'Già làng khuyến học' đất Cà Mau
77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).
Với thâm niên và tinh thần miệt mài cống hiến, nhiều người vẫn vui gọi ông Quang là “Già làng khuyến học”.
17 năm làm nhiệm vụ không lương
Ông Phạm Văn Quang, thường được gọi thân mật là chú Hai Quang, bắt đầu công tác khuyến học từ năm 1994. Khi ấy, ông nhận nhiệm vụ Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh của cùng lúc 2 Trường Tiểu học và THCS Khánh Thới (nay thuộc xã Thới Bình, huyện Thới Bình).
Ông Phạm Văn Quang gắn bó với công tác khuyến học huyện từ thời sơ khai đến nay, chưa một lần tôi nghe ông than cực khổ. Ông là một người rất tâm huyết và có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác khuyến học, khuyến tài, luôn dốc lòng, dốc sức vì sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Sự đóng góp của ông Hai Quang đã góp phần quan trọng đưa huyện Thới Bình trở thành điểm sáng về phong trào khuyến học, khuyến tài trong toàn tỉnh. Hiện, toàn huyện có hơn 31.000 gia đình học tập, 171 dòng họ học tập. Số ấp, tổ dân phố, đơn vị trong địa phương đăng ký cộng đồng học tập, đơn vị học tập đạt 100%. Ông Lê Hoàng Danh (Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Bình)
“Lúc đó gia đình tôi làm kinh tế nông nghiệp, cuộc sống không phải giàu có nhưng cũng đầy đủ hơn nhiều người. Nhìn thấy học sinh đi học thiếu thốn, điều kiện khó khăn tôi rất thương. Nhận làm hội trưởng phụ huynh chủ yếu để có điều kiện vận động, hỗ trợ giúp đỡ các em, chứ không có lương bổng gì. Nhiều khi mình phải bỏ tiền bán lúa ra để hỗ trợ tập, sách, quần áo, gạo... cho học sinh, không để các em bỏ học giữa chừng”, ông Quang chia sẻ.
Kể từ khi nhận nhiệm vụ, ông Hai Quang luôn tất bật. Hết vận động học sinh trở lại trường, không bỏ học, ông quay sang vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con, em đi học, rồi quyên góp học bổng, tập sách, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ gia đình các em.
“Hồi đó đường sá, hạ tầng giao thông đâu phát triển như bây giờ, đi vận động mình toàn đi bằng xuồng, ghe, chỗ nào gần thì cuốc bộ, vẹt sậy, lội sình mà đi. Nói chung cực lắm, nhưng tôi không bao giờ nản chí. Bởi mình nản thì các em xem như bỏ học. Đến nhà nào vận động được phụ huynh tiếp tục cho con, em đi học là tôi mừng lắm, quên cả mệt nhọc”, ông Quang tâm sự.
Thầy Phạm Văn Nghị - Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thới cho biết, khi trường mới thành lập, ông Phạm Văn Quang tích cực vận động người dân hiến đất xây trường. Sau này khi trường được đầu tư xây dựng lại khang trang đạt chuẩn quốc gia, ông lại giám sát chặt chẽ việc thi công để công trình đạt chất lượng khi đưa vào sử dụng.
“Trước đây, chú Hai Quang còn vận động người dân hỗ trợ giáo viên xa quê về chỗ ở, rồi thì động viên tinh thần để thầy cô an tâm công tác ở vùng sâu, xa. Đặc biệt, ông rất quan tâm, chăm lo cho học sinh của trường. Mỗi khi nhà trường báo có học sinh nào khó khăn, nguy cơ bỏ học là ông liền tìm đến tận nhà xác minh, vận động, hỗ trợ để các em được tiếp tục học tập. Thế hệ giáo viên, phụ huynh, học sinh ở trường ai cũng quý mến chú Hai Quang”, thầy Hiệu trưởng nói về ông Hai Quang bằng sự kính trọng.
