Alexander đại đế được các vua đời sau ngưỡng mộ nhất vì điều gì?

Hoàng đế Julius Caesar của La Mã đã cẩn trọng nghiên cứu những thành tựu của Homer và Herodotus không khác gì những học giả người Hy Lạp và phải rơi lệ khi trông thấy bức tượng của Alexander Đại đế.

Văn hóa Do Thái cũng tồn tại những ý kiến trái chiều về Alexander Đại đế cũng như những giá trị của nền văn minh Hy Lạp. Người Do Thái đã đạt tới sự phồn thịnh dưới sự cai trị của Ba Tư và nhiều người trong số họ không nhìn nhận công tâm về những kẻ xâm lược Macedonia đến từ phương Bắc. Trong Kinh Thánh, sách Daniel có nhắc đến Hoàng đế Macedonia như là người cuối cùng trong hàng ngũ những người cai trị của dân ngoại:

Vương quốc thứ tư sẽ xuất hiện trên mặt đất, khác hẳn với mọi vương quốc; Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ giẫm nát và nghiền tan.

Giống như trong kinh Koran, Vua Alexander cũng xuất hiện trong Kinh Thánh với những chiếc sừng trên đầu, nhưng không phải là hai mà là mười, đại diện cho những kẻ thống trị tàn bạo thuộc triều đại Seleucid, đã tranh giành quyền kiểm soát Palestine sau khi ngài qua đời.

 Tranh mô phỏng lại câu chuyện Julius Caesar khi gặp tượng Alexander đại đế. Ảnh: Rattibha.

Tranh mô phỏng lại câu chuyện Julius Caesar khi gặp tượng Alexander đại đế. Ảnh: Rattibha.

Đáng chú ý nhất trong số đó là Antiochus IV Epiphanes, người đã tích cực truyền bá văn hóa Hy Lạp trong cộng đồng người Do Thái. Tầm nhìn này của ông đã được các nhà lãnh đạo Do Thái có sức ảnh hưởng tán thành và vui vẻ tiếp nhận việc xây dựng một sân thi đấu cùng các trường học Hy Lạp tại Jerusalem.

Những thanh niên Do Thái sẽ không mặc bất kỳ thứ gì khi tham gia các hội thi thể thao bên cạnh các chàng trai Hy Lạp dưới bóng Đền Thánh Jerusalem. Một số tỏ ra xấu hổ vì họ đã được cắt bì nên có sự khác biệt với các bạn thi đấu người Hy Lạp, họ thậm chí phải trải qua một thủ thuật đau đớn để có thể hồi phục bao quy đầu.

Đối với một nhóm thiểu số người Do Thái sùng đạo thái quá thì tất cả những chuyện này hoàn toàn là sự báng bổ. Họ đã phát động cuộc chiến chống lại Antiochus IV nhưng đã bị quân của ông đánh bại và xây nên một đồn quân sự nơi thủ phủ phía Bắc Đền Thánh. Antiochus đã đặt việc thờ phụng theo Do Thái ra ngoài vòng pháp luật và đã làm ô uế Đền Thánh, khiến ngay cả những người Do Thái ôn hòa nhất cũng nổi dậy đối đầu y.

Đứng đầu những người này là gia tộc Hasmoneus, cùng với nhóm chiến binh tập kích được gọi bằng cái tên người Maccabees, đã khai trừ những người Seleucid đáng ghét cùng với văn hóa Hy Lạp của họ ra khỏi Jerusalem và khôi phục lại việc thờ phụng trong Đền Thánh - lễ hội Hanukkah vẫn được tổ chức, còn gọi là “Lễ hội ánh sáng”1 của người Do Thái.

Thế nhưng không phải người Do Thái nào cũng chống lại những ảnh hưởng văn hóa mà Vua Alexander đã truyền bá. Tại Ai Cập, người Do Thái đổ xô đến thành phố Alexandria mới được xây dựng bên bờ Địa Trung Hải và góp phần biến nơi này trở thành đô thị vĩ đại nhất thời bấy giờ. Chỉ một trăm năm sau cái chết của Vua Alexander tại Babylon, người Do Thái ở Alexandria đã dịch kinh thánh của họ từ tiếng Do Thái (Hebrew) sang tiếng Hy Lạp vì họ đã quen thuộc với tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ của Socrates, hơn là thứ ngôn ngữ mẹ đẻ.

