Ám ảnh sợ béo, ăn kiêng liên tục, thể dục quá mức: Dấu hiệu của bệnh chán ăn tâm thần

Ám ảnh về cân nặng cùng với việc 'ăn kiêng' để giữ 'eo' kéo dài liên tục, rất có thể là biểu hiện của bệnh chán ăn tâm thần, chứ không chỉ là để làm đẹp.

 Ths. Vũ Sơn Tùng - Phó Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) - khám và tư vấn cho bệnh nhân

Ths. Vũ Sơn Tùng - Phó Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) - khám và tư vấn cho bệnh nhân

Những nghiên cứu về bệnh chán ăn tâm thần còn chỉ ra hậu quả không thể ngờ là có thể gây tử vong đột ngột ngay cả khi không bị thiếu cân, do rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải. Đặc biệt, bệnh nhân chán ăn tâm thần thường bị rối loạn tâm thần.

Thông tin trên được Ths. Vũ Sơn Tùng - Phó Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết tại hội thảo về vấn đề này, diễn ra chiều nay, 28/2, tại Hà Nội.

Sợ béo, rơi vào trầm cảm, chán ăn

Ths. BS. Nguyễn Phương Linh - bác sĩ điều trị tại Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống Viện Sức khỏe tâm thần - đã kể về một trường hợp mà chị đang trực tiếp điều trị vốn là một cậu bé vốn tính tình vui vẻ, hòa đồng và học giỏi, bỗng một ngày phải nhập viện.

Bệnh nhân 13 tuổi, nhập viện với lý do ăn uống kém, gầy sút cân, diễn biến khoảng 1 năm nay với nhận thức sai lệch về trọng lượng và rơi vào hội chứng trầm cảm.

Mẹ cậu - một giáo viên - cho biết, năm ngoái, cậu nặng 67kg, cao 1m56, khi bị bạn bè trêu chọc là béo, cậu đã tự ti đến mức không muốn chơi với các bạn, không tham gia các hoạt động chung như trước, đồng thời, khao khát giảm cân để không bị trêu chọc. Cậu âm thầm lên mạng, tự tìm hiểu các phương pháp giảm cân, chế độ ăn kiêng rồi áp dụng cùng với những bài tập thể dục có cường độ cao.

Ths. BS. Nguyễn Phương Linh khám và tư vấn cho một bệnh nhân

Ths. BS. Nguyễn Phương Linh khám và tư vấn cho một bệnh nhân

Điều đáng nói là khi cậu đã cao 1m73, nặng 51kg, thể trạng gầy gò, cậu vẫn tiếp tục ăn kiêng và tập luyện như trước, nên gầy gò, mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn. Cậu thường xuyên soi gương và luôn ám ảnh việc mình bị tăng cân trở lại, nên không ăn thịt cá, mà chỉ ăn bánh bao chay buổi sáng, và 1 vài thìa cơm trắng vào buổi trưa và tối, cùng vài cọng rau. Cậu cho biết nếu không tập thể dục như cũ, có cảm giác đau khổ bồn chồn bứt rứt, khó chịu trong người.

Không chỉ thay đổi thể chất, tâm lý cậu bé cũng thay đổi. Cậu ít nói chuyện với mọi người, kể cả bố mẹ và bạn bè cùng lớp, không còn thích thú với bóng đá, bơi lội như trước.

Vì thế, gia đình đã đưa cậu đến Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ chỉ định cậu phải bổ sung vi chất, cải thiện chế độ ăn uống, giảm luyện tập. Tuy nhiên khi về nhà, cậu vẫn không thay đổi. Gia đình lại đưa cậu đến bệnh viện và lần này, cậu phải nhập Viện sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng may mắn, chỉ sau hơn một tháng điều trị, với sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và gia đình, sức khỏe của cậu bé đã tiến triển rất tốt.

Bệnh phổ biến ở phụ nữ trẻ

Về lứa tuổi mắc bệnh này, Ths. Vũ Sơn Tùng lưu ý: 85% bệnh nhân ở độ tuổi 13 đến 18, là giai đoạn có nhu cầu làm đẹp. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh <15 tuổi ngày càng tăng. Bệnh nhân lớn tuổi hoặc <11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn.

