Ám ảnh nỗi đau hỏa hoạn

Hỏa hoạn đến và đi trong quãng thời gian ngắn nhưng để lại những nỗi đau tột cùng, ám ảnh nhiều gia đình ở Hải Dương.

Hỏa hoạn không chừa một ai, từ người già đến trẻ nhỏ. Người mất, cảnh tượng còn lại ở hiện trường các vụ hỏa hoạn ở Hải Dương gây ám ảnh. Ảnh: PHONG TUYẾT - TUẤN ANH

Hỏa hoạn không chừa một ai, từ người già đến trẻ nhỏ. Người mất, cảnh tượng còn lại ở hiện trường các vụ hỏa hoạn ở Hải Dương gây ám ảnh. Ảnh: PHONG TUYẾT - TUẤN ANH

Đau đớn

"Đau" là câu đầu tiên mà người bố của đôi vợ chồng trẻ ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) vừa tử vong trong vụ cháy nhà trọ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nói với tôi về nỗi mất mát này. Ông đau vì bỗng mất đi con trai, con dâu hiền lành ở quãng thời gian đẹp đẽ nhất của hai con và gia đình.

Về thăm hỏi gia đình ông Vũ Văn Đủ ở thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải (Tứ Kỳ), đi qua những rặng dừa bên sông yên bình và cây cầu nhỏ là tới nhà ông. Ngôi nhà cũng nhỏ, sát cánh đồng. Đã hơn một tuần từ ngày xảy ra vụ cháy, người thân, hàng xóm vẫn sang thăm hỏi, động viên ông bà cho đỡ hiu quạnh.

Chỉ mới hơn 2 tháng trước, ngôi nhà này đông vui, rộn ràng đám cưới vợ chồng con trai ông Đủ. Những tấm ảnh chụp hôm đám cưới vẫn còn nhiều trong nhà. Cũng mới cuối tuần trước đó, anh chị về thăm bố mẹ mà nay trống trải, u buồn.

Nhớ về con trai, ông Đủ bảo: "Dũng nó hiền lắm, từ nhỏ đến lớn không biết mắng chửi ai bao giờ. Cái Hương thì ngoan, nó lúc nào cũng cười tươi ấy". Rồi ông Đủ nhìn những tấm ảnh cưới trên giường, vẫn còn đó nụ cười của hai con ngập tràn hạnh phúc lứa đôi.

Ông Vũ Văn Đủ ở thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải (Tứ Kỳ) thắp hương cho con trai, con dâu tử vong trong vụ cháy nhà trọ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trên ban thờ vẫn còn tờ giấy chứng nhận kết hôn còn mới

Ông Vũ Văn Đủ ở thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải (Tứ Kỳ) thắp hương cho con trai, con dâu tử vong trong vụ cháy nhà trọ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trên ban thờ vẫn còn tờ giấy chứng nhận kết hôn còn mới

Ông Đủ bảo từ lúc con đi làm thì con tự thuê nhà, ông chưa từng lên nhà trọ đó, chỉ nghe con trai kể ông chủ nhà làm xe điện, tốt bụng lắm và thường mời sang ăn cơm. Khoảng 7 giờ sáng hôm xảy ra vụ cháy, người thông gia ở Đài Loan gọi về bảo có cháy ở khu vợ chồng con sinh sống, ông Dũng gọi hai con đều không được liền lên mạng xem tin tức thì thấy nhà trọ đúng ở khu đó, kinh doanh xe điện, 14 người chết. Ông Dũng linh cảm chẳng lành, lập tức đi Hà Nội tìm con. Cả nhà chia nhau đi tìm ở mấy bệnh viện đều không có rồi hy vọng con còn sống tắt dần. Ông ra nhà tang lễ thì nhận được hai con. Vậy là, hai con ngoan của ông đã mất vì hỏa hoạn. Ông kể chuyện mà mấy lần trực trào nước mắt. Đau đớn quá!

