Alan Joyce rời Qantas giữa sóng gió

Ông Alan Joyce rời bỏ vai trò giám đốc điều Qantas với tư cách là một người đàn ông cực kỳ giàu có và danh tiếng của hãng hàng không quốc gia Australia từng được nhiều người yêu mến.

Con trai người quét dọn

Joyce sinh ra và lớn lên tại Tallaght (Ireland). Mẹ ông là một người quét dọn còn cha ông làm việc trong một nhà máy thuốc lá. Joyce và 3 người em của ông đều vào đại học. Ngay từ lúc còn nhỏ, Joyce đã rất thích trở thành phi công. Song ước mơ ban đầu này của Joyce đã bị tiêu tan bởi thị lực kém và tính cách “siêu nhân” tự nhận của mình. Thay vào đó, Joyce gia nhập hãng vận tải Ireland Aer Lingus với tư cách là nhà phân tích nghiên cứu sau khi tốt nghiệp Trường Trinity College Dublin, và thừa nhận mình “nghiện mùi dầu hỏa”.

8 năm sau, Joyce gia nhập Ansett - hãng hàng không nội địa Australia - trước khi chuyển sang Qantas vào năm 2000. Ông trở thành người đứng đầu công ty con giá rẻ Jestar chỉ sau 3 năm, và 5 năm sau ông được bổ nhiệm là người kế nhiệm Geoff Dixon, làm ông chủ Qantas vào năm 2008. 15 năm nắm giữ chức vụ cao nhất của Joyce là thời gian dài làm giám đốc điều hành, và là phần thưởng cho việc ông mang lại lợi nhuận kỷ lục.

Nhưng cái giá phải trả cho những khoản lợi nhuận đó, là việc ông phải đối mặt với những người mua cổ phiếu của Qantas. Trong một cuộc tranh chấp liên minh vào năm 2011, ông đã đóng cửa toàn bộ mạng lưới của Qantas, khiến 100.000 hành khách trên toàn thế giới mắc kẹt.

Cuộc phô trương sức mạnh này của Joyce khiến Qantas tiêu tốn 50 triệu USD, trong đó có 20 triệu USD bồi thường cho những khách hàng. Nhưng con số đó chẳng là gì so với cuộc chiến giá vé máy bay với hãng hàng không Virgin Australia, đã gây thiệt hại 8,75 triệu USD mỗi ngày. Tổng cộng Qantas phải chịu khoản lỗ kỷ lục 2,8 tỷ USD trong năm 2014. Và trong thời gian diễn ra Covid, ông đã sa thải trái phép 1.700 nhân viên mặt đất, trong khi hãng hàng không này phải đóng cửa vì đại dịch.

Triều đại “tàn bạo”

Sau khi ông nghỉ hưu sớm vào 5-9, các ông chủ công đoàn đã chỉ trích triều đại “tàn bạo” của Joyce vì đã đưa giá cổ phiếu Qantas lên cao hơn hành khách và nhân viên. Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Australia Michele O'Neil cho biết: “Nhân viên Qantas từng tự hào được làm việc vì Tinh thần Australia. Nhưng Alan Joyce đã phá vỡ tinh thần đó bằng cách ưu tiên các cổ đông hơn phúc lợi của nhân viên và hành khách”. Thư ký quốc gia của Liên minh Công nhân Vận tải Michael Kaine nói thêm: “Chúng tôi có Giám đốc điều hành và đội ngũ quản lý chống lại người lao động, đồng thời đối xử “tàn bạo” với công chúng”.

Giải thích về điều này, Joyce thừa nhận cái chết của Ansett sau vụ 11-9-2001 đã dạy cho ông tầm quan trọng của việc làm bất cứ điều gì cần thiết. Ông nói: “Bạn phải có ban quản lý quyết tâm, tích cực và làm những gì cần phải làm”. Ông đã giám sát cả khoản lỗ lịch sử của công ty, nhưng cũng ghi nhận lợi nhuận đạt kỷ lục 2,5 tỷ USD trong năm nay, và sự biến động được phản ánh qua giá cổ phiếu giảm xuống mức 90 cent/cổ phiếu vào năm 2013, trước khi tăng trở lại mức 7,34 USD vào năm 2019.

