Ám ảnh với 'Mê-đê'
Lần đầu tiên, bi kịch cổ đại Hy Lạp 'Mê-đê' được dàn dựng trên sân khấu cải lương - bản dựng của Đoàn Thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Bản diễn gọn gàng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ mà để lại không ít… ám ảnh.
Sởn gai ốc nhưng…
Kịch bản văn học “Mê-đê” được tác gia Ơ-ri-pit viết cách đây hơn 2 nghìn năm, xoay quanh cuộc trả thù thảm khốc của Mê-đê với người chồng bội phản Ja-dông. Mê-đê đã có những năm tháng dựng xây hạnh phúc lứa đôi ngọt ngào, hết lòng vun đắp công danh cho chồng bằng cả trái tim rực cháy tình yêu, sẵn sàng đánh đổi cả tình ruột rà máu mủ với mẹ cha, em trai thậm chí phải bỏ cả quê hương để lựa chọn tình yêu duy nhất – Ja-dông... Một ngày nọ, Ja-dông thay lòng đổi dạ, ruồng bỏ mẹ con nàng để đi lấy con gái vua Crê-ông – người trị vì đất nước Cô-ranh. Ngay sau đó, vua Crê-ông đã trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ của mình bởi lo lắng Mê-đê vì ghen tuông mà đe dọa nguy hiểm đến hạnh phúc của con gái mình. Ở bước đường cùng, Mê-đê lên kế hoạch, chủ động bước vào cuộc trả thù chồng mình và cha con vua Crê-ông...
Có thể thấy, chất chồng trong vở cải lương “Mê-đê” là độc thoại đầy uất hận đắng cay của người đàn bà phải chịu nỗi bẽ bàng vì bị chồng ruồng bỏ rồi bị vua Crê-ông không tuân thủ luật hiếu khách cao đẹp của người Hy Lạp nên tống khứ Mê-đê khỏi xứ Cô-ranh.
Đảm nhận vai này, nghệ sĩ Như Quỳnh đã phải hối hả vừa hát vừa diễn trong suốt gần 100 phút - một sức lao động bền bỉ dường như không biết mệt, đáng để biểu dương.
Thế nhưng, giữa đất diễn cho chiều sâu nội tâm nhân vật vô cùng mênh mông, phức tạp, đa thanh ấy, thật ám ảnh và mệt mỏi khi phải nghe, phải xem từ đầu đến cuối vở diễn lối diễn còn lên gân của những gào thét, ánh mắt đảo điên… của Mê-đê Như Quỳnh. Dù rằng trong đó không thiếu những sụt sùi của nước mắt nhưng vẫn không thể che lấp được
Mê-đê một màu, cứng nhắc, thiếu chân thực, cảm xúc không bay lên. Bởi vậy, vai diễn này chỉ có thể khiến khán giả thấy sởn gai ốc vì phải hứng trọn sự nỗ lực tạo hình người vợ điên cuồng ghen tuông của diễn viên để không ít người bị cuốn vào cảm xúc tàn độc của sự hận thù, tàn độc chứ không phải là sự thức tỉnh, thanh lọc tâm hồn để có thể tìm được tiếng nói đồng cảm, chia sẻ, xót thương.
Nhất là khi bước vào tấn bi kịch cuối cùng: Mê-đê giết con, vẫn là những lời thoại dài dằng dặc (qua cả ca hát) chỉ chất chứa những uất ức, cuồng nộ, lạnh băng khiến người xem thêm rùng mình ghê sợ chứ chẳng thể rơi nước mắt cảm thông cho nỗi đau đến cùng cực đã xé nát trái tim ngập tràn yêu thương của một người mẹ bị dồn đến bước đường cùng ấy.
Cộng hưởng vào đó là hai người con của Mê-đê được thể hiện bằng 2 bức tượng trơ trơ do 2 nữ hầu bế trên tay khiến cho sự biểu đạt cảm xúc, trạng thái tâm lý càng bị hạn chế, không lột tả được những giằng xé nội tâm của người đàn bà kiêu hãnh khốn khổ như Mê-đê. Chẳng thế mà có khán giả trẻ thốt lên: