Alain Delon kẻ đào hoa đơn độc

Ngày 18/8, tài tử điện ảnh Pháp Alain Delon đã qua đời ở tuổi 89 tại nhà riêng ở Douchy, vùng Val de Loire (Pháp). Alain Delon là một trong những diễn viên châu Âu hàng đầu nửa sau thế kỷ XX, từng hợp tác các đạo diễn gạo cội như Jean-Pierre Melville, René Clément và Jacques Deray.

Với khán giả điện ảnh Việt Nam, Alain Delon cũng không xa lạ, bởi những năm 70, giới trẻ Sài Gòn từng có câu ví von: “Đẹp trai như Alain Delon”…

Từ kẻ vô kỷ luật thành ngôi sao điện ảnh Pháp

Alain Delon sinh ngày 8/11/1935 tại Sceaux, một xã nhỏ ở vùng ngoại ô Paris, Pháp. Khi Delon mới 4 tuổi, bố mẹ ông ly hôn nên đứa trẻ sống với bố mẹ nuôi tại Fresnes rồi được gửi vào một trường dòng. Năm lên 10, Alain Delon trở về sống với mẹ nhưng lang thang giữa nhà mẹ và nhà bố vì chẳng ai có thời gian quan tâm đến cậu bé. Vì thế, năm 17 tuổi, để thoát khỏi cảnh bị bỏ rơi, nên dù chưa đủ tuổi thành niên, Delon tình nguyện gia nhập hải quân.

Alain Delon trong phim “Le Samourai”.

Alain Delon trong phim “Le Samourai”.

Ngày 23/1/1953, Delon lên đường đến Đông Dương, được giao nhiệm vụ canh kho vũ khí. Tuy nhiên, môi trường kỷ luật của quân đội có vẻ không phù hợp với gã trai đã quen với tự do vô tổ chức, vì thế mới chỉ đi lính được 3 năm, Delon bị đuổi khỏi quân đội và tống giam đúng dịp sinh nhật 20 tuổi. Năm 1956, sau khi ra tù, Delon trở về Pháp, quay lại những ngày tháng sống vất vưởng, vô gia cư khi phải sống nhờ nhà bạn ở khu phố bình dân Pigalle, ở Paris và mưu sinh với những công việc như bồi bàn, giao hàng. Dù là phải làm đủ thứ nghề tay chân để kiếm sống, nhưng Delon, lúc này 21 tuổi, trổ mã là một gã trai có vẻ đẹp lãng tử. Qua một người bạn, Delon có cơ hội gặp gỡ những người phụ nữ lớn hơn 6-7 tuổi nhưng bị mê mẩn vì vẻ đẹp phong trần của chàng trai mới ngoài 20.

Và Delon lọt vào mắt xanh của minh tinh Brigitte Auber trong một lần gặp gỡ. Brigitte rủ Delon cùng dự Liên hoan phim Cannes và đây chính là bước ngoặt đưa Delon đến với điện ảnh khi Brigitte giới thiệu chàng lãng tử với ông bầu David Selznick và trở thành diễn viên thuộc quyền quản lý của ông này. Theo yêu cầu của ông bầu, Alain đến Paris để học tiếng Anh.

Năm 1957, qua sự giới thiệu và bảo lãnh của Michèle Cordoue, vợ của đạo diễn Yves Allégret, Alain Delon được nhận vai diễn chính đầu tiên trong đời trong phim “Quand la femme s'en mêle” (Khi phụ nữ dính vào). Nhắc lại vai diễn đầu đời này, Delon từng kể rằng khi giao vai, đạo diễn Yves Allégret dặn chàng diễn viên nghiệp dư rằng: “Đừng có đóng, tôi muốn anh phải sống với nhân vật. Hãy là chính mình. Hãy nhìn như anh đang nhìn. Di chuyển như anh di chuyển. Nói như anh nói, tôi muốn nhìn thấy chính anh, đừng có nhập vai”. Chính nhờ cách hóa thân nhuần nhuyễn vào nhân vật của Delon mà bộ phim “Quand la femme s'en mêle” đã thành công hơn mong đợi. Còn Delon thì luôn nhớ bài học đầu đời ấy để áp dụng trong những vai diễn sau này.

