được kết nối với Gully Classes Foundation khi đến Ấn Độ. Ảnh: NVCC.

AIESEC yêu cầu Thùy Linh ghi vào đơn xin visa rằng cô làm tình nguyện cho tổ chức We Can We Will. Tuy nhiên, khi đến Ấn Độ, cô được kết nối với tổ chức khác là Gully Classes Foundation.

“Mình hoàn toàn không nhận được thông báo nào trước đó. Nếu có một cuộc điều tra xảy ra thì người bị ảnh hưởng nhiều nhất là mình vì đã lừa dối Lãnh sự quán. Hậu quả lớn nhất cho việc này là có thể bị cấm visa”, cô nhấn mạnh.

Các tình nguyện viên trao đổi với Tri Thức - Znews cho biết không hài lòng với cách giải thích của AIESEC Việt Nam.

Những ngày qua, nhiều cựu tình nguyện viên từng tham gia Global Volunteer của AIESEC chia sẻ vấn đề họ gặp phải trong quá trình tình nguyện. Những vấn đề có thể kể đến là: nhân sự thiếu chuyên nghiệp, công việc thực tế không trùng khớp với mô tả ban đầu, thiếu giao tiếp với tình nguyện viên…

AIESEC nói gì?

Trả lời Tri Thức - Znews, AIESEC Việt Nam cho biết đang xác minh lại thông tin với Bảo Ngọc. Đơn vị khẳng định đã trao đổi với AIESEC tại Ấn Độ và các bên liên quan để hỗ trợ tình nguyện viên mắc sốt xuất huyết. AIESEC Ấn Độ sau đó cũng bố trí người hỗ trợ Bảo Ngọc đi khám bệnh.

“Trường hợp này xảy ra vào tháng 7/2023. Đây cũng là giai đoạn AIESEC tại Việt Nam vừa vận hành trở lại chương trình Tình nguyện quốc tế sau 3 năm tạm ngưng vì dịch bệnh Covid-19. Ở giai đoạn này, AIESEC không tránh khỏi những thiếu sót trong quy trình và cách vận hành”, đại diện tổ chức cho hay.

 Bài viết ngày 7/12 của AIESEC nói về mô hình hoạt động của chương trình Tình nguyện quốc tế hiện bị khóa chức năng bình luận. Ảnh: Facebook.

Bài viết ngày 7/12 của AIESEC nói về mô hình hoạt động của chương trình Tình nguyện quốc tế hiện bị khóa chức năng bình luận. Ảnh: Facebook.

Theo đó, số điện thoại không thể liên lạc là do tổ chức gặp trục trặc sau giai đoạn Covid-19. Đến tháng 10/2024, số điện thoại trên hợp đồng đã được đổi thành số của quản lý chương trình.

Với trường hợp của Thùy Linh, AIESEC Việt Nam thừa nhận “thiếu sót trong việc không thông báo về sự thay đổi này trước cho tình nguyện viên”.

Nguyên nhân thay đổi là tổ chức We Can We Will gặp vấn đề, không thể hỗ trợ. Song, nếu thay đổi trong giai đoạn đó sẽ mất thêm thời gian xin visa và ảnh hưởng tiến độ dự án. Đó là lý do AIESEC giữ nguyên tên tổ chức.

Theo đơn vị, tính đến tháng 9, chương trình Tình nguyện quốc tế của AIESEC đã cải thiện ở bốn khía cạnh: đánh giá lại và giới hạn danh sách các đối tác quốc tế uy tín, quy trình vận hành được nâng cấp, đội ngũ được tăng cường đào tạo, hệ thống tiếp nhận và xử lý khiếu nại được tối ưu hóa.

(*) Tri Thức - Znews đã đổi tên nhân vật để bảo mật thông tin cá nhân.

Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/aiesec-bi-to-bo-mac-tinh-nguyen-vien-viet-nam-sot-xuat-huyet-o-an-do-post1516860.html