Ám ảnh mốc 1.200 điểm và câu chuyện về margin

Thị trường đang bị ám ảnh bởi con số 1.200 điểm, nhưng nếu nhìn qua các đợt điều chỉnh dễ thấy rằng, VN-Index đang có những đáy tăng dần, đáy sau cao hơn đáy trước và không hề trong downtrend.

Mốc tâm lý 1.200 điểm

Sau khi rời khỏi vùng 1.300 điểm, thị trường chứng khoán đã giảm điểm liên tiếp 4 tuần. Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 05/08, VN-Index đánh mất gần 48,53 điểm, tương đương 3,92% và lùi sâu về 1.188,07 điểm khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề.

Tại Talkshow “Vì sao chứng khoán mãi loay hoay vùng 1.200 điểm?” sáng 06/08 do Báo Người lao động tổ chức, ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Mirae Asset cho biết, theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, một năm sẽ có 2 - 3 sóng điều chỉnh. Trừ năm 2019 có 2 sóng giảm nhẹ, tất cả các năm còn lại 2 sóng điều chỉnh luôn trên 100 điểm, thậm chí có thể kéo tới 300 điểm. Trong năm 2024, VN-Index đã có đợt giảm 129 điểm trong sóng đầu tiên.

“Sẽ có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường. Hiện tại, thị trường đang ở trong sóng 2 điều chỉnh, thị trường có thể điều chỉnh trên 150 điểm là vấn đề bình thường”, ông Trí nói.

Trong đợt giảm vừa qua, ông Phan Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc chi nhánh TP. HCM kiêm Giám đốc khối Khách hàng cao cấp DNSE nhận thấy, nhóm VN30 không giảm nhiều, mà đà giảm lớn ở VNMidcap và VNSmallcap. Trong chỉ số VNMidcap, một số ngành có sự sụt giảm lớn là bất động sản, chứng khoán, thép do kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không tốt như kỳ vọng.

Ông Phan Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc chi nhánh TP. HCM kiêm Giám đốc khối Khách hàng cao cấp DNSE

Ông Phan Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc chi nhánh TP. HCM kiêm Giám đốc khối Khách hàng cao cấp DNSE

“Thị trường rất thông minh, nhà đầu tư đã nhìn thấy các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt đa phần thuộc về nhóm ngân hàng, hay những cổ phiếu như VNM, SAB, MWG. Do đó, chênh lệch giữa VN30 và VN-Index đã lên đến 60 điểm – mức tương đối cao và phản ánh đúng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp. Còn nhóm Midcap không tốt nên việc điều chỉnh hoàn toàn bình thường so với kết quả các doanh nghiệp”, ông Phương giải thích.

Tuy nhiên, dù với lý do nào thì 1.200 điểm lúc này lại trở thành mốc quan trọng đối với tâm lý thị trường. Ông Phương nhận thấy, thị trường đang bị ám ảnh bởi con số 1.200 điểm.

Nếu nhìn qua các đợt điều chỉnh của thị trường dễ thấy rằng, năm 2009 đáy là 235 điểm, đáy năm 2018 khoảng 500 điểm, đáy khủng hoảng Covid-19 là 660 điểm, hay đáy khủng hoảng năm 2022 là 900 điểm.

“Thị trường đang có những đáy tăng dần, đáy sau cao hơn đáy trước và không hề trong downtrend. Kể cả đợt điều chỉnh này có về 1.100 điểm thì vẫn cao hơn đáy của 2022 là 900 điểm. Có nghĩa chúng ta đầu tư dài hạn vào VN-Index thì vẫn có lời chứ không phải thua lỗ. Nếu đầu tư theo tâm lý lời nhanh thì mới nguy hiểm”, ông Phương nói.

Ông Trí bình luận thêm, cách đây 10 năm, VNM là cổ phiếu vốn hóa top đầu thị trường. Sau một thời gian, dù doanh nghiệp vẫn phát triển nhưng quy mô đã bão hòa dẫn đến tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận chậm hơn và cổ phiếu bị điều chỉnh khá mạnh từ đỉnh.

Trong khi đó, vốn hóa thị trường Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt. Đơn cử như vốn hóa VCB đã đạt đến 20 tỷ USD – là một trong những ngân hàng top đầu khu vực Đông Nam Á và cả châu Á, kể cả Hàn Quốc cũng không có ngân hàng nào có vốn hóa vượt VCB, do đó nhà đầu tư sẽ thấy được sự tích cực hơn của thị trường.

“Dù VN-Index vẫn ở 1.200 điểm nhưng có rất nhiều doanh nghiệp đã thay đổi cấu trúc vốn và vươn lên tầm cao mới, song song với những doanh nghiệp rơi vào vùng bão hòa tác động đến chỉ số. Nên dù VN-Index vẫn ở 1.200 điểm nhưng vẫn có sự tích cực trong đó”, ông Trí nhấn mạnh.

“Big boys” khiến margin căng cứng

Ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Mirae Asset

Ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Mirae Asset

Về câu chuyện margin, ông Trí cho rằng, nhắc đến margin trước đây là thị trường thường quan tâm đến nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, nhưng giai đoạn gần đây có sự thay đổi. Theo khảo sát, mặc dù giá trị vay margin tăng so với năm trước nhưng bóc tách ra thì phần vay chính nằm ở các cổ đông lớn, “big boys” trên thị trường mua và giữ.

Để ý rằng, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại bán ròng 60.000 tỷ đồng, bắt buộc nhà đầu tư Việt Nam phải mua vào và “big boys” là những người gom 60.000 tỷ đồng đó.

“Họ gom có thể bằng tiền mặt của họ hoặc có thể từ tiền vay, và khi vay đến một ngưỡng sẽ đến độ căng cứng margin”, ông Trí nhận xét và cho biết thêm rằng, cổ đông lớn của các doanh nghiệp có thể đang trong giai đoạn khó khăn khi thị trường từ 1.300 điểm rơi xuống dưới 1.200 điểm nên giai đoạn hiện tại có thể hơi căng cứng. Nếu tình hình thế giới còn bất ổn, xuất hiện tình trạng force sell, có thể sẽ có những nhóm nhà đầu tư lớn vào bắt đáy.

Còn theo ông Phương, thị trường đang nhìn margin là số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu công ty chứng khoán không tăng nhiều. Trong 2 năm qua, vốn chủ của các CTCK đã tăng lên rất nhanh. Nhiều CTCK mới có gốc ngân hàng gia nhập thị trường với nhu cầu cho vay margin cao.

Cùng với xu thế “zero fee” đang diễn ra nên nguồn thu từ phí thấp đi và nguồn thu margin trở nên quan trọng hơn, dẫn tới các CTCK đẩy mạnh cho vay để tăng doanh thu. Trong 2 năm trở lại đây, lượng công ty có vốn chủ trên 10.000 tỷ đồng xuất hiện nhiều như TCBS, Kafi, Lộc Phát… cũng làm cho tăng lượng margin trên thị trường lên.

“Bản chất những cổ đông lớn của các ngân hàng cũng là hệ sinh thái của các công ty chứng khoán có gốc ngân hàng nên họ tích cực cho vay. Đây là yếu tố khiến cho margin tăng lên, chúng tôi nhận thấy vấn đề margin không đại diện cho nhà đầu tư cá nhân ở thời điểm hiện tại”, ông Phương lưu ý.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/am-anh-moc-1200-diem-va-cau-chuyen-ve-margin-post350981.html