AirAsia tiên phong khai thác mảng taxi bay nội đô ở ASEAN
Capital A, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Malaysia AirAsia, đang có kế hoạch đưa taxi bay vào phục vụ giao thông ở Đông Nam Á. Đây cũng là một bước tiến mới của Capital A trong việc chuyển đổi thương hiệu của tập đoàn.
AirAsia đổi tên thành Capital A, gọi vốn cho các hoạt động mới
AirAsia chen chân vào thị trường gọi xe công nghệ của Grab và Gojek
Ling Liong Tien, Giám đốc an toàn của AirAsia, cho biết: “Urban Air Mobility – đi lại trên không trong phạm vi nội đô – là khái niệm hoàn toàn mới. Do đó, trọng tâm của chúng tôi là hình thành và tạo điều kiện cho một hệ sinh thái cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai”.
Thị trường hoàn toàn mới
Các chuyến taxi bay của AirAsia dự kiến sẽ hoạt động tại Kuala Lumpur vào năm 2025, giảm thời gian đi lại từ trung tâm thành phố đến sân bay quốc tế từ 60 phút xuống còn 17 phút so với xe hơi. Ảnh: Capital A
Trong tháng 2 vừa rồi, tập đoàn hàng không AirAsia đã ký một biên bản ghi nhớ để thuê ít nhất 100 máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện (eVTOL) hiệu VX4 từ hãng cho thuê máy bay Avolon có trụ sở tại Ireland. Trong khi đó, Avolon lại đặt hàng VX4 từ nhà phát triển Vertical Aerospace của Anh.
Liên doanh ba bên sẽ có cuộc họp đầu tiên trong tháng 4 này tại Kuala Lumpur, với mục tiêu cung cấp cho thị trường loại xe bay VX4 vào năm 2025.
Để khởi động hoạt động kinh doanh, taxi hàng không sẽ cần chứng chỉ loại máy bay, cùng với các quy tắc hàng không chuyên dụng và cơ sở hạ tầng để hạ cánh, cất cánh và bãi đậu xe. Vertical Aerospace đang trong quá trình lấy chứng nhận loại máy bay này ở châu Âu. Công ty cũng có kế hoạch bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm ngay trong tháng này.
Tại Singapore, chính phủ đã thành lập một trung tâm di chuyển hàng không tại Công viên Hàng không Vũ trụ Seletar để thử nghiệm taxi bay.
Theo mô hình của AirAsia, tuyến bay sẽ là đường nối giữa trung tâm Kuala Lumpur và sân bay quốc tế KLIA, giúp giảm thời gian di chuyển bằng xe hơi từ một tiếng xuống chỉ còn 17 phút. Giá vé dự kiến sẽ thấp hơn 50 đô la một khách nếu cùng đi chung taxi bay.
Hiện sức chứa của mỗi máy bay eVTOL tối đa là 4-6 người. Các hãng sản xuất tại Mỹ đang thử nghiệm các loại eVTOL có thể chở đến 40-60 khách hay gần 5 tấn hàng hóa từ Los Angeles đến San Francisco, tức hành trình dài trên 610 cây số mà nếu chạy xe trên cao tốc thì mất khoảng 6 tiếng.
Tại thị trường Mỹ, American Airlines đã đầu tư vào Vertical Aerospace. Trong khi đó, hãng Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản đã ký một thỏa thuận mua hoặc thuê 50-100 eVTOL từ Avolon. Riêng ANA Holdings – tập đoàn mẹ của hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) – cũng đang kết hợp với startup Joby Aviation của Mỹ trong việc nghiên cứu và chế tạo xe bay. Cả JAL và ANA đều đặt mục tiêu đưa xe bay vào khai thác ở Tokyo và Osaka trong năm 2025.
Nhật Bản và Mỹ đều đang trong quá trình soạn thảo các quy định cho taxi hàng không. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đang bắt kịp cuộc chơi taxi hàng không khi nhu cầu về dịch vụ này có thể tăng cao trong các đô thị đông đúc luôn bị tắc nghẽn lưu thông.