Sự nghiệp điện ảnh của Delon nhanh chóng thành công dù ông không học chuyên môn diễn xuất. Năm 1959, Delon vào vai chính trong bộ phim “Three Murderesses”. Bộ phim thành công tại các phòng vé Pháp và được trình chiếu tại Mỹ. Năm 1960, Delon nhận tiếp vai chính Tom Ripley trong bộ phim “Purple Noon” (Trưa tím). Đây là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “The talented Mr. Ripley” của nhà văn Mỹ Patricia Highsmith. Trong phim, Delon vào vai Tom Ripley, kẻ lừa đảo tài ba có khả năng đóng giả người khác. Tom giết một doanh nhân giàu có để sống thay cuộc đời của nạn nhân. Khi bị cảnh sát truy lùng, Tom tự tử và để lại toàn bộ tài sản cho người tình…

Có một chuyện khá lý thú, đó là khi chọn diễn viên cho phim “Purple Noon”, ban đầu đạo diễn René Clément định giao cho Delon một vai người lương thiện, nhưng Delon từ chối và đòi đóng vai kẻ sát nhân. Delon kể rằng khi đó ông rất tự tin nên “không thấy quá đáng khi nói ra suy nghĩ của mình”. Bị từ chối, ban đầu đạo diễn René Clément bực bội nói “cậu nên chấp nhận những gì người ta cho cậu”.

Đúng lúc ấy, ở phía cuối phòng, có một người phụ nữ lắng nghe toàn bộ câu chuyện nhưng không nói gì, bà mới nói vọng ra: “René, anh yêu, thằng bé có lý”. Người phụ nữ ấy chính là vợ của đạo diễn René Clément. Và Delon đã vào vai Tom đạt đến mức khi bộ phim ra rạp, giới phê bình điện ảnh từng nhận xét rằng vai Tom dường như được sáng tác để giành cho Delon; còn báo New York Times có bài bình luận, trong đó nhận xét vai diễn của Delon "cảm động và thể hiện được những biểu cảm mãnh liệt".

Sau thành công vang dội với vai Tom Ripley, với cách “diễn như không diễn”, chỉ trong 5 năm, Delon đóng tới 10 phim và trở thành ngôi sao của điện ảnh Pháp khi mới 24 tuổi. Delon làm việc với những đạo diễn hàng đầu châu Âu thời đó như Luchino Visconti, Jean-Luc Godard, Jean-Pierre Melville, Michelangelo Antonioni hay Louis Malle, bởi như ông thừa nhận: “Tôi cần được làm việc và cảm thấy thoải mái với những đạo diễn thực thụ. Khi tôi làm việc với một đạo diễn có tay nghề, một đạo diễn lớn, thì tôi trở thành con người ngoan ngoãn nhất, tử tế nhất, cảm thông nhất thế giới”.

Nữ diễn viên Véronique Jannot nhận xét: “Delon có vẻ đẹp có gì đó hoang dại, không nhạt nhòa như kiểu một số người mẫu. Không phải chỉ đẹp trai, mà từng nét đều đẹp. Ánh mắt của ông ấy như có nam châm. Ông ấy đầy quyến rũ”. Còn nhà sản xuất Alain Terzian nói rằng: “Điểm đặc biệt của Delon là vẻ đẹp trai của ông ấy quyến rũ người khác, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Đó là một người vừa có nét rất nữ tính, kiểu tinh tế, khéo léo, lịch sự và bên cạnh là vẻ hoang dã”.

Vì thế, Delon đã thể hiện loạt vai diễn phong phú và đa dạng, từ những nhân vật lạnh lùng, bí ẩn đến những người đàn ông đầy cảm xúc và nội tâm phức tạp. Từ năm 1960 - 1970, Alain Delon là một trong những diễn viên hàng đầu châu Âu, được trả lương cao và là cái tên được các đạo diễn lớn thời bấy giờ săn đón. Đặc biệt, Alain Delon vươn lên một tầm cao mới khi tham gia phim “Le Samourai” (1967). Ông thủ vai Jeff Costello, một sát thủ chuyên nghiệp sống cô độc và tuân thủ nghiêm ngặt một bộ quy tắc riêng. Vai diễn này đã giúp Delon giành giải Sư tử vàng tại Venice năm 1960.

Ngoài việc đóng phim nội địa, Delon nỗ lực đột phá với các dự án tiếng Anh bằng việc tham gia phim hài “The Yellow Rolls-Royce” (1964) do Anthony Asquith đạo diễn. Ông xuất hiện trong “Lost Command” (1966), “Texas Across the River” (1966) và “Is Paris Burning?” (1966). Tuy nhiên, không có bộ phim nào đủ thành công ở Hollywood, nên Delon quyết định trở về Pháp.

Trong suốt những năm 1970, Delon tiếp tục góp mặt trong Mr. Klein - giải César cho phim hay nhất năm 1977. Phim lấy bối cảnh năm 1942, khi Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Delon vào vai nhà buôn nghệ thuật trong Thế chiến II, bị nhầm lẫn với một người Do Thái cùng tên. Năm 1985, ông giành giải César Nam chính xuất sắc, với màn hóa thân trong “Our Story” của Bertrand Blier. Năm 2008, lần cuối cùng Delon đóng phim trong bộ trong phim “Asterix at the Olympic Games”.

