Cơ quan công sở xây trụ sở mới phải có thiết kế mái nhà cho điện mặt trời

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với trụ sở cơ quan công sở được xây dựng mới phải có thiết kế mái nhà cho điện mặt trời.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 24/6/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Thông báo nêu rõ: Việc xây dựng hai nghị định này có ý nghĩa quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, huy động được người dân và các doanh nghiệp tham gia.

Trong quá trình hoàn thiện hai nghị định nêu trên, Bộ Công Thương cần bổ sung một số nội dung.

Cụ thể, đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, cần thể chế hóa trách nhiệm của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống điện khi thực hiện giao dịch mua - bán qua lưới điện quốc gia giữa khách hàng và đơn vị sản xuất điện năng lượng tái tạo.

Đồng thời, theo dõi, cập nhật, công bố, công khai minh bạch số liệu cụ thể về khả năng truyền tải, hấp thụ sản lượng điện năng lượng tái tạo của từng khu vực.

Từ đó, đề xuất điều chỉnh kịp thời quy hoạch điện trên cơ sở dự báo cung cầu, khi khả năng về công nghệ cho phép chuyển đổi năng lượng xanh nhanh hơn, đáp ứng theo vùng phụ tải và hạ tầng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và các nhà đầu tư được huy động tham gia thị trường điện, trên cơ sở theo quy định của pháp luật về quy hoạch để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống điện và phù hợp với xu thế cam kết của Việt Nam về việc phát thải CO2, nhu cầu và tiến bộ của khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định, công bố sản lượng điện năng lượng tái tạo tiêu thụ của từng khách hàng, làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp; có chế tài cảnh báo, xử lý những vi phạm liên quan đến mua bán điện trực tiếp như đăng ký, cập nhật số liệu, đấu nối... và thanh tra, kiểm tra theo cơ chế hậu kiểm.

Trụ sở công sở xây dựng mới phải có thiết kế mái nhà cho điện mặt trời. Ảnh: EVN

Trụ sở công sở xây dựng mới phải có thiết kế mái nhà cho điện mặt trời. Ảnh: EVN

Ngoài ra, cần nghiên cứu và tính toán để hệ thống điện đảm bảo việc hấp thụ sản lượng điện năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng nhà máy theo Quy hoạch điện VIII.

Đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, cần làm rõ về khái niệm tự sản, tự tiêu theo hướng sản xuất ra cơ bản để dùng, đối với lượng điện dư thừa nếu có lắp đặt pin lưu trữ, tích điện thì EVN sẽ nghiên cứu đề xuất mua điện với giá điện hợp lý, đặc biệt là giá mua điện vào giờ cao điểm; trường hợp không có pin lưu trữ điện, EVN sẽ mua với giá thấp nhất trên thị trường điện mà EVN mua của các hộ bán điện khác. Lượng điện dư thừa mà EVN mua lại thì có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN.

Thêm vào đó, phải nghiên cứu, tính toán giá điện hai thành phần: giá điện khi không có mặt trời, vào giờ cao điểm thì phải khác giá điện vào thời điểm có nắng to hay mức giá đối với trường hợp có thiết bị, pin lưu trữ điện khác với trường hợp không có lưu trữ điện năng để bảo đảm công bằng cũng như khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, hệ thống điện thông minh.

Đồng thời, nghiên cứu giải pháp sử dụng Zero export tùy từng đối tượng và công suất đặt của hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: phương án phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà được tính toán để hài hòa giữa các loại hình nguồn điện đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đưa ra các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn...

Trong nghị định này, cần thể hiện rõ cơ chế khuyến khích theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục như: xây dựng bộ hồ sơ mẫu quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về quản lý nhà nước trong việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái nhà; quy định rõ quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết của từng lĩnh vực có liên quan,... tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, các công trình xây dựng có sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời tránh các hành vi trục lợi, tiêu cực nhất là các khu, cụm công nghiệp.

Hơn nữa, cần ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay. Theo đó, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, trong đó có lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng thì cần có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với trụ sở cơ quan công sở được xây dựng mới phải có thiết kế mái nhà cho điện mặt trời.

Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ để xây dựng hai nghị định trên theo đúng quy định.

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-quan-cong-so-xay-tru-so-moi-phai-co-thiet-ke-mai-nha-cho-dien-mat-troi-2295203.html