Alexandre Yersin đi bộ hơn 600 km thám hiểm Tây Nguyên
Trong hai tháng rưỡi, ông đi hơn 600 km, phần lớn thời gian là đi bộ, đôi khi ngồi trên lưng voi hoặc trên thuyền.
Chuyến thám hiểm thứ hai: Ngày 28 tháng 3 năm 1892, Yersin rời Nha Trang mà không có sự hỗ trợ chính thức từ chính quyền, chỉ đi cùng người tùy tùng và năm người Việt được tuyển dụng tại Sài Gòn bằng kinh phí của chính ông. Trong hai tháng rưỡi, ông đi hơn 600 ki lô mét, phần lớn thời gian là đi bộ, đôi khi ngồi trên lưng voi hoặc trên thuyền.
Trên đường đi, ông cẩn thận lập bản đồ các khu vực đã đến, ghi chép và chụp ảnh, và thỉnh thoảng chữa trị cho những người bị bệnh ở những buôn làng mà ông đi qua.
Vào ngày 9 tháng 6, ông đến thị trấn Stung Treng trên sông Mekong, sau đó ông đi thuyền đến Phnom Penh trước khi trở về Sài Gòn bằng đường biển. Khi đến nơi, Yersin viết một báo cáo chi tiết về chuyến đi của mình và gửi cho chính quyền thuộc địa, các hội địa lý và những nhân vật khác có khả năng tài trợ cho những chuyến thám hiểm tiếp theo.
Để đạt được mục đích của mình, vào tháng 10 năm đó, ông trở về Paris để thúc đẩy các mối quan hệ và đặc biệt là sự hỗ trợ từ những người thân cận của Pasteur, một số thành viên của phái đoàn Pavie bao gồm cả Đại úy Cupet, hoặc thậm chí các nhân vật chính trị.
Tháng 1 năm 1893, Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan chỉ thị cho Yersin khám phá xứ Thượng với mục đích thiết lập tuyến đường mới nối Sài Gòn với một cảng ven biển, bên trong đất liền, tùy thuộc vào khả năng địa hình.
Chuyến thám hiểm thứ ba: Yersin rời Sài Gòn vào ngày 24 tháng 2 năm 1893, cùng với hai cộng sự và ông Vetzel, nhân viên kiểm lâm phụ trách việc làm đường. Khi qua thị trấn Tánh Linh rộng lớn, họ được chào đón nồng nhiệt vì Yersin đề nghị tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa cho người dân - căn bệnh này khiến mọi người rất sợ hãi. Ông đã tận dụng điểm dừng chân này để thuê tám mươi phu khuân vác, tìm thêm súc vật thồ hàng và một con voi cho chuyến thám hiểm.
Nhờ những bản ghi chép rõ ràng, Yersin đã biết được sông Đồng Nai bắt nguồn từ dãy núi Lang-Bian1 chảy đến tận Sài Gòn và sẽ là một con đường huyết mạch xuyên qua vùng này.
Tiếp tục cuộc thám hiểm về phía bờ biển, trong chuyến đi này, Yersin đã đối mặt với một toán cướp đang chạy trốn khỏi thành Bình Thuận. Trong cuộc ẩu đả, Yersin bị ngọn giáo đâm trọng thương ở ngực và bị một nhát kiếm cắt đứt một phần ngón tay cái. Nhưng những người đồng hành của ông đã xoay sở để đánh đuổi bọn cướp, vài tuần sau nhóm này bị bắt gần Nha Trang; Thouk, thủ lĩnh của bọn họ bị xử trảm.
Yersin được đưa đến Phan Rang vào ngày 26 tháng 6 trên một chiếc cáng. Tại đây ông chính thức kết thúc sứ mệnh mà Toàn quyền Lanessan giao phó. Nhưng, sau ba tuần dưỡng bệnh, Yersin lại lên đường trong một chuyến đi “riêng” đến chỗ M’Siao, một thủ lĩnh người Thượng mà ông đã gặp trong chuyến đi đầu tiên.
Trong khi lưu trú ở đó, ông được mời thể hiện tài năng của mình như một sứ giả hòa bình để khôi phục lại mối quan hệ tốt đẹp giữa những buôn làng bị hiềm khích quá lâu đến nỗi không ai nhớ đến nguyên nhân của các cuộc xung đột...