Với hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật thứ bảy, Delon góp mặt trong gần 90 bộ phim điện ảnh, truyền hình và được nhiều tạp chí quốc tế xếp vào nhóm những nhân vật biểu tượng của điện ảnh Pháp và thế giới. Reuters đánh giá: “Trong thời kỳ hoàng kim, Delon là diễn viên làm tan chảy trái tim của hàng triệu người hâm mộ phim ảnh, dù ông vào vai một kẻ giết người, côn đồ hay sát thủ”.

Delon nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải César dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhờ vai diễn trong "Notre histoire" (1984), giải Gấu vàng danh dự tại Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức) lần thứ 45 (1995), giải Cành cọ vàng danh dự tại Liên hoan phim Cannes, giải thưởng thành tựu trọn đời từ Marrakech và Locarno vào các năm 2003, 2012. Đặc biệt, ông được đánh giá cao với vai diễn quý tộc lịch lãm là Nam tước de Charlus là trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của Marcel Proust, “Swann In Love” (1984). Năm 2005, Delon được phong tước hiệu sĩ quan trong Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp vì những đóng góp của ông cho nền điện ảnh thế giới.

Đào hoa nhưng đơn độc

Lắm tài thường nhiều tật, Delon cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy. Vẻ ngoài điển trai của Delon mê hoặc phụ nữ khắp thế giới. Năm 1965, khi ông đến Achentina, cả sân bay Ezeiza chật cứng fan nữ. Delon từng bị coi là "biểu tượng sex" những năm tuổi trẻ.

Nổi tiếng với các vai diễn giàu sức hút, Delon cũng tai tiếng là kẻ lăng nhăng của làng giải trí Pháp. Năm 1959, Delon đính hôn với bạn diễn Romy Schneider. Hai người quen nhau khi cùng đóng phim “Christine”. Cùng thời gian đó, ông qua lại với ca sĩ người Đức Christa Peffgen và có một con riêng vào năm 1962. Khi phát hiện, Romy cố gắng hàn gắn mối quan hệ nhưng không thành. Cô hủy hôn vào năm 1963. Một năm sau, Delon kết hôn với người mẫu Nathalie Barthélemy và có một con trai cùng nhau. Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 5 năm.

Sau khi ly dị, Delon không tái hôn mà chỉ sống cùng những người tình khác. Từ năm 1968 đến 1983, ông chung sống cùng minh tinh Mireille Darc. Năm 1987, Delon bắt đầu cuộc tình với người mẫu Rosalie van Breemen và có hai con chung. Trên tạp chí Vanity Fair, Anthony - con trai của hai người - nói ông thường xuyên đánh đập vợ con.

Delon cũng vướng vào vụ án liên quan cái chết của vệ sĩ Stevan Markovic. Năm 1969, Delon cũng bị tòa án Italy kết án tù bốn tháng vì tấn công một phóng viên ảnh tại nước này.

Theo tờ Japan Times, Delon nói cuộc đời ông gắn ba điều: "Diễn xuất, làm những điều ngu dốt và nuôi con". Theo The Guardian, Alain Delon có mọi tài năng, ngoại trừ khả năng giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cuộc sống riêng của ông chứa đựng nhiều cô độc. Những năm cuối đời, sức khỏe của Delon suy giảm nghiêm trọng sau khi bị đột quỵ năm 2019 và điều này đã dẫn đến những mâu thuẫn gia đình gay gắt. Các con trai của ông, Anthony và Alain-Fabien đã cáo buộc em gái Anouchka che giấu tình trạng sức khỏe của Delon và thao túng ông. Mâu thuẫn này diễn ra sau một cuộc chiến pháp lý vào năm 2023, khi các con của Delon đệ đơn kiện Hiromi Rollin, một người bạn thân thiết của ông, với các cáo buộc về bạo lực, quấy rối và lạm dụng.

Trong thông báo, gia đình Delon cho biết ông ra đi thanh thản tại nhà riêng ở Douchy, vùng Val de Loire của Pháp, trong vòng tay của 3 người con và những người thân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã viết trên mạng xã hội X gọi ông là “người khổng lồ của nền văn hóa Pháp”, đồng thời chia sẻ: “Alain Delon đã đóng những vai diễn huyền thoại và khiến thế giới mơ ước. Ông đã mang khuôn mặt ấn tượng của mình hóa thân vào các vai diễn một thời từng mê hoặc khán giả: u sầu, nổi tiếng, bí ẩn, ông không chỉ là một ngôi sao, ông là một tượng đài của nước Pháp".

Ngọc Trang

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/alain-delon-ke-dao-hoa-don-doc-i741669/