Kết quả là Septuagint, bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp đã trở thành phiên bản chuẩn mực cho những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp (và các Kitô hữu sau này). Thế nhưng Septuagint chỉ là một trong số rất nhiều những thành tựu đáng chú ý của nền văn minh Hy Lạp phát triển rực rỡ ở Alexandria dưới sự thúc đẩy của các vua Ai Cập thuộc dòng dõi của Ptolemy.

Thành phố Alexandria này đã trở thành trung tâm của các học giả Hy Lạp trong thế giới cổ đại, thậm chí còn vượt xa cả Athens. Người dân Hy Lạp được tuyển chọn từ khắp các vùng, cùng với người Do Thái và các công dân Ai Cập hạng hai đã hình thành nên một trung tâm đa vùng miền chưa từng có trong lịch sử.

Thư viện và bảo tàng của thành phố Alexandria trở thành cái nôi sản sinh ra nhiều nhà khoa học và học giả vĩ đại nhất thời kỳ Hy Lạp hóa. Aristarchus xứ Samos, người đầu tiên đưa ra học thuyết mặt Trời là trung tâm trong hệ và Trái đất quay trên trục của nó, là một người dân sinh sống tại Alexandria. Nhà địa lý và học giả Eratosthenes xứ Cyrene, người đã tính ra chu vi Trái đất với độ chính xác cực kỳ cao, cũng xuất thân từ đây.

Thế nhưng trong số tất cả các khu vực thừa hưởng thành tựu của Alexander Đại đế thì vùng đất thấm đượm nét văn hóa Hy Lạp nhất lại chính là nơi ngài chưa bao giờ chinh phục - La Mã. Hai trăm năm sau thời Alexander Đại đế, các quân đoàn La Mã cổ đại đã chiếm Macedonia và Hy Lạp và sáp nhập vào đế chế của họ, thế nhưng hai vùng đất này lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên những kẻ xâm lược.

Bất kỳ người Rome nào dám tự nhận mình là có học đều phải biết sử dụng thành thục tiếng Hy Lạp cũng như đắm mình trong nền triết học và văn học Hy Lạp. Không phải vì họ không nghi ngại lối sống của dân ngoại hay hoàn toàn tin tưởng vào những người Hy Lạp đang truyền bá văn hóa vào vùng đất của họ, nhưng vì sức hấp dẫn lan tỏa đến choáng ngợp của nền văn minh này khiến họ không thể cưỡng lại.

Văn hóa Hy Lạp lan rộng khắp đế chế La Mã lúc bấy giờ, từ Syria đến Anh. Hoàng đế Julius Caesar của La Mã đã cẩn trọng nghiên cứu những thành tựu của Homer và Herodotus không khác gì những học giả người Hy Lạp và phải rơi lệ khi trông thấy bức tượng của Alexander Đại đế được trưng bày trong một ngôi đền thờ ở Tây Ban Nha bên bờ Đại Tây Dương. Ông phân trần mình khóc vì những thành tựu quá nhỏ bé của mình khi ở tuổi ngang bằng với hoàng đế Macedonia năm ngài qua đời.

Hoàng đế Augustus cũng ái mộ Alexander Đại đế, chủ yếu vì tài năng chỉ huy quân sự bất khả chiến bại hơn là khả năng cai trị đế chế hiệu quả. Rất nhiều vị hoàng đế La Mã sau này đã noi theo hình mẫu của Alexander Đại đế và nỗ lực đưa quân về phương Đông mà thử sức chinh phục mặc dù sự thật là, không ai có thể bành trướng đế chế La Mã ra khỏi khu vực Lưỡng Hà.

Philip Freeman/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/alexander-dai-de-duoc-cac-vua-doi-sau-nguong-mo-nhat-vi-dieu-gi-post1543164.html