Ám ảnh ma men sau tay lái
Vào một ngày hè tháng 7-1979, tôi được sinh ra theo một cách trái qui luật thông thường. Lý do bởi mẹ tôi bị một người say đi xe đạp đâm ngã quỵ giữa đường, cũng thật may người đàn ông say rượu đó đi xe đạp.
Tôi là đứa trẻ sinh non vì khi ấy mới được 7 tháng. Không rõ đó có phải là nguyên nhân cho nhiều căn bệnh bẩm sinh hay không với chứng đau đầu, còi cọc và nhiều thiệt thòi khác về mặt sức khỏe.
Cha mẹ và tất nhiên là cả tôi đều không biết người đàn ông say rượu đó là ai. Nhưng tôi vẫn thường xuyên ám ảnh về câu chuyện này mỗi khi cơn đau đầu kinh khủng ập tới thất thường. Người say có lẽ cũng tuyệt đối không nên trèo lên xe đạp, chứ đừng nói tới lượn lờ nghiêng ngả với xe máy hay xe hơi như hiện nay. Theo cách nói dân dã, người ta gọi là xe điên. Với những người say điều khiển phương tiện giao thông thì không có chiếc xe nào bị điên ở đây cả, vấn đề chắc chắn là kẻ ngồi sau tay lái.
1. Vào đêm 2-6-2022, một vụ tai nạn đau lòng xảy ra trên địa bàn thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Lúc khoảng 23 giờ cùng ngày, chiếc xe hơi nhãn hiệu Audi mang biển kiểm soát 98A-499.44 do Nguyễn Đức Thịnh (sinh năm 1987, trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) điều khiển đi hướng đường Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ. Khi đến ngã tư kể trên thì đã tông ngang chiếc xe máy biển kiểm soát 98 B1-755.90 do anh N.M.H (sinh năm 1974, trú tại phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang) chở sau là vợ và con gái.
va chạm rất mạnh khiến anh H cùng vợ và con gái tử vong tại chỗ. Sáng 3-6, Công an thành phố Bắc Giang đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với tài xế Nguyễn Đức Thịnh để điều tra liên quan vụ tai nạn tang thương kể trên. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy tài xế Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604 mg/l khí thở.
Nhưng đó chỉ là một trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện say xỉn. Trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có mối liên quan đến rượu bia của người điều khiển. Dường như nó tỷ lệ thuận với sự nhộn nhịp tấp nập của các quán bia rượu sau thời gian dài đóng cửa, hạn chế hoạt động trong đợt dịch bệnh. Bằng quan sát, có thể nhận thấy các hàng quán có lượng khách tăng vọt. Người dân khôi phục lại thói quen giao tiếp bên bàn bia rượu.
Theo khảo sát của người viết bài, tại những địa điểm ẩm thực, phố nhậu bia hơi nổi tiếng tại quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông… hàng quán luôn kín đặc khách, xe máy, ô tô vào cuối giờ chiều những ngày nóng nực. Và điều dễ nhận thấy là họ tự điều khiển phương tiện ra về khi tàn bữa nhậu không vướng víu bất kỳ rào cản nào. Để ngăn cản, khuyên răn người say không nên điều khiển phương tiện giao thông luôn thiên nan vạn khó. Những gương mặt hồng lựng, liêu xiêu leo lên xe máy hoặc vê vô-lăng trông thật ái ngại lẫn phản cảm. Phía trước tay lái là sự sống. Với người say thì đó có lẽ chỉ là mờ ảo của những ánh đèn hậu màu đỏ di chuyển phía trước.
2.Vào ngày cuối tuần, ngay tại nút giao Xuân Thủy - Cầu Giấy (Hà Nội), tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an thành phố Hà Nội đã ra tín hiệu dừng, kiểm tra một số phương tiện nghi vấn. Có không ít tài xế vi phạm nồng độ cồn nhưng thái độ bất hợp tác. Tôi đã có dịp đi công tác nhiều quốc gia, nhưng tuyệt nhiên chưa từng bắt gặp bất kể đâu có hiện tượng khi cảnh sát kiểm tra, người vi phạm cười giả lả, ung dung rút điện thoại gọi cho ai đó để cầu cứu, can thiệp giống như tại quê nhà.
Thậm chí một số người vi phạm nồng độ cồn, ngật ngưỡng, cợt nhả, móc điện thoại oang oang gọi cho người thân “mách tội” cảnh sát giao thông bằng những thứ ngôn từ vô cùng khiếm nhã. Có anh cùn hơn Chí làng Vũ Đại, chọn phương án giơ điều khiển bấm khóa cứng xe giữa đường rồi lững thững nghiêng ngả vẫy xe ôm bỏ đi đâu mất hút.
