Airbus kỳ vọng 'kiếm bộn' từ thị trường châu Á-Thái Bình Dương

Theo Airbus, các hãng hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 17.620 máy bay mới để chuyên chở hành khách và hàng hóa trong vòng 20 năm tới.

Airbus cho biết muốn tăng số lượng máy bay của mình lên 100% vào năm 2030 và hiện thực hóa việc sản xuất máy bay không phát thải.. (Nguồn: stuff)

Airbus cho biết muốn tăng số lượng máy bay của mình lên 100% vào năm 2030 và hiện thực hóa việc sản xuất máy bay không phát thải.. (Nguồn: stuff)

Ông Fabrice Espinosa, Trưởng đại diện tại Hàn Quốc của nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus, dự báo lượng đơn đặt hàng máy bay mới của Hàn Quốc và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác sẽ tăng mạnh trong hai thập kỷ tới khi nhu cầu chở hàng và vận tải hành khách phục hồi sau khi sụt giảm vì đại dịch Covid-19.

Ông Espinosa cho biết thêm các hãng hàng không trong khu vực có thể sẽ vượt xa các đối tác ở các lĩnh vực khác về số lượng đơn đặt hàng, trước những dấu hiệu phục hồi lưu lượng hành khách gần đây.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Yonhap, ông Espinosa nhấn mạnh các hãng hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần khoảng 17.620 máy bay mới để chuyên chở hành khách và hàng hóa trong vòng 20 năm tới.

Con số này chiếm tới 45% dự báo nhu cầu máy bay trên toàn cầu là 39.000 chiếc mới theo đơn đặt hàng được giao đến năm 2040.

Dự báo này được đưa ra dựa trên ước tính mức tăng trưởng trung bình về lưu lượng hành khách của khu vực là 5,3%/năm, cao hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Bên cạnh sự phục hồi về lưu lượng hành khách, sự bùng nổ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trên toàn cầu sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tổng thể về máy bay mới.

Mặc dù không tiết lộ thông tin chi tiết về các hợp đồng thường xuyên với các khách hàng truyền thống, ông Espinosa cho rằng mô hình tiêu dùng đã thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây, làm tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhanh chóng bằng đường hàng không.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường chủ chốt của Airbus, chiếm tới 1/3 doanh thu của hãng. Airbus đã chứng kiến doanh số bán đạt 59,4 tỷ USD trong năm 2021, tăng 4% so với năm 2020.

Hàn Quốc là một trong năm nhà cung cấp thiết bị hàng đầu của Airbus. Các công ty cấp 1 của Hàn Quốc cung cấp linh kiện cho Airbus có thể kể đến là công ty hàng không vũ trụ KAL-ASD của Korean Air Lines Co và nhà sản xuất máy bay duy nhất của nước này Korea Aerospace Industries Co.

Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Korean Air và hàng không Asiana Airlines Inc lại là khách hàng lớn của Airbus.

Năm 2015, Korean Air đã đặt hàng 30 máy bay chở khách A321neo, với kế hoạch giao hàng ban đầu là vào năm 2019. Nhưng đại dịch đã khiến đơn hàng này bị trì hoãn hai năm. Asiana đã đặt Airbus 30 chiếc A350 và 25 chiếc A321neo. Dự kiến việc giao hàng sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Năm nay, Airbus nhận thấy thị trường tiếp tục phục hồi ở hầu hết các khu vực và dự kiến cung cấp 720 máy bay chở khách và hàng hóa trên toàn cầu, tăng so với 611 chiếc của hãng vào năm ngoái.

Tuy nhiên, theo ông Espinosa, sự phục hồi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn kém các thị trường quan trọng khác, như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông, do các biện pháp kiểm soát biên giới và kiểm dịch nghiêm ngặt mới chỉ được dỡ bỏ một phần.

Đề cập đến chiến lược dài hạn, chuyên gia của Airbus cho biết hãng đặt mục tiêu đưa ngành hàng không chuyển sang giai đoạn trung hòa carbon với động lực tăng trưởng mới.

Airbus bắt đầu bằng việc thay thế những máy bay cũ bằng các máy bay mới nhất giúp tiết kiệm nhiên liệu lên đến 25%. Hãng cho biết bước tiếp theo sẽ là tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), nhằm giảm lượng khí thải lên tới 80%.

SAF không được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch mà còn từ các phế phẩm và vật liệu thân thiện với môi trường. Nhiên liệu này có thể được pha trộn với nhiên liệu máy bay để giảm lượng khí thải carbon.

Trong tuần cuối cùng của tháng Hai, Korean Air cho biết sẽ sử dụng SAF trên chặng Incheon-Paris, mặc dù hãng không đưa ra khung thời gian cố định.

Airbus cho biết muốn tăng số lượng máy bay lên 100% vào năm 2030 và hiện thực hóa việc sản xuất máy bay không phát thải.

(theo Yonhap)

Khánh Vân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/airbus-ky-vong-kiem-bon-tu-thi-truong-chau-a-thai-binh-duong-175571.html