Với sự hỗ trợ của ông Quang trong vai trò hội trưởng phụ huynh, sau 10 năm, Trường Tiểu học Khánh Thới và Trường THCS Khánh Thới đã trở thành điểm sáng về phong trào khuyến học, khuyến tài. Tỷ lệ học sinh bỏ học tại hai trường giảm dần từng năm. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh lên lớp và học sinh đạt loại giỏi luôn nằm trong nhóm đầu toàn huyện.
Năm 2004, Cà Mau có chủ trương thành lập Hội Khuyến học cấp xã, thế là ông Quang được cất nhắc lên làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã. Nhiệm vụ mới, chức vụ cao hơn, tính chất, quy mô công việc cũng khác, ông Quang không phải chỉ quán xuyến 2 điểm trường trong 1 ấp như trước mà mở rộng ra 9 điểm trường trên 11 ấp của xã. Mặc dù lên chức nhưng ông vẫn làm việc không lương.
Làm bằng cái tâm
Sau hơn 7 năm làm Phó Chủ tịch, ông Quang được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học xã. Lúc này, ông mới được nhận mức lương gần 2 triệu đồng/tháng. Năm 2014, ông Hai Quang được rút về làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình. Năm 2016, ông giữ chức Chủ tịch Hội và làm nhiệm vụ này cho đến nay.
30 năm tham gia công tác khuyến học, khuyến tài từ trường làng đến Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, ông Quang luôn tâm niệm phải làm bằng cái tâm. Ai nghĩ đến vật chất sẽ không làm được công tác này. Những người có tính tự ái cao, không biết nhẫn nại cũng không làm được.
“Làm công tác khuyến học cũng có nhiều khó khăn lắm, đâu phải mình đi vận động là người ta cho tiền liền, nhiều khi phải nói ‘khô nước bọt’, chầu chực mấy tiếng, không dám đi ăn, uống chỉ để được gặp lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp xin tiền cho học trò nghèo. Vận động được 100 nghìn, thì mình ghi vào sổ 100 nghìn và hỗ trợ học sinh đúng số tiền vận động. Tiền ăn, uống, chi phí đi lại thì mình tự lo liệu chứ không trích từ tiền vận động được”, ông Quang tâm sự và kể rằng, ai cho gì ông cũng nhận.
Một đồng hỗ trợ, một quyển tập, bộ sách đều đáng quý. Vân động đến đâu ông giải ngân đến đó chứ không để chậm trễ. Nhờ luôn công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích khoản tiền vận động nên nhiều năm qua ông được nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tin tưởng.
Theo ông Quang, khi đã có nguồn hỗ trợ, việc xét đối tượng nhận hỗ trợ cũng là việc khó, đòi hỏi sự cẩn thận, cùng cái tâm và cái tầm của người làm công tác khuyến học. Đầu tiên, Hội Khuyến học phải cùng với nhà trường lập danh sách học sinh nhận hỗ trợ.
Danh sách này phải đảm bảo đúng đối tượng hỗ trợ, lựa chọn khách quan, công tâm, công bằng. Phải phân bổ đều cho từng học sinh khó khăn, không thể dồn cho một em được hưởng nhiều lần, cũng không thể dồn cho một điểm trường nào đó.
Trong hỗ trợ cũng phải phân nhóm đối tượng khó khăn nhiều, nhóm khó khăn ít, hộ nghèo, cận nghèo, học sinh khuyết tật... để có sự hỗ trợ phù hợp. Cần thiết, Hội Khuyến học cũng đi khảo sát thực tế hoàn cảnh từng trường hợp sau khi đã có danh sách từ phía nhà trường.
Trong công tác khuyến học, quan điểm của ông Quang là học sinh khó khăn dù ở đâu cũng nhận được hỗ trợ chứ không phải chỉ riêng học sinh trong huyện. Thực tế, Hội Khuyến học huyện Thới Bình đã hỗ trợ nhiều suất học bổng, tập sách... cho học sinh khó khăn của huyện U Minh, Trần Văn Thời và tỉnh Kiên Giang đang học tại các trường trên địa bàn nằm giáp ranh.
Niềm vui được học sinh nhớ đến
Gần một đời gắn bó với công tác khuyến học, ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu thì hằng ngày ông Quang vẫn rong ruổi với chiếc xe gắn máy cũ kĩ. Đi đến điểm trường nào, ông cũng được lãnh đạo nhà trường, thầy cô, học sinh chào đón nồng nhiệt. Đối với học sinh nghèo, chú Hai Quang như hiện thân của “ông Bụt” giúp các em tiếp tục đến trường, tìm đến bến bờ tri thức.
“Gia đình em thuộc diện khó khăn, đầu năm học này nhờ chú Hai Quang vận động hỗ trợ suất học bổng 5 triệu đồng, em mới có đủ điều kiện đến trường. Em rất biết ơn chú Hai và nhà hảo tâm đã hỗ trợ. Em hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi, thực hiện hoàn thành ước mơ trở thành giáo viên”, Võ Hoàng Bửu - học sinh lớp 9 Trường THCS Khánh Thới chia sẻ.
Lê Quốc Thái - học sinh lớp 8 Trường THCS Khánh Thới cũng vừa nhận được suất học bổng 5 triệu đồng do chú Hai Quang vận động hỗ trợ. “Em thấy ở trường có rất nhiều bạn được chú Hai giúp đỡ, hỗ trợ học bổng, tập sách. Ngoài tặng quà, chú cũng thường tới trường gặp gỡ, động viên chúng em trong học tập. Tụi em ai cũng quý mến chú Hai và quyết tâm học thật tốt để không phụ sự giúp đỡ của chú”, Quốc Thái nói.
30 năm gắn bó với công tác khuyến học, niềm vui lớn nhất của ông Hai Quang có lẽ là khi nghe thấy những học sinh mình từng giúp đỡ, hỗ trợ không bỏ học, có tiến bộ trong học tập, khi ra trường trở thành người thành đạt trong xã hội. Ông Quang kể, có một lần ông đi ngoài tỉnh thăm bà con thì có một người trông vẻ ngoài thành đạt đến chào hỏi ông. Hỏi ra mới biết người này vốn là học sinh tại xã Thới Bình, từng nhận sự hỗ trợ từ ông.
“Tôi không thể nào nhớ hết mình từng giúp đỡ, hỗ trợ bao nhiêu em học sinh. Đứa nào nhớ đến mình thì mình mừng, đứa nào không nhớ cũng không sao. Miễn các em sống tốt, trở thành người có ích cho xã hội là vui rồi”, ông Quang tâm sự và nói thêm có rất nhiều học sinh được ông giúp đỡ, sau khi thành đạt kết nối lại, thường xuyên đóng góp, hỗ trợ học bổng, tập sách cho thế hệ học sinh khó khăn kế tiếp. “Mọi sự ủng hộ, đóng góp cho học sinh nghèo dù ít hay nhiều đều vô cùng trân quý”, “già làng khuyến học” tâm niệm.
Ông Hai Quang trải lòng: Trước đây, tôi làm ở trường không lương, giờ lên xã làm không lương cũng chẳng sao, nhưng lên xã tôi có thể vận động hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều học sinh hơn. Nghĩ thế nên tôi nhận lời làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã. Thời điểm này điều kiện công tác mặc dù khá hơn trước nhưng vẫn còn khó khăn. Hằng ngày tôi vẫn phải đi vỏ lãi đến tận nhà học sinh xác minh hoàn cảnh từng em. Có ngày đi 2 - 3 ấp, từ sáng đến chiều mới về nhà, công việc cứ bỏ ở nhà cho vợ con. Làm không tiền, nhiều khi còn bỏ tiền nhà ra, tất cả cũng vì tương lai các em.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-lang-khuyen-hoc-dat-ca-mau-post711893.html