Căn bệnh này ở xảy ra nữ giới nhiều gấp ba lần nam giới và bệnh nhân là nữ giới cũng cần điều trị lâu hơn nam giới. Tuy nhiên, nam giới trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh. Những người có nhân cách khép kín thường bị mắc nhiều hơn người bình thường. Tỷ lệ mắc cao hơn trong một số ngành nghề: đấu vật, vận động viên thể hình, người mẫu.

Ths. Vũ Sơn Tùng - Phó Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống- chia sẻ thông tin mới nhất về bệnh chán ăn tâm thần

Ths. Vũ Sơn Tùng - Phó Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống- chia sẻ thông tin mới nhất về bệnh chán ăn tâm thần

Ths. Vũ Sơn Tùng chia sẻ thêm: Con số thống kê cho thấy có tới 20-25% người mắc chán ăn tâm thần đã từng cố gắng tự sát và tỷ lệ này cao hơn 1,7 lần so với dân số chung. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân chán ăn tâm thần cao hơn 4 - 14 lần so với dân số chung và cao hơn 2-3 lần so với rối loạn lưỡng cực, trầm cảm và tâm thần phân liệt. Tỉ lệ tử vong do tự sát cao hơn khoảng 5 lần so với quần thế dân số chung.

Những người mắc bệnh chán ăn tâm thần luôn có cảm giác sợ hãi bị tăng cân và thường đói nhưng lại từ chối thức ăn. Nhiều người có cân nặng chiều cao cân đối nhưng luôn bị ám ảnh rằng bị thừa cân, thậm chí ngay cả khi họ có cân nặng thấp dưới ngưỡng.

Theo Ths. Vũ Sơn Tùng, có 2 loại chán ăn tâm thần là hạn chế ăn, hoặc ăn rồi cố tình gây nôn nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.

Tất nhiên, hầu hết bệnh nhân bị chán ăn tâm thần thường đi khám các chuyên khoa khác trước khi đến với chuyên khoa tâm thần, như khám tiêu hóa do ăn thấy đau bụng, khám thần kinh vì mất ngủ, hay khám tim mạch do mệt mỏi. Đặc biệt, dù được bác sĩ phát hiện và tư vấn bị mắc chán ăn tâm thần nhưng các bệnh nhân không muốn chấp nhận sự thực đó để có thể đến đúng chuyên khoa điều trị.

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại hội thảo

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại hội thảo

Để giúp các gia đình sớm phát hiện được người mắc bệnh chán ăn tâm thần, điều trị sớm sẽ cho kết quả tích cực hơn. Ths. Vũ Sơn Tùng chỉ ra các dấu hiệu nhận biết căn bệnh này: Bệnh nhân thường giảm cân quá mức hoặc không làm tăng cân theo tiêu chuẩn phát triển; ngoại hình mỏng manh, thon gọn quá mức; mệt mỏi; mất ngủ; chóng mặt hoặc ngất xỉu; mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt. Người mắc bệnh chán ăn tâm thần thường xuyên bỏ ăn; chỉ ăn một số loại thực phẩm ít chất béo và calo; áp dụng các nghi thức ăn uống hoặc bữa ăn cứng nhắc, chẳng hạn như nhổ thức ăn ra sau khi nhai; nói dối về lượng thức ăn đã được ăn; thường xuyên soi gương để tìm các vấn đề hình thể; phàn nàn về việc béo hoặc có các bộ phận trên cơ thể béo; thiếu cảm xúc; xa lánh mọi người; cáu gắt; giảm hứng thú tình dục.

Theo các nhà nghiên cứu, hiện nguyên nhân bệnh chán ăn tâm thần chưa được khẳng định, nhưng có thể là sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/am-anh-so-beo-an-kieng-lien-tuc-the-duc-qua-muc-dau-hieu-cua-benh-chan-an-tam-than-post164562.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi