Ám ảnh cả đời của người phụ nữ mất tay chân sau vụ tai nạn trong bãi than

7 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhắc lại vụ tai nạn trong bãi than cô Lưu Thị Bích Ngọc vẫn còn ám ảnh, sợ hãi ngỡ chuyện như mới hôm qua.

Nhắc tới cô Lưu Thị Bích Ngọc trú tại tổ 5, khu 4A, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) không một ai là không biết tới hoàn cảnh gia đình cô.

Biến cố lớn đã lấy đi đôi chân và cánh tay phải của cô Ngọc. Cũng từ đây bao dự định của gia đình nhỏ đành phải gác lại, nhưng nghị lực phi thường của người mẹ, người vợ đã giúp cô vượt lên chính bản thân mình.

Tai nạn đã cướp đi đôi chân và cánh tay phải của cô Ngọc nhưng nghị lực, ý chí của bản thân đã giúp cô vượt lên số phận

Tai nạn đã cướp đi đôi chân và cánh tay phải của cô Ngọc nhưng nghị lực, ý chí của bản thân đã giúp cô vượt lên số phận

Trong câu chuyện với phóng viên Gia đình Việt Nam, cô Ngọc vẫn nhớ thoáng qua biến cố khiến cô thành một người tàn tật. Cô Ngọc nhớ lại: “Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 27/12/2017, năm đó tôi bước sang tuổi 49. Đó là trong lần tôi đi mót than ở bãi xít của công ty tuyển than, do không để ý nên đoàn tàu hỏa vận chuyển xít than ra bãi đổ thải lùi vào đúng vị trí tôi đang ngồi. Cả người tôi gần như bị cuốn vào đường ray rồi bị thả trôi tự do. May sao người lái tàu nghe tiếng thất thanh của tôi mới phanh lại, sau đó bao người hoảng loạn đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu”.

Căn nhà nhỏ khoảng 30m2 là nơi sinh sống của vợ chồng cô Ngọc

Căn nhà nhỏ khoảng 30m2 là nơi sinh sống của vợ chồng cô Ngọc

Cuộc sống gia đình cô Ngọc thời gian đó cũng chỉ phụ thuộc chính vào những chuyến món than trôi tại bãi xít. Vụ tai nạn đã khép lại bao dự định còn dang dở của cô và gia đình.

“Lúc bị tai nạn, bản thân mình không dám mở mắt ra vì sợ cảnh tượng kinh hoàng. Mọi người đưa tôi lên viện cứ tưởng tôi chết rồi. Sau lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả vào phòng cấp cứu, các bác sĩ quyết định cắt bỏ hai chân và tay phải vì gần như đã bị dập hết. Điều trị vài ngày ở đây, gia đình đưa tôi lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị 1 tháng để các bác sĩ phẫu thuật và ghép da, sau đó tôi tiếp tục quay về bệnh viện tuyến thành phố để điều trị và theo dõi”, cô Ngọc kể.

Sau tai nạn số tiền tích cóp của gia đình gần như dồn cả để điều trị cho cô. Cuộc sống sau đó chỉ biết dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước và những ngày công sửa chữa xe đạp tại nhà của người chồng.

“Chi phí viện phí và thuốc men thời đó cũng phải mất gần 200 triệu đồng. Thời gian đầu vết thương còn đau, mọi việc đều gắn bó với xe lăn, sau vết thương lành nhưng còn nhiều di chứng để lại. Mấy năm sau tôi mới quen, dần dần tự mình lân xuống làm mọi việc. Hiện tại tôi có thể tự mình lo được cho bản thân dù còn lại rất nhiều di chứng”, cô Ngọc chia sẻ thêm.

Khu phố nhỏ ai cũng biết tới hoàn cảnh gia đình cô Ngọc. Cô đã truyền cảm hứng cho nhiều người về nghị lực vượt lên trong cuộc sống

Khu phố nhỏ ai cũng biết tới hoàn cảnh gia đình cô Ngọc. Cô đã truyền cảm hứng cho nhiều người về nghị lực vượt lên trong cuộc sống

Nhiều năm trôi qua, cô Ngọc vẫn không nghĩ mình mất đi đôi chân và bàn tay. Chính gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc để bản thân cô vượt qua mọi sóng gió và biến cố của cuộc đời.

Cô Ngọc tâm sự: “Cũng may mắn ông trời không lấy đi của ai tất cả, 2 người con giờ cũng đã lớn khôn. Điều hạnh phúc nhất là gia đình, người thân đã giúp mình không nản chí, bi quan. Hàng xóm và mọi người đến thăm còn ngạc nhiên trước tinh thần của mình sau biến cố gần như tàn phế cả đời”.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cùng trú ở tổ 5, khu 4A chia sẻ: “Gia đình cô Ngọc có điều kiện kinh tế khó khăn, hàng xóm cũng giúp đỡ nhiều. Hiện tại gia đình sinh sống ở căn nhà xây dựng đã lâu chỉ vẻn vẹn gần 30m2, hai vợ chồng gần như sống nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước.

Dù tàn tật nặng nhưng cô Ngọc vẫn làm được mọi việc như người bình thường, chính cô cũng truyền cảm hứng cho mọi người về tinh thần và nghị lực vượt lên chính bản thân”.

V. Hùng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/am-anh-ca-doi-cua-nguoi-phu-nu-mat-tay-chan-sau-vu-tai-nan-trong-bai-than-d200744.html