Al-Qaeda tung video ghi hình nhân viên Liên hợp quốc bị bắt cóc tại Yemen
Ngày 3/9, video ghi lại hình ảnh ông Akam Sofyol Anam - Giám đốc Văn phòng An ninh và an toàn của Liên hợp quốc tại Yemen đã xuất hiện trên mạng. Điều đáng chú ý là ông Anam cùng 4 đồng nghiệp khác đã bị bắt cóc vào ngày 11/2 vừa qua.
Theo Nhóm tình báo SITE - tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên theo dõi các hoạt động thánh chiến cực đoan, AQAP - 1 nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Yemen - đã tung ra video, được cho là ghi hình vào ngày 9/8.
Trong đoạn video, ông Anam mang quốc tịch Bangladesh (theo SITE) cho biết, ông đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, cần được hỗ trợ về y tế và nhập viện điều trị.
Ông kêu gọi Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân đạo đáp ứng những yêu sách của nhóm người bắt cóc, tuy nhiên, lại không nêu rõ chi tiết yêu sách đó.
Vào thời điểm tháng 2, người phát ngôn Liên hợp quốc Eri Kaneko đã xác nhận 5 nhân viên của tổ chức này đã bị bắt cóc tại tỉnh Abyan, miền nam Yemen.
Người phát ngôn khẳng định Liên hợp quốc vẫn luôn duy trì liên lạc với giới chức địa phương để giải cứu sau khi nhóm này bị bắt cóc.
AQAP thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu như quân chính phủ ở Yemen cũng như người nước ngoài.
Lực lượng này bị cáo buộc âm mưu thực hiện các vụ tấn công bên ngoài khu vực Trung Đông, và các thủ lĩnh của tổ chức này đã trở thành mục tiêu các vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ trong hơn 20 năm qua.
Yemen rơi vào tình trạng nội chiến kể từ năm 2014, khi lực lượng phiến quân Houthi chiếm giữ một số tỉnh ở miền bắc nước này, buộc chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận phải rời khỏi thủ đô Sanaa.
Cuộc chiến đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, 4 triệu người bị ly tán và đẩy đất nước đến bờ vực nạn đói.
Năm 2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi.
Hiện, các bên tham chiến của Yemen đã tuân thủ lệnh ngừng bắn kể từ tháng 4, giúp giảm đáng kể các hành động thù địch, mặc dù các cuộc giao tranh quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn.