Air Asia tái cơ cấu mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng

Hãng hàng không giá rẻ Malaysia, Air Asia, đang tiến hành tái cơ cấu lớn do công ty mẹ Capital A dẫn đầu nhằm lấy lại động lực sau đại dịch COVID-19.

Máy bay của hãng hàng không AirAsia. Ảnh: Reuters

Máy bay của hãng hàng không AirAsia. Ảnh: Reuters

Trước đó vào tháng 4/2024, việc tái cơ cấu hãng hàng không khu vực này đã được công bố nhằm củng cố các thương hiệu đường bay ngắn và đường dài, tìm kiếm hoạt động hiệu quả hơn khi tập đoàn này phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng.

Theo kế hoạch, Capital A thoái vốn 100% cổ phần tại hai công ty con bay chặng ngắn cho một công ty mới, Tập đoàn Air Asia, với giá 1,4 tỷ USD. Capital A nhận cổ phần của Tập đoàn Air Asia, giữ lại quyền sở hữu trực tiếp 18,39% trong công ty mới.

Công ty mới cũng sẽ nắm giữ cổ phần của Air Asia X, một công ty của Air Asia cung cấp các dịch vụ đường dài và kế nhiệm việc niêm yết của Air Asia X trên sàn giao dịch chứng khoán địa phương.

Theo Giám đốc Điều hành Capital A, Tony Fernandes, việc thoái vốn này là cơ hội và có tính nhạy cảm về thời gian để nâng hoạt động kinh doanh hàng không của hãng lên tầm cao mới. Ông Fernandes nhấn mạnh rằng việc tái cơ cấu sẽ thúc đẩy tăng trưởng trên các lĩnh vực kinh doanh phi hàng không của Capital A như dịch vụ kỹ thuật số và logistics. Các đề xuất dự kiến sẽ được hoàn thành vào quý III/2024.

Ra đời vào những năm 1990, Air Asia đã trở thành một trong những hãng hàng không giá rẻ nổi bật nhất Đông Nam Á. Hãng bay này chuyên chở hành khách khắp khu vực nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Capital A, thương hiệu đường bay ngắn Air Asia có 240 đường bay tại 22 quốc gia và đường bay dài Airasia X có 27 đường bay tại 10 quốc gia.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các hãng hàng không giá rẻ khác, như hãng hàng không VietJet của Việt Nam, đã đặt ra thách thức cho Air Asia, cũng như ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Công ty đã báo lỗ ròng 1,06 tỷ USD năm 2020.

Tháng 1/2022, thị trường chứng khoán Malaysia đã phân loại công ty là một thực thể gặp khó khăn về tài chính, có thể phải đối mặt với việc bị đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết nếu không tự cải tổ. Do đó, công ty đang trong quá trình thoát khỏi tình trạng này thông qua việc tái cơ cấu lớn.

Air Asia đổi tên thành Capital A vào năm 2022 khi đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh sang dịch vụ tiêu dùng kỹ thuật số, hậu cần và các lĩnh vực khác.

Khi đại dịch đã kết thúc, Capital A báo cáo lợi nhuận ròng hàng năm là 71,22 triệu USD, đảo ngược từ mức lỗ ròng 678, 3 triệu USD của năm trước. Phân khúc hàng không của hãng đã đóng góp 2,9 tỷ USD trong tổng doanh thu 3,14 tỷ USD nhờ hệ số tải mạnh mẽ và thu nhập phụ trợ tăng lên.

Theo Giám đốc Điều hành Capital A, việc kết hợp các hoạt động kinh doanh hàng không thành một thực thể sẽ giúp tập đoàn tiết kiệm chi phí trong các hợp đồng kỹ thuật và xử lý mặt đất, cho phép công ty có khả năng cung cấp mức giá cạnh tranh hơn cho khách hàng. Ông cho biết thêm rằng thực thể kết hợp cũng sẽ được hưởng hồ sơ tín dụng được củng cố, cho phép đảm bảo các điều khoản tốt hơn từ người cho vay và nhà cung cấp.

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm MIDF Research của Malaysia cho biết đề xuất tái cơ cấu sẽ tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Các động lực chính cho sự tăng trưởng tiềm năng có thể liên quan đến việc nhanh chóng khôi phục mạng lưới chuyến bay của hãng và năng lực về mức trước đại dịch.

Samuel Yin, Phó Giám đốc tại Ngân hàng Đầu tư Maybank Malaysia, dự đoán quý II năm nay, tập đoàn hàng không này sẽ vận hành tất cả các máy bay mà họ đang sở hữu. Với điều kiện giá dầu vẫn ổn định, triển vọng của tập đoàn vẫn lạc quan bất chấp những căng thẳng địa chính trị gần đây như cuộc xung đột Israel-Hamas.

Ông Yin cũng nhấn mạnh về những lợi ích tiềm năng của đội bay mới của Air Asia. Ông cho biết, mẫu A320neo với sức chứa lớn hơn từ 230-240 chỗ sẽ giúp giảm 15- 25% chi phí trên mỗi km số ghế sẵn có, trong khi A321XLR thân hẹp có khả năng thực hiện các chuyến bay đường dài, hứa hẹn đạt được hiệu quả đáng kể, đặc biệt là trên các tuyến như Kuala Lumpur (Malaysia) đến Melbourne, Australia.

Trong thời gian di chuyển cao điểm, những chiếc máy bay này có thể duy trì hệ số tải cao hơn, giảm chi phí vận hành liên quan đến việc bay những chuyến chỉ có 50% ghế.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo tổng số hành khách tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 17,2% trong năm 2024, nhanh hơn mức tăng 10,4% trên toàn thế giới. IATA cũng dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,3% cho khu vực trong vòng 20 năm đến năm 2043.

Theo Air Asia, trong vòng 5 năm tới hãng có kế hoạch tận dụng đội bay mở rộng để kết nối Đông Nam Á với châu Âu, châu Phi, Trung Á và Bắc Mỹ. Hãng đã công bố đường bay đầu tiên đến Kazakhstan vào tháng 3 năm nay như một phần trong kế hoạch mở rộng sang Trung Á với 4 chuyến/tuần.

Giám đốc Điều hành Capital A cho biết thêm rằng Air Asia đang nuôi kỳ vọng sẽ vươn tới mọi châu lục sau 5 năm nữa nhằm kết nối ASEAN với thế giới. Ông nhấn mạnh rằng đây là giai đoạn tiếp theo trong hành trình 20 năm của thương hiệu Air Asia và sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

An Nguyễn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/air-asia-tai-co-cau-manh-me-de-thuc-day-tang-truong/337650.html