Akira Nishino - đẳng cấp nhưng lỗi thời, hoàng kim đã ở phía sau
Kiên định nhưng bảo thủ, đẳng cấp nhưng cũ kỹ, không có trợ lý đủ tốt ở bên, thất bại của HLV Akira Nishino và U23 Thái Lan trước Australia không phải bất ngờ lớn.
Khi Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) mời Akira Nishino về làm HLV trưởng hai đội tuyển quốc gia hồi giữa năm 2019, họ đã hỏi HLV người Nhật Bản có cần mời thêm trợ lý đồng hương về không. Ông Nishino bảo không cần. Sau 3 giải đấu đã qua cùng tuyển quốc gia và U23 Thái Lan, ê kíp của ông Nishino vẫn không có trợ lý nào từ Nhật Bản và luôn duy trì nhân sự ở khoảng 10 người.
Cách xây dựng ban huấn luyện của HLV Nishino đi ngược 2 xu hướng của bóng đá thế giới hiện tại.
Đẳng cấp nhưng cũ kỹ
Thứ nhất, ban huấn luyện của Nishino không có đồng hương người Nhật Bản. Các HLV Thái Lan như Totchtawan Sripan, Anurak Srikerd hay Issara Sritaro đều không có đẳng cấp tương đồng với Nishino, nghĩa là không đủ khả năng phản biện, khó tạo ra tranh luận trong nội bộ đội tuyển.
Thứ hai, ban huấn luyện của Nishino chỉ có 10 người, bằng một nửa ban huấn luyện của các đội tuyển lớn ở châu Á như Iran, Hàn Quốc và kém xa thế giới. Ê kíp ấy có ít người làm chuyên môn, không sở hữu đội ngũ phân tích dữ liệu đủ mạnh.
Cách xây dựng ấy nói lên nhiều điều về con người Akira Nishino. Sinh năm 1955, theo nghề huấn luyện đã gần 30 năm, ông Nishino mang nhiều đặc điểm của lớp HLV kỳ cựu, giàu kinh nghiệm nhưng thiếu cập nhật, chuẩn bị tốt nhưng ứng biến tồi. Dù đẳng cấp khác nhau, ông Nishino có cùng kiểu huấn luyện với Alex Ferguson hay Carlo Ancelotti, là mẫu chiến lược gia làm việc dựa nhiều vào kinh nghiệm, đề cao các yếu tố tinh thần, tin vào đánh giá cá nhân hơn các thông số máy móc.
Sự nghiệp huy hoàng của Nishino ở Nhật Bản, đẳng cấp đã được chứng minh ở châu Á khiến ông không cần thay đổi những điều đó khi tới Thái Lan. Trong nhóm HLV hàng đầu châu lục, ông Nishino là người hiếm hoi không nói được tiếng Anh.
Xu hướng làm việc độc lập, sự kiên định có phần bảo thủ của ông Nishino là điều ta từng thấy ở cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Toshiya Miura, người cũng rất cứng rắn với các quyết định cá nhân và không có trợ lý chuyên môn đồng hương.
Đó có lẽ là khác biệt lớn của ông Nishino với thầy Park, người luôn có Lee Young-jin đi bên cạnh. So với các trợ lý Thái Lan, ông Lee đã hai lần dự World Cup, có xấp xỉ năm chục trận cho tuyển Hàn Quốc, từng dẫn dắt nhiều CLB K.League và có thừa đẳng cấp để lên tiếng.
Sự cũ kỹ của ông Nishino dường như không còn phù hợp với guồng quay khắc nghiệt của bóng đá hiện đại. Sau khi chia tay Vissel Kobe hồi năm 2012, ông Nishino bắt đầu có những quãng thời gian dài thất nghiệp ở J.League trước khi chuyển hẳn lên Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản làm Giám đốc kỹ thuật, vị trí mà nhiều HLV coi là điểm cuối của sự nghiệp.
HLV kỳ cựu này cũng không có thêm danh hiệu lớn nào suốt từ năm 2009 tới nay. Vinh quang của ông, đỉnh cao của ông đều đã nằm lại ở thập niên đầu tiên thế kỷ XX.