Khi được hỏi, một số người vi phạm trả lời bằng thứ giọng có chút líu lưỡi, câu cú lệch lạc tự bào chữa lý do, cũng như truyền đạt thông điệp đơn giản hóa cho việc sử dụng bia rượu rồi lái xe. “Tôi biết uống rượu bia là gây bất an khi lái xe, nhưng uống chén rượu rồi về nhà ngủ chả vấn đề gì”. “Em có uống có một chút thôi, nhưng phải mang xe về mai em đón trẻ con, em vẫn tỉnh táo có thể đi về được. Lần sau em uống thì để xe lại”. “Thôi phạt nặng quá, lần sau là không dám rồi”...
3.Kinh doanh ngành bia rượu có mức lợi nhuận khá cao. Và trong khía cạnh khác liên quan đến cái gọi là đạo đức kinh doanh, cũng không ít nhà hàng trên địa bàn Hà Nội có cơ chế riêng đối với khách hàng khi say xỉn. Ví dụ như hỗ trợ tiền taxi, xe công nghệ cũng như lưu giữ phương tiện cho khách miễn phí. Nhưng như đã nói, thuyết phục được người say làm được điều này là việc không hề dễ dàng, cồn trong máu luôn làm biến dạng tư duy, nhận thức và cả liêm sỉ.
Tôi đã làm một khảo sát nhỏ với 20 tài xế taxi, xe công nghệ về việc vận chuyển người say về nhà. Có tới 14 tài xế ái ngại, thường từ chối ngay khi nhận ra vấn đề, bởi họ đã gặp quá nhiều phiền phức với những vị khách này. Thứ nhất là khó tránh khỏi việc hành khách nôn ói trong xe. Riêng việc vệ sinh, khử mùi nội thất phương tiện sẽ tốn từ 200 tới 500 ngàn đồng. Vấn đề thứ hai đối với hành khách say xỉn thường “ăn vạ” việc mất mát tài sản, đôi khi bởi họ quên hoặc rơi trước khi lên xe.
Thế nhưng vào sáng ngày hôm sau khi tỉnh lại, bằng cách kiểm tra lại camera an ninh biển số xe tại nhà hàng, hoặc bằng nhiều cách khác nhau, sẽ gọi điện tới bắt vạ vô cùng phiền phức. 6 tài xế trong khảo sát nói vẫn đồng ý chở khách say xỉn nhưng sẽ quan sát tình trạng chung trước khi đưa ra quyết định. Ví dụ say vừa phải, vẫn đủ nhận thức, hoặc có người thân tỉnh táo đi cùng…
Cuối năm 2019, khi Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó tăng mức xử phạt tối đa và thời hạn tước giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, anh Đỗ Đình Thành, một doanh nhân, đã mở công ty cung cấp dịch vụ đưa người say xỉn tại các nhà hàng về nhà bằng chính phương tiện của họ trên địa bàn Hà Nội đồng thời tuyển dụng, đào tạo 50 lái xe chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, mới đây khi liên hệ với anh Thành hỏi về tình hình hoạt động của doanh nghiệp đặc biệt này, anh Thành tâm sự, công ty phá sản không lâu sau khi khởi động. Bởi dù được đào tạo đủ các kỹ năng, nhưng khi đối diện với thực tế, những phiền toái từ khách hàng say xỉn giống như những ví dụ đối với tài xế taxi, xe công nghệ, rủi ro lớn hơn nhiều so với lợi nhuận nên phải từ bỏ một ngành kinh doanh có thể nói mang nhiều lợi ích cho xã hội.
Bia rượu, ma túy, chất kích thích chắc chắn không mang lại bất kể lợi ích nào về mặt sức khỏe. Và khi đã sử dụng rồi oai phong điều khiển phương tiện giao thông, đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà về mặt con người, có thể nói đó là sự khởi đầu của tội ác. Có những nỗi đau nằm ở đáy cốc.
Đại úy Triệu Quang Tú, cán bộ Đội cảnh sát giao thông số 6, Công an thành phố Hà Nội cho biết, khi cán bộ chiến sĩ ra đường làm nhiệm vụ luôn được chỉ huy quán triệt quan điểm là quyết xử lý nghiêm, đặc biệt là các trường hợp sử dụng quan hệ gọi điện gây áp lực cho cán bộ. Đồng thời Đại úy Triệu Quang Tú cũng khuyên người dân nếu đã sử dụng rượu bia, hãy nhờ người thân hoặc sử dụng các phương tiện công cộng, taxi đưa về, bởi mức xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn là rất nặng.
Nói về mức phạt liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, PGS-TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho rằng, mức phạt tiền của hành vi này đối với thu nhập của người Việt Nam là khá cao, nhưng so với quốc tế thì chúng ta vẫn cần phải có nhiều thay đổi để có tính răn đe hơn.
“Dù bộ luật Hình sự đã quy định các hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Cường nói. Do đó, sau nhiều năm nghiên cứu về tai nạn giao thông, ông Cường đề xuất có thể phạt tù người có nồng độ cồn quá cao vẫn lái xe, dù chưa gây tai nạn giao thông nghiêm trọng; đồng thời các hướng dẫn liên quan truy tố hình sự hành vi này cũng cần được chi tiết hơn để áp dụng.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/am-anh-ma-men-sau-tay-lai-i657750/