Tham vọng dẫn dắt thị trường taxi bay ASEAN
Theo hãng tư vấn Roland Berger có trụ sở tại Munich, đến năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 161.000 taxi bay. Riêng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 51%. AirAsia dường như là hãng hàng không lớn đầu tiên trong khối ASEAN nhảy vào lĩnh vực taxi bay.
“Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng rằng VX4 sẽ bay khắp Đông Nam Á. Chúng tôi đã làm cho ASEAN trở nên nhỏ hơn với máy bay Airbus A320. Chúng tôi thậm chí còn đi sâu vào địa phương hơn với sự ra đời của VX4”, CEO Capital A Tony Fernandes cho biết.
AirAsia đã dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh hàng không giá rẻ của khu vực, bao gồm các hãng con tại Thái Lan và Indonesia. Tập đoàn sẽ sử dụng mạng lưới này để mở rộng hoạt động kinh doanh taxi hàng không trên khắp Đông Nam Á. Nhưng bên cạnh chứng chỉ an toàn và cơ sở hạ tầng, AirAsia còn phải vật lộn với các khó khăn tài chính. Đây là thách thức đáng kể cho chiến lược phát triển của AirAsia và Capital A.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng hàng không giá rẻ Đông Nam Á đã khiến thu nhập trong ngành giảm xuống mức thấp trước thảm họa đại dịch. AirAsia đã lỗ ròng trong ba năm liên tiếp đến năm 2021. Tập đoàn chuyển sang cơ cấu công ty mẹ được đổi tên thành Capital A vào tháng 1 vừa rồi.
Lỗ ròng đến 6 tỉ ringgit (1,4 tỉ đô la) khiến tập đoàn có nguy cơ tự động bị hủy hiêm yết. CEO Tony Fernandes dự báo tập đoàn sẽ tồn tại qua năm tài chính này và có khả năng sinh lời trở lại vào năm 2023.
Capital A đã có thể vay được 500 triệu ringgit với sự hậu thuẫn của chính phủ, nhưng kế hoạch này đã bị cơ quan tài chính quốc gia Danajamin Nasional của Malaysia từ chối vào tháng trước. Cơ quan này nói Capital A đã không thể đáp ứng các điều kiện để được cấp vốn, trong đó có bảo lãnh cho khoản vay của ông Fernandes. Hiện tập đoàn đang tìm kiếm nguồn tài chính từ một ngân hàng khác.
AirAsia đổi tên thành Capital A để phản ánh quyết tâm chuyển đổi thành một tập đoàn đa ngành công nghệ số và theo đổi mục tiêu tăng trưởng mới thông qua danh mục đầu tư rộng lớn gồm các công ty con chuyên về công nghệ.
Cánh tay kỹ thuật số đang nhanh chóng mở rộng. Năm 2020, tập đoàn bắt đầu kinh doanh giao bữa ăn, sau đó ra mắt dịch vụ gọi xe vào năm ngoái. Các hoạt động thương mại điện tử và hậu cần cũng đang mở rộng quy mô và Capital A đang thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái (drone).
Capital A đã hình thành siêu ứng dụng với đầy đủ các dịch vụ của tập đoàn trên cùng một nền tảng. Đặt chỗ và thanh toán taxi hàng không sẽ được tích hợp vào nền tảng này.
Cuộc khủng hoảng vốn sẽ hạn chế khả năng mở rộng thị phần và khả năng kiếm tiền của Capital A trong lĩnh vực dịch vụ gọi xe – chiến trường cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các gã khổng lồ như Grab và GoTo cùng vô số các hãng nhỏ. Nhưng ngành kinh doanh taxi hàng không hiện là một thị trường chưa ai khai phá, mang lại mảnh đất màu mỡ cho Capital A và AirAsia phát triển.
Ricky Hồ