Ám ảnh từ sự lãng phí
Tôi bước vào con ngõ, nhìn thấy một nhóm trẻ và cả mấy người lớn đứng cạnh một đường ống nước bị vỡ, những tia nước bắn tung tóe. Trong khi lũ trẻ thích thú nghịch nước, thì chẳng có người lớn nào có mặt tỏ ra sốt ruột cả. Hỏi đã báo với đơn vị cấp nước chưa, đáp lại là ánh mắt nhìn khác lạ. Chẳng có ai trả lời tôi cả.
Cách đó một đoạn đường là tấm băng rôn còn sót lại tuyên truyền cho Ngày nước Thế giới 2024 - “Nước cho hòa bình”.
Trong khi cơ quan quản lý xếp nước là tài nguyên, thì rất nhiều người vẫn cho rằng, đó là thứ trời cho. Nước có ở sông, hồ tự nhiên và trên trời đổ xuống. Bởi nhận thức ấy mà ngay đến nước sạch có bị chảy tuôn ra môi trường thì cũng chẳng có nhiều người tiếc. Chỉ là nước thôi mà, thiếu gì! Nhưng mà để có nước sạch là cả một quá trình sản xuất phải tiêu tốn tiền bạc. Kể cả có là nước thô đi chăng nữa thì nó cũng quý, là nguyên liệu đầu vào cho nước sạch.
Nguồn nước để sản xuất nước sạch ở Việt Nam cơ bản đang sử dụng từ những dòng sông bắt nguồn ở nước ngoài. Nguồn nước xuyên biên giới kiểu như vậy đang bị Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc đánh giá là phải chịu sức ép nặng nề do bị ô nhiễm và suy thoái nguồn nước từ các hoạt động xả thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt hàng ngày và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đó cũng là những thách thức lớn cho an ninh nguồn nước ở Việt Nam, mà nếu không có biện pháp bảo vệ chúng ta sẽ rất bị động.
Có lần ngang qua một công trường tôi được tiếp cận thông điệp rất ý nghĩa và cũng rất ấn tượng, đó là tấm pano với dòng chữ lớn: “Khóa vòi nước, mở vòi ý thức”. Ấn tượng bởi hai lẽ. Thứ nhất, người đưa ra thông điệp đã dùng chữ rất khéo, vừa dễ nhớ vừa khơi gợi lòng tự trọng của người sử dụng. Thứ hai, tôi đã phải làm một việc là dừng lại để khóa cùng lúc tới hai vòi nước cách nhau không xa đang chảy hết công suất trước khi đọc hết dòng thông điệp trên tấm pano.
Từ đó đến nay đã có thêm nhiều chiến dịch truyền thông kêu gọi tiết kiệm nước, nhưng rồi hôm nay tôi lại gặp tình cảnh tương tự. Trong khi nước sạch chảy vô thức, còn con người có ý thức thì vô tư đứng nhìn. Họ quan niệm trách nhiệm khắc phục là của cơ quan quản lý, nên chẳng việc gì phải báo cả, cũng không cần phải có biện pháp để ngăn chặn sự thất thoát. Rạch ròi đến thế thì sự lãng phí là khó tránh khỏi.
Những tấm pano với dòng chữ lớn khuyến nghị ý thức sử dụng nguồn nước không phải ngẫu nhiên được đặt cạnh vòi nước. Băng rôn cũng vậy, treo ở nơi đông người là nhằm hướng tới sự tác động làm thay đổi nhận thức của cộng đồng. Xin đừng để những tấm pano, băng rôn trở nên cô đơn và bị lãng phí cùng nguồn tài nguyên nước bị thất thoát đâu đó mỗi ngày.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/am-anh-tu-su-lang-phi/209798.htm