Alibaba được Fortune vinh danh là công ty internet Trung Quốc đáng ngưỡng mộ nhất 2025 giữa cuộc đua với DeepSeek
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) chỉ đứng sau Amazon và Alphabet trong hạng mục dịch vụ internet và bán lẻ của tạp chí kinh doanh nổi tiếng Fortune (Mỹ).
Alibaba đã được Fortune vinh danh là công ty internet và bán lẻ Trung Quốc đáng ngưỡng mộ nhất thế giới năm 2025, theo bảng xếp hạng mới nhất. Điều này diễn ra sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử trình làng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cạnh tranh với DeepSeek - công ty khởi nghiệp đang gây sốt nhất Trung Quốc.
Trên thế giới, Alibaba đứng thứ ba ở hạng mục dịch vụ internet và bán lẻ trong danh sách Các công ty đáng ngưỡng mộ nhất thế giới năm 2025 của Fortune, chỉ xếp sau hai đối thủ Mỹ là Amazon và Alphabet (chủ sở hữu Google), tăng 5 bậc so với vị trí thứ 8 năm ngoái.
Tuy nhiên, Alibaba không lọt vào top 50 trong bảng xếp hạng tổng thể Các công ty đáng ngưỡng mộ nhất thế giới năm 2025 của Fortune, dẫn đầu là Apple, Microsoft, Amazon, Nvidia và Berkshire Hathaway.
Alibaba là một trong những công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các mô hình AI. Tuần trước, Alibaba Cloud (đơn vị điện toán đám mây và AI của Alibaba) đã phát hành phiên bản nâng cấp của mô hình Qwen 2.5 mang tên Qwen 2.5-Max, mà họ tuyên bố "vượt trội toàn diện" so với DeepSeek-V3. V3 được so sánh với các sản phẩm tiên tiến từ OpenAI ("cha đẻ" ChatGPT) và Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook).
DeepSeek đã thu hút sự chú ý toàn cầu nhờ mô hình suy luận mã nguồn mở R1, mà công ty tuyên bố đạt khả năng tương đương GPT mã nguồn đóng của OpenAI trong một số lĩnh vực, với chi phí đào tạo nhỏ hơn nhiều. Tháng trước, Liang Wenfeng (người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành DeepSeek) đã tham dự một cuộc họp do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chủ trì tại thủ đô Bắc Kinh.
Alibaba đã mở rộng ra nước ngoài khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, bất chấp những thách thức mà Joe Tsai (đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba) mô tả là "môi trường địa chính trị thách thức nhất trong nhiều thập kỷ".
Năm 2022, chính phủ Mỹ đã xem xét hoạt động kinh doanh đám mây của Alibaba để đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn. Alibaba là một trong số các hãng công nghệ Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ với chất bán dẫn tiên tiến.
Tại hội nghị thượng đỉnh dành cho nhà phát triển thường niên tại Indonesia vào tháng 1, Alibaba Cloud cho biết các mô hình mới nhất của họ thuộc dòng Qwen đã được các nhà phát triển toàn cầu tiếp cận thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) trên nền tảng phát triển AI tạo sinh của mình là Model Studio.
Alibaba đã tái cấu trúc đế chế kinh doanh rộng lớn của mình để tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, bao gồm thương mại điện tử và điện toán đám mây. Giám đốc điều hành Alibaba - Eddie Wu Yongming gọi AI tạo sinh là "cơ hội lịch sử" và cho biết công ty kỳ vọng "sự tăng trưởng bùng nổ liên tục" về nhu cầu về sức mạnh tính toán cùng các mô hình AI của mình.
Alibaba phát hành Qwen 2.5-Max vào mùng 1 Tết, tuyên bố vượt trội DeepSeek-V3 và GPT-4o
Hôm 29.1, Alibaba đã ra mắt Qwen 2.5-Max với tuyên bố "vượt trội DeepSeek-V3".
Thời điểm phát hành Qwen 2.5-Max vào mùng 1 Tết Nguyên đán, khi hầu hết người dân Trung Quốc nghỉ làm và quây quần bên gia đình, cho thấy áp lực từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của DeepSeek trong ba tuần qua không chỉ đè nặng lên các các công ty nước ngoài mà còn lên cả những đối thủ trong nước.
"Qwen 2.5-Max vượt trội gần như trên mọi phương diện so với GPT-4o, DeepSeek-V3 và Llama-3.1-405B", Alibaba Cloud (đơn vị điện toán đám mây của Alibaba) thông báo trên tài khoản WeChat chính thức. GPT-4o và Llama-3.1-405B lần lượt là mô hình AI tiên tiến của OpenAI ("cha đẻ" ChatGPT) và Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook).
Alibaba Cloud cho biết hiệu suất chuẩn của Qwen 2.5-Max ngang bằng với Claude-3.5-Sonnet do công ty khởi nghiệp Anthropic (Mỹ) phát triển.
Việc DeepSeek phát hành trợ lý AI vào ngày 10.1 (vận hành dựa trên V3) cùng mô hình R1 ngày 20.1 làm chấn động Thung lũng Silicon (Mỹ) và khiến cổ phiếu nhiều hãng công nghệ lao dốc. Chi phí phát triển rẻ hơn và sử dụng chip Nvidia hiệu suất thấp hơn của DeepSeek khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về kế hoạch chi tiêu khổng lồ từ các công ty AI hàng đầu ở Mỹ.
Trợ lý AI miễn phí của DeepSeek nhanh chóng trở nên phổ biến trong số người dùng kể từ khi ra mắt và đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí được đánh giá cao nhất trên Apple App Store ở Mỹ, theo hãng phân tích Sensor Tower.
R1, mô hình AI nguồn mở mới nhất của DeepSeek được cho là sử dụng ít dữ liệu hơn với chi phí đào tạo chỉ bằng một phần nhỏ so với mô hình của các hãng công nghệ hàng đầu Mỹ như OpenAI, Meta Platforms và Anthropic. Điều này có thể đánh dấu bước ngoặt trong mức đầu tư cần thiết cho AI.
Thung lũng Silicon rất lo lắng vì trong các bài đánh giá từ bên thứ ba, R1 đã vượt trội mô hình AI của OpenAI, Meta Platforms và Anthropic. Cột mốc này nhấn mạnh cách DeepSeek đã để lại ấn tượng sâu sắc tại Thung lũng Silicon, làm lung lay quan niệm phổ biến về sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI cùng hiệu quả từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào chip tiên tiến và năng lực AI của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thành công của DeepSeek cũng khiến các đối thủ ở Trung Quốc gấp rút nâng cấp mô hình AI riêng.
Hai ngày sau khi DeepSeek-R1 ra mắt, ByteDance (công ty mẹ TikTok) đã phát hành bản cập nhật cho mô hình AI hàng đầu của mình, tuyên bố rằng nó vượt trội o1 của OpenAI trong AIME, bài kiểm tra đánh giá khả năng hiểu và phản hồi các hướng dẫn phức tạp của AI.
Trước đó, DeepSeek cho biết R1 có thể cạnh tranh với o1 trên một số tiêu chí hiệu suất.
DeepSeek-V2, phiên bản đời trước V3, đã châm ngòi cho một cuộc chiến giá AI tại Trung Quốc sau khi ra mắt vào tháng 5.2024.
Việc DeepSeek-V2 là mã nguồn mở và có giá cực rẻ, chỉ 1 nhân dân tệ (0,14 USD) cho mỗi 1 triệu token (đơn vị dữ liệu mà mô hình AI xử lý), khiến Alibaba Cloud thông báo giảm giá tới 97% cho hàng loạt mô hình AI.
Các hãng công nghệ Trung Quốc khác cũng nhanh chóng hưởng ứng, gồm Baidu (ra mắt chatbot AI đầu tiên của Trung Quốc vào tháng 3.2023 để cạnh tranh với ChatGPT) và Tencent (hãng internet giá trị nhất Trung Quốc).
Trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thống Waves (Trung Quốc) vào tháng 7.2024, Liang Wenfeng (nhà sáng lập kín tiếng của DeepSeek) tuyên bố công ty này "không quan tâm" đến các cuộc chiến giá cả và mục tiêu chính là đạt được AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát). OpenAI định nghĩa AGI là các hệ thống tự động có thể vượt qua con người trong hầu hết nhiệm vụ có giá trị kinh tế.
Trong khi tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc như Alibaba có hàng trăm nghìn nhân viên, DeepSeek hoạt động như một phòng thí nghiệm nghiên cứu, chủ yếu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp và nghiên cứu sinh tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc.
Tại cuộc phỏng vấn vào tháng 7.2024, Liang Wenfeng cho rằng các hãng công nghệ lớn Trung Quốc có thể không phù hợp với tương lai của ngành AI, vì chi phí cao và cấu trúc quản lý từ trên xuống, còn DeepSeek vận hành tinh gọn và theo phong cách quản lý linh hoạt.
"Các mô hình AI nền tảng lớn đòi hỏi sự đổi mới liên tục, nhưng khả năng của các tập đoàn công nghệ lớn có giới hạn", ông nhấn mạnh.