Ám ảnh 'bóng ma' đa cấp: Ve sầu lại 'thoát xác'
Sau một thời gian việc lừa đảo núp bóng bán hàng đa cấp bị các cơ quan quản lý mạnh tay dẹp bỏ, đến nay các nhóm, doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình này đang dần trỗi dậy với đủ chiêu trò tinh vi…
Sự thành công và phát triển mạnh mẽ của ngành bán hàng đa cấp trên thế giới đã nhanh chóng thâm nhập về Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Ngay thời gian đầu đã có sự phát triển nhanh và hiệu quả, tuy nhiên trong những năm gần đây hoạt động này đã có nhiều biến tướng vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Còn nhớ vụ việc “ông trùm” đa cấp Liên Kết Việt đã bị truy tố vì lừa đảo tới 68.000 người từng gây rúng động dư luận. Theo đó, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang lợi dụng việc Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh hàng đa cấp đã cùng một số đối tượng dùng thủ đoạn gian dối, cung cấp thông tin sai lệch khiến nhà đầu tư nghĩ Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo cơ quan điều tra, Lê Xuân Giang và đồng phạm (đều là thành viên nhóm phát triển thị trường - PV) đã tìm mọi cách khiến đối tác nghĩ họ là cán bộ quân đội thực sự, còn các sản phẩm họ kinh doanh là sản phẩm được liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng đã được thử nghiệm, và đưa vào sử dụng tại các bệnh viện Trung ương.
Tiếp tục để thuyết phục hàng chục nghìn nhà đầu tư bỏ tiền tham gia kinh doanh đa cấp, các bị can này còn đặt làm giả bằng khen của Thủ tướng tặng cho Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP và triển khai 15 chương trình khuyến mại kích cầu, đưa ra những khoản khuyến mại lớn như nộp 7 triệu đồng sẽ được thưởng hơn 400 triệu đồng. Trường hợp vận động được nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp sẽ được thưởng ôtô trị giá một tỷ đồng hoặc căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng.
Với thủ đoạn này, sau một năm hoạt động, nhóm của Lê Xuân Giang đã mở 34 chi nhánh, văn phòng đại diện ở 27 địa phương, qua đó lôi kéo hơn 68.000 bị hại nộp tiền cho Liên Kết Việt. Cơ quan VKS cáo buộc 7 bị can đã chiếm đoạt của các nạn nhân tổng số tiền trên 1.100 tỷ đồng.
Vụ việc hàng loạt sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh bỗng "mất tích" liên quan đến nhóm “team khởi nghiệp 360”. Ảnh: Báo Thanh niên
Trong vụ án này, Lê Xuân Giang giữ vai trò chủ mưu. Đây chỉ là một trong những điển hình của việc lừa đảo núp bóng bán hàng đa cấp bị cơ quan chức năng xử lý, thế nhưng đáng nói là ngay sau khi những công ty đa cấp bất chính như vậy bị bóc mẽ thì lại mọc lên những biến tướng mới của đa cấp, với cách thức hoạt động tinh vi hơn.
Một trong những hình thức “lách luật” này là bán dịch vụ thông qua hình thức kinh doanh đa cấp. Những người bị “ăn quả lừa” khi tham gia những hệ thống kiểu này thường bị che mắt bởi giá trị lợi nhuận rất cao, trong khi thậm chí còn không biết sản phẩm mà mình mua là gì.
Khác với những hình thức bán hàng đa cấp biến tướng mà nhiều người được biết từ trước đến nay là chia % hoa hồng rất lớn cho các nhà phân phối, thì một số công ty đã tung ra chiêu thức mới bằng cách dụ dỗ “đối tác” mua các gói dịch vụ và được “đồng hưởng” phần trăm doanh số bán hàng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, người tham gia phải lựa chọn các gói dịch vụ từ vài triệu đến vài trăm triệu, nhưng trên thực tế, sau khi đã “góp vốn”, đến lúc được chia lợi nhuận thì mới “té ngửa” bởi số lợi nhuận được chia chỉ tính bằng từ 2-3% số tiền vốn mà họ góp, 98% lợi nhuận còn lại sẽ vào túi “nhà đầu tư”. Đây là một chiêu “giăng bẫy” rất tinh vi mà những người nhẹ dạ cả tin rất dễ mắc phải.
Một chiêu lừa đảo khác, để lấy lòng tin của những “con mồi”, một số công ty kinh doanh bất chính không ngần ngại giả mạo giấy tờ kinh doanh để lừa đảo. Không chỉ vỡ mộng làm giàu, nhiều người còn có nguy cơ mất trắng từ vài chục triệu đến hàng chục tỉ đồng.
Một buổi học của nhóm “team khởi nghiệp 360”. Ảnh: Báo Thanh niên
Thời gian qua, nhiều công ty bị khởi tố vì làm giả giấy tờ để kinh doanh đa cấp như các loại giấy chứng nhận những sản phẩm được sản xuất từ Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, hay những nơi có uy tín để lừa đảo người dân tham gia mua hàng. Và chiêu dụ người tham gia góp tiền vào hệ thống theo kiểu đầu tư tài chính để hưởng hoa hồng và hưởng thêm hoa hồng từ việc chiêu dụ người khác tham gia cũng là một hình thức bán hàng đa cấp biến tướng tinh vi nữa xuất hiện.
Theo đó, với kiểu đa cấp phải mua hàng hóa thì nhiều người còn đắn đo với khoản tiền ban đầu bỏ ra mua những món hàng quá đắt đỏ, nếu không xây dựng được mạng lưới cấp dưới thì coi như mất tiền mua hàng. Chính vì vậy, kiểu đầu tư tài chính đa cấp có đất “tung hoành” khi chiêu dụ người tham gia rằng bỏ tiền đầu tư sẽ có lợi nhuận, muốn rút khỏi hệ thống thì rút. Kiểu tham gia này khiến nhiều người chắc mẩm mình chỉ có lời chứ không mất đồng nào
Tuy nhiên, các mô hình tài chính này cũng sẽ thu phí khi nhà đầu tư muốn rút tiền ra. Nhiều người chỉ nhìn thấy mức sinh lợi hấp dẫn mà không nhìn thấy các khoản chênh lệch nộp vào - rút ra và phí quản lý đã khiến khoản tiền “đầu tư” mình nộp vào đã lỗ ngay tức khắc.
Như vậy, với các khoản phí “chém đầu chặt đuôi” khiến người tham gia không muốn rút vốn lại sớm mà phải đợi đến khi tiền lãi tích tụ cao hơn mức phí mới có thể rút. Chính khoảng thời gian này cũng đủ để doanh nghiệp chiêu dụ, mở rộng mạng lưới, ôm một khoản lớn tiền rồi “quét nhanh, rút gọn”. Đến khi nhiều người nhận ra bị lừa và muốn rút số tiền mình đã đầu tư ra thì doanh nghiệp cũng biến mất.
Có thể nói, đây không phải là hành vi phạm tội mới, những đối tượng này dùng thủ đoạn lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp nhưng với nhiều vỏ bọc phức tạp, chiêu thức mới lạ, tinh vi hơn. Và như vậy, khi ve sầu lại “thoát xác” thì hàng trăm nghìn người vẫn sập bẫy một cách dễ dàng gây “ám ảnh” những hệ lụy trong xã hội.