Ám ảnh vì... sốt xuất huyết

Sau khi trải qua quá trình điều trị sốt xuất huyết (SXH), có những bệnh nhân và người nhà đã bị ám ảnh với con vi rút này. Họ mong muốn, mỗi người dân thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch SXH để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người nhà và cho cả cộng đồng.

Hành trình điều trị SXH cho con

Theo chân y sĩ Lưu Văn Tuất, Trạm Y tế xã Đắk Wer, chúng tôi tới thăm nhà em Lê Hồng Nhật Thăng (SN 2006) ở bon Bu N'doh. Em Thăng là một bệnh nhân mắc SXH nặng trên địa bàn xã. Quá trình điều trị bệnh SXH cho Thăng hết sức vất vả, gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm tới thăm là gần 1 tuần sau khi Thăng được xuất viện. Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga, mẹ của em Thăng vẫn chưa thể quên hành trình gần 1 tháng trời cùng con điều trị SXH từ Đắk Nông tới TP. Hồ Chí Minh.

Y sĩ Lưu Văn Tuất (ngồi bên phải) tới thăm hỏi tình hình sức khỏe và động viên em Thăng cùng gia đình

Y sĩ Lưu Văn Tuất (ngồi bên phải) tới thăm hỏi tình hình sức khỏe và động viên em Thăng cùng gia đình

Em Lê Hồng Nhật Thăng cho biết, khoảng nửa tháng trước khi thi tốt nghiệp THPT, em cảm thấy trong người mệt mỏi và lên cơn sốt cao. Sau 1 buổi điều trị tại nhà, em được đưa tới Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đắk R’lấp để làm xét nghiệm máu. Tại đây, em được thông báo dương tính với SXH và được cho điều trị tại nhà, xét nghiệm máu hàng ngày để theo dõi.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 6, khi tiểu cầu xuống khoảng 60G/L em được chỉ định nhập viện điều trị tại TTYT huyện. Ngày thứ 15 sau khi mắc SXH, tiểu cầu giảm xuống 12G/L, em được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cấp cứu. Tuy nhiên tiểu cầu không có dấu hiệu tăng, em được các bác sĩ chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP. Hồ Chí Minh.

Ngồi với con trên chuyến xe cứu thương chuyển viện, chị Nga không khỏi xót xa: “Lúc đó trong lòng tôi lo lắng và rối bời hết mức. Lúc bác sĩ ký giấy chuyển viện cho con, chỉ số tiểu cầu của con tôi lúc đó chỉ còn khoảng 5G/L, nguy hiểm vô cùng.”

Ngay khi tới bệnh viện, em Thăng được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu. 4 tiếng đồng hồ chờ ngoài phòng cấp cứu, lòng chị Nga như lửa đốt vì không biết tình hình con trong đó ra sao. Đến bệnh viện từ 22h đêm thì đến 3h sáng hôm sau con chị được truyền tiểu cầu lần đầu tiên.

Đến tận bây giờ, chị Nga, mẹ của em Thăng vẫn không quên khi nhớ lại hành trình gần 1 tháng trời cùng con điều trị SXH từ Đắk Nông tới TP. Hồ Chí Minh

Đến tận bây giờ, chị Nga, mẹ của em Thăng vẫn không quên khi nhớ lại hành trình gần 1 tháng trời cùng con điều trị SXH từ Đắk Nông tới TP. Hồ Chí Minh

4 ngày nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy, tiểu cầu của em Thăng không có dấu hiệu tăng, chỉ dao động khoảng 10-16G/L. Chỉ khi nào được truyền tiểu cầu và tiêm thuốc thì tiểu cầu của em Thăng mới lên được khoảng 27-28G/L “Các bác sĩ cho biết trường hợp của con tôi khá đặc biệt. Khi nghe bác sĩ nói không biết nguyên nhân bệnh của con tôi, tôi càng hoang mang. Cảm giác lúc đó không biết bấu víu vào đâu nữa”, chị Nga tâm sự.

Một lần nữa, em Thăng lại được chuyển qua bệnh viện khác để điều trị.

Tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, sau khi được làm xét nghiệm em Thăng được các bác sĩ chẩn đoán bị giảm tiểu cầu vô căn, tức là giảm tiểu cầu không có nguyên do. Cơ thể em Thăng tự sản sinh ra chất kháng lại vi rút SXH và cả tiểu cầu. Vì vậy, em Thăng cần được chữa trị bằng thuốc liều cao.

“May mắn là cơ thể con tôi đáp ứng được thuốc nên bệnh tình đã có chuyển biến tốt hơn. Lúc đó tôi như được trút đi gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm sau bao ngày lo lắng”, chị Nga tâm sự.

Sau khi được điều trị 1 tuần, các chỉ số tiểu cầu đã cơ bản ổn định lại, em Thăng được các bác sĩ cho về để theo dõi, điều trị tại nhà.

Bỏ lỡ kỳ thi vì... SXH

Đắk Wer là một trong những địa phương có nhiều ca mắc SXH nhất trên địa bàn huyện Đắk R’lấp. Thông qua báo đài, mạng xã hội và cán bộ y tế tuyên truyền về dịch SXH, gia đình chị Nga cũng tuân thủ theo quy định phòng chống SXH. Hàng ngày chị đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ thông thoáng. Nhưng quả thực con bị muỗi đốt lúc nào chị cũng chẳng hay.

Lúc được chuyển lên bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh cùng là cách thời gian thi 2 ngày “Khi đó em buồn lắm. 12 năm miệt mài đèn sách, em cũng muốn được tham gia kỳ thi như bao người bạn khác. Tuy nhiên vì sức khỏe không cho phép nên em đành bỏ lỡ kỳ thi”, em Thăng tiếc nuối tâm sự.

Vết bầm vẫn chưa tan trên tay em Thăng

Vết bầm vẫn chưa tan trên tay em Thăng

Nhìn những vết bầm tím vẫn còn trên 2 cánh tay của con sau gần 1 tháng điều trị SXH, chị Nga không khỏi xót xa. Tính tất cả, em Thăng được truyền tiểu cầu 5 lần, mỗi lần 250 đơn vị. Bên cạnh đó đều đặn mỗi ngày em Thăng được lấy máu 8-9 lần/ngày để làm xét nghiệm theo dõi tiểu cầu. Tổng chi phí khám chữa bệnh gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên, với chị Nga và gia đình em Thăng, sự nhận thức về mức nguy hiểm của SXH rõ ràng hơn bao giờ hết.

Chị Nga cho biết, những ngày cùng con ở bệnh viện, được tận mắt chứng kiến bệnh nhân mắc SXH cùng phòng qua đời, chị mới cảm thấy sợ hãi tột độ với con vi rút này. “Qua đây, tôi mong người dân thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch SXH để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người nhà và cho cả cộng đồng ”, chị Nga chia sẻ.

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân mắc SXH ở TTYT huyện Đắk R'lấp

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân mắc SXH ở TTYT huyện Đắk R'lấp

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Đắk R’lấp ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH trú tại thôn 9, xã Kiến Thành. Được biết, bệnh nhân có bệnh lý nền là tiểu đường. Theo ông Nguyễn Xuân Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, ca tử vong ban đầu đã gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng người dân. Tuy nhiên, từ trường hợp không may trên, người dân đã thay đổi, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm khi mắc SXH. Người dân quan tâm hơn về công tác phòng, chống dịch ngay tại gia đình.

Ông Điểu N’Tao, bon Bu N'doh, xã Đắk Wer, người nhà của bệnh nhân mắc SXH cho hay, thông qua báo đài và được nhân viên y tế tuyên truyền, gia đình ông đã có nhiều thay đổi trong sinh hoạt để phòng chống SXH. Trong đó, gia đình ông đã chủ động dọn dẹp vệ sinh, đổ nước tù đọng trong các thùng, vật chứa nước ngoài trời, thực hiện ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.

Từ ngày 1/1-17/7, trên địa bàn huyện Đắk R'lấp ghi nhận 369 ca SXH với 2 ổ dịch diễn biến phức tạp tại xã Đắk Wer và xã Nghĩa Thắng. Trong đó, xã Đắk Wer là địa phương có nhiều ca mắc SXH nhất với 91 ca. Đến nay các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát.

Cùng với người dân, TTYT huyện cùng chính quyền địa phương đã, đang tích cực chủ động thực hiện phòng, chống SXH trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh. “Bên cạnh chú trọng công tác tuyên truyền tới người dân, nâng cao nhận thức phòng, chống SXH, ngành Y tế huyện Đắk R'lấp thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại cộng đồng, tại cơ sở điều trị nhằm phát hiện sớm các ca SXH trên địa bàn. Đơn vị phối hợp tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diện rộng chủ động chống dịch SXH hàng tuần,...”, ông Oanh thông tin.

Hoàng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/am-anh-vi-sot-xuat-huyet-222939.html