Alo cử tri: Hà Nội lúng túng xử lý việc chôn chất thải xuống gầm chân cầu Nhật Tân

Tiếp tục câu chuyện về hàng nghìn tấn chất thải xây dựng chưa qua xử lý được chôn lấp dưới chân cầu Nhật Tân, sau khi Truyền hình Quốc hội Việt Nam phản ánh, UBND huyện Đông Anh, Thanh tra Giao thông huyện Đông Anh, UBND xã Vĩnh Ngọc đã phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra và yêu cầu đơn vị quản lý cầu Nhật Tân phải dừng việc đổ thải, vận chuyển xử lý chất thải đã tồn tại. Tuy nhiên, rác thải không những không được xử lý mà còn có tình trạng tiếp tục được chôn lấp tại đây. Ghi nhận của nhóm phóng viên chuyên mục Alo cử tri.

Tại gầm cầu Nhật Tân, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, một lớp đất màu vàng đã phủ lên trên phần rác đã được san gạt bằng phẳng… Có ai nghĩ, phía dưới đã từng có hàng ngàn khối rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng lẫn với rác thải công nghiệp đã được chôn lấp.

Người dân cho biết, sau phản ánh của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đã không có một biện pháp xử lý nào, cũng không có xe rác nào phải di dời. Thay vào đó, rác thải vẫn tiếp tục được đổ xuống; máy xúc, xe ủi… ngày đêm lấp sâu rác thải xuống chân cầu, san phẳng… để tạo ra mặt bằng như thế này…

Tại biên bản làm việc ngày 16/7/2024 của đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Đông Anh với các cơ quan liên ngành huyện Đông Anh và chính quyền địa phương nêu rõ: Yêu cầu Xí nghiệp quản lý cầu Nhật Tân - Đông Trù dừng việc cải tạo khu vực gầm cầu và 2 bên hành lang cầu khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; khẩn trương chuyển dọn khối lượng trạc thải xây dựng còn tồn tại. Tuy nhiên, việc xử lý không được thực hiện như văn bản yêu cầu, thay vào đó là dấu hiệu che lấp phần rác thải đã đổ xuống.

Theo chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, vật liệu để san lấp công trình phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam quy định. Phế thải xây dựng muốn làm vật liệu san lấp cần phải được thu gom, phân loại và giám sát với quy trình nghiêm ngặt và chặt chẽ. Vì trong những loại rác thải này có thể tiềm ấn những hợp chất, thậm chí là hóa chất gây ra tác hại xấu cho môi trường.

Cũng theo chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng, việc đổ thải không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà cả quá trình thi công, san lấp cũng cần đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, việc tập kết phế thải, vật liệu san lấp sát với trụ, chân cầu có nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến kết cấu chân cầu. Đặc biệt, với công trình nghìn tỷ, trọng điểm quốc gia như cầu Nhật Tân thì càng phải có những quy trình quản lý nghiêm ngặt.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hoàng Tùng - Đào Nghĩa

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/alo-cu-tri-ha-noi-lung-tung-xu-ly-viec-chon-chat-thai-xuong-gam-chan-cau-nhat-tan-230338.htm