Tuy nhiên, ông để lại cho người kế nhiệm Giám đốc điều hành Vanessa Hudson di sản của một đội tàu có độ tuổi trung bình 15 năm, trong đó nhiều chiếc lên đến 21 tuổi, sẽ tốn hàng tỷ USD để thay thế. Hãng hàng không này có 169 máy bay mới được đặt hàng từ nay đến năm 2030, trong đó có hơn 50 chiếc sẽ được giao vào cuối năm tới.

Người ta cũng chứng kiến ông Joyce bị lôi kéo vào một loạt tranh chấp chính trị, sau khi hãng hàng không nhận được 2,7 tỷ USD tiền hỗ trợ của người đóng thuế trong thời kỳ Covid, mà ông đã từ chối trả lại. Thời kỳ lệnh phong tỏa do Covid đã chứng kiến danh tiếng của Qantas bị hoen ố nghiêm trọng trong mắt khách hàng, khi hãng thiếu nhân viên, còn công nhân thiếu kinh nghiệm, cùng hàng loạt chuyến bay bị hủy và thất lạc hành lý.

Ngày 5-9, Hãng hàng không quốc gia Australia đã buộc ông Joyce, 57 tuổi, phải ra đi, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch cùng gói thù lao cuối cùng trị giá 24 triệu USD.

Ông Joyce cũng bị chỉ trích vì thuyết phục chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese ngăn chặn hãng Qatar Airways có thêm các hoạt động ở Australia, khiến giá vé không giảm hơn nhiều cho khách du lịch. Mối quan hệ thân thiết của ông với ông Albanese cũng bị giám sát chặt chẽ sau khi con trai của Thủ tướng là Nathan, 23 tuổi và bạn gái của Thủ tướng, Jodie Haydon, được tặng quà làm thành viên của Phòng chờ Chủ tịch Qantas danh tiếng.

Kế hoạch nghỉ hưu

Trong suốt thời gian đó, ông Joyce đã chiến đấu và chiến thắng căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Ông được chẩn đoán mắc bệnh vào năm 2011 và được cảnh báo có thể ông sẽ chết nếu chờ đợi cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ khi bước sang tuổi 50 như dự định. Nhưng thay vì coi chẩn đoán là dấu hiệu để chậm lại, ông lại coi đó là lý do để làm việc chăm chỉ hơn.

Ông nói: “Nó giúp tôi có thêm động lực, thêm niềm đam mê để làm những gì tôi cần làm. Đó là khoảnh khắc thực sự tôi đã tập trung lại. Quay trở lại với những gì chúng tôi phải làm, điều đó đã tiếp thêm cho tôi tinh thần và năng lượng”.

Alan Joyce đã vung tiền mua một biệt thự rộng lớn trị giá 19 triệu USD nhìn ra bến cảng Sydney ở Mosman vào năm ngoái. Nhưng ông và “chồng” Shane Lloyd chưa bao giờ chuyển đến trước khi bán nó vào tháng 7. Cặp đôi đồng tính này gần đây đã mua căn hộ penthouse trị giá 9,5 triệu USD tại Cove Apartments ở quận The Rocks của Sydney.

Bây giờ, cuối cùng ông có thể bắt đầu thư giãn khi nghỉ hưu. Được biết, từ năm 2007 ông đã bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc sống của mình sau khi nghỉ việc. Sau khi từ chối cơ hội trở lại Ireland với tư cách là Giám đốc điều hành của Aer Lingus, ông vẫn nuôi dưỡng mong muốn chia sẻ cuộc sống của mình giữa 2 quốc gia mà ông gọi là quê hương.

Ông cho biết: “Có lẽ khi nghỉ hưu, tôi sẽ dành 6 tháng ở Ireland và 6 tháng ở Australia mỗi năm”. Nhưng không biết liệu ông có bay bằng Qantas để đến đó không? Và liệu hành lý của ông… có đến nơi không?

Ánh Vân

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/alan-joyce-roi-qantas-giua-song-gio-post107983.html