Ám ảnh còn mãi

Gần 8 tháng sau vụ cháy, ngôi nhà mặt tiền đường Nguyễn Trãi, thị trấn Nam Sách vẫn cửa đóng then cài, bỏ không

Gần 8 tháng sau vụ cháy, ngôi nhà mặt tiền đường Nguyễn Trãi, thị trấn Nam Sách vẫn cửa đóng then cài, bỏ không

Ám ảnh là thứ còn mãi sau những vụ hỏa hoạn. Gần đây, cả nước có 2 vụ cháy nhà trọ, chung cư mini ở Hà Nội gây thiệt hại lớn về người thì cả 2 vụ đều có những người Hải Dương tử vong.

Gần một năm trước, vào tháng 9/2023, tôi đã đi đến cả 2 gia đình ở huyện Ninh Giang và TP Hải Dương có con tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân. Các nạn nhân đều là những người trẻ với bao điều tươi đẹp còn dang dở.

Ám ảnh với tôi là hình ảnh những người mẹ lịm đi vì mất con, những người cha đau đớn tột cùng vẫn nuốt nước mắt chảy ngược vào trong để lo đám tang con, người vợ đang bế con nhỏ trên tay khi chồng gặp nạn. Trên ban thờ của đôi vợ chồng trẻ ở huyện Tứ Kỳ có tờ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mới cứng được kẹp trong nải chuối...

Những người đi ra từ đám cháy, thoát thân nhưng mất người thân lại càng ám ảnh. Tháng 11/2023, một cửa hàng tạp hóa ngay mặt đường Nguyễn Trãi ở thị trấn Nam Sách bất ngờ cháy trong đêm, hai vợ chồng già tử vong. Lúc đám cháy bùng phát, trong nhà có 5 người là vợ chồng ông Trần Văn Q. (sinh năm 1935), bà Trần Thị V. (sinh năm 1937) và vợ chồng người con trai cùng con gái ông Q. Hai vợ chồng ông Q. tử vong, 3 người con không cứu được bố mẹ vì ngọn lửa bùng phát quá dữ dội trong cửa hàng nhiều hàng hóa bánh kẹo, ni lông...

"Nếu thằng cháu tôi không khỏe giữ tôi lại ở ngoài được mà tôi cứ lao vào đám cháy thì chắc giờ tôi cũng đi rồi", ông Trần Quảng Đại, con trai ông Q. kể khi nhớ lại sự thảm khốc của đám cháy đêm hôm ấy.

Lối lên cầu thang ra chỗ thoát hiểm ở tầng 2 trong quán tạp hóa tại thị trấn Nam Sách. Dù khi xảy ra cháy, trong nhà có bình chữa cháy nhưng vẫn không đủ để chữa cháy.

Lối lên cầu thang ra chỗ thoát hiểm ở tầng 2 trong quán tạp hóa tại thị trấn Nam Sách. Dù khi xảy ra cháy, trong nhà có bình chữa cháy nhưng vẫn không đủ để chữa cháy.

Gần 8 tháng sau vụ cháy, ngôi nhà vẫn bỏ không, chỉ được cải tạo gian ngoài để làm ban thờ hai ông bà. Hiện trường ngôi nhà bị cháy vẫn vậy. Chỗ cháy nhiều nhất được khóa kín. Bên ngoài, muội than đen bám khắp tường, đệm, chiếc chiếu vẫn còn đó, xốp trên trần nhà cháy gần hết. Ngôi nhà quạnh hiu, lạnh lẽo với những ký ức đau thương về đêm hỏa hoạn đã khiến ông Đại mất bố mẹ, mất tài sản. Sau vụ cháy, vợ chồng ông Đại thuê một ngôi nhà trong chợ tiếp tục bán hàng tạp hóa, người con gái cũng đi thuê nhà ở. Vụ cháy đến rồi đi, hai người mất, ngôi nhà vẫn ở đó nhưng chẳng còn gì ngoài những ám ảnh.

Gần đây nhất, sáng 28/5, vụ cháy quán ăn ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa khi một thiếu niên 15 tuổi ra đi mãi mãi trong lần về ăn sinh nhật em, một cháu nhỏ bị bỏng vẫn đang điều trị. Cả hai đều là con chủ quán là chị Đ.T.H. Chị H. hiện vẫn đang chăm sóc con nhỏ ở Bệnh viện Bỏng quốc gia. Chị H. bảo tài sản thiệt hại khoảng vài chục triệu nhưng nỗi đau lớn nhất là mất con. Càng buồn hơn khi trong hoàn cảnh vợ chồng ly hôn, chị ít có thời gian ở với con nên càng thương con.