Đó có lẽ là lý do tuyển Nhật Bản không giữ Akira Nishino ở lại bất chấp thành tích ấn tượng tại World Cup 2018.
Tài năng nhưng khinh địch, chuẩn bị tốt nhưng ứng biến tồi
Khi tuyển Thái Lan hạ UAE tại vòng loại World Cup 2022 hồi tháng 10, ông Nishino đã bước vào phòng họp báo với khuôn mặt tươi cười và câu hỏi cao ngạo. Ông hỏi: “Đây có phải điều các bạn mong muốn không?”
Ngay trận kế tiếp, Thái Lan của ông bị Malaysia hạ đo ván và giờ đứng trước nguy cơ không vào được vòng loại cuối. Đó không phải là lần đầu tiên trong sự nghiệp, ông Nishino “cười người hôm trước, hôm sau người cười”.
Ở World Cup 2018, tuyển Nhật Bản của ông dẫn 2 bàn trước đội Bỉ lừng danh trước khi thua ngược 2-3. Tại SEA Games 30, U22 Thái Lan dẫn Việt Nam 2 bàn nhưng cũng bị cầm hòa 2-2. Trận mới nhất với U23 Australia, các học trò của ông Nishino dẫn bàn trước rồi thua ngược 1-2.
Điểm chung trong cả 3 thất bại ấy là sự tự tin cao độ, đồng bộ từ ban huấn luyện tới các cầu thủ. Chiến thắng tới sớm tạo ra sự khinh địch nơi ông Nishino và các học trò. Cụ thể ở trận gặp U23 Australia, đội hình trung bình của U23 Thái Lan đã lùi hẳn lại trong hiệp hai. Ông Nishino có lẽ nghĩ rằng từng ấy là đủ, có lẽ tin rằng người Australia không thể tạo thêm bất ngờ, có lẽ đã quá coi thường đối thủ.
Các học trò của ông cũng vậy. Ít nhất 2 lần trong trận, họ có tình huống tấn công ngon ăn nhưng đều chọn cách dứt điểm... từ giữa sân khi phát hiện thủ môn U23 Australia dâng cao. Sau cả hai tình huống, cầu thủ Thái Lan đều quay lại, cười thật tươi. Họ không chịu chắt chiu nên đội Thái sút 10 lần nhưng chỉ 3 quả trúng đích. Con số tương tự của Australia là sút 11, vào khung thành 5 lần. Tự tin quá, người Thái sớm nhận đòn “hồi mã thương”.
Sau khi Suphanat Mueanta và Supachai Jaided đều rời sân trước phút 65 vì chấn thương, U23 Thái Lan đã mất đi khả năng uy hiếp khung thành người Australia. Đó là lúc bàn thắng quyết định xuất hiện.
Cả hai pha lập công của U23 Australia đều được thực hiện khá dễ dàng. Đó không phải những tình huống mười mươi mà đều diễn ra khi U23 Australia có ít người hơn đối thủ. Cả hai tình huống, hậu vệ Thái Lan đều thờ ơ đến kỳ lạ, để vài cầu thủ U23 Australia phối hợp như chỗ không người trước khi lẻn xuống ghi bàn.
Đó cũng là điều dễ hiểu thôi nếu nhìn vào băng huấn luyện của đội tuyển Thái. Ông Nishino luôn tỏ ra mình là một HLV có năng lực chuẩn bị cực tốt. Tuy nhiên, khả năng ứng biến của ông là hạn chế. Lúc thuyền trưởng bế tắc, ban huấn luyện U23 Thái Lan không có tiếng nói nào đủ mạnh để thay thế người đứng đầu.
Thất bại trước U23 Australia đẩy Thái Lan vào tình thế khó khăn. Họ cần không thua trước đối thủ mạnh U23 Iraq nếu muốn có vé đi tiếp.
Tuy nhiên, trước hết, họ cần biết mình, biết người hơn.