Có lẽ, vụ cháy cùng sự ra đi của con lớn và những vết sẹo bỏng trên người con nhỏ sẽ là thứ mãi ám ảnh người mẹ suốt cuộc đời này.

Lời khuyên của người "đi ra từ cháy"

Từ cuối năm 2023 đến nay, tại Hải Dương xảy ra nhiều vụ cháy để lại những hậu quả thương tâm. Khoảng 3 giờ ngày 4/5, cửa hàng hoa Lâm Oanh ở số nhà 422 Nguyễn Lương Bằng, thị trấn Thanh Miện cháy lớn, một cháu bé 12 tuổi tử vong trên gác lửng. Nhiều vụ cháy khác xảy ra may mắn không thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại tài sản và sự sợ hãi kéo dài...

Hiện trường ám ảnh vụ cháy cửa hàng hoa ở huyện Thanh Miện khiến một cháu bé 12 tuổi tử vong. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Hiện trường ám ảnh vụ cháy cửa hàng hoa ở huyện Thanh Miện khiến một cháu bé 12 tuổi tử vong. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Theo đúc kết của ông Trần Quảng Đại, người sống sót nhưng mất đi bố mẹ sau vụ cháy, để tránh tai họa do "bà hỏa" thì có hai thứ rất quan trọng trong nhà phải bảo đảm là lối thoát hiểm và một hệ thống điện an toàn.

Còn với ông Đủ ở huyện Tứ Kỳ, người cha vừa mất 2 con trong vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội, các cơ quan chức năng cần làm chặt chẽ hơn nữa việc quản lý phòng cháy, chữa cháy. Ông Đủ nhắc đi nhắc lại nỗi băn khoăn tại sao các cơ quan chức năng đã không làm chặt hơn việc quản lý, xử lý vi phạm trong phòng cháy, chữa cháy. Ông vẫn buồn rằng giá như khu nhà trọ con trai ông ở khi đã nhiều lần được nhắc nhở nguy cơ xảy ra cháy thì sẽ bắt buộc phải sửa sang, bổ sung hệ thống phòng cháy, chữa cháy bảo đảm hoặc việc kinh doanh xe điện của chủ nhà được quản lý chặt chẽ đúng quy định. Như vậy, có lẽ hỏa hoạn đã không xảy ra và nếu có xảy ra cũng không mất mát nhiều đến thế.

Mạng sống của con người rất đáng quý. Mỗi chúng ta hãy trân quý mạng sống của chính mình mà "khó tính", khắt khe nhất có thể với những điều kiện an toàn khi chọn nơi mình sinh sống để tránh những tai nạn, hỏa hoạn đáng tiếc. Sau vụ hỏa hoạn vừa rồi, nhiều nhà trọ, chung cư mini ở Hà Nội bị rà soát và yêu cầu lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy mới được hoạt động. Một số người ở Hải Dương cũng bỗng nhiên "vô gia cư", phải đi tìm nhà mới vì chủ nhà cũ không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy. Nhiều sinh viên, người lao động cũng kéo va li rời nhà trọ chật hẹp, bí bách.

Đây có lẽ là cơ hội để ta tự bảo vệ chính mình và được chọn lựa một nơi an toàn hơn. Đừng vì một lý do không đáng nào đó mà chấp nhận sinh sống trong một nơi đầy rẫy nguy cơ hỏa hoạn rồi nơm nớp đặt cược mạng sống vào may rủi hay chủ quan "chắc không cháy nhà mình đâu". Đơn giản nhất, hãy dành thời gian học, trang bị cho mình và người thân những kỹ năng cơ bản để phòng cháy, chữa cháy và thoát thân khi có cháy. Những kiến thức này ngày nay không khó tìm, khó học.

Mất mát do hỏa hoạn gây ra ngày càng lớn nhưng nhiều người vẫn chưa cảnh tỉnh để nâng cao cảnh giác. Mong rằng sẽ không có thêm những gia đình, những người phải bàng hoàng, đau đớn vì hỏa hoạn.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/am-anh-noi-dau-hoa-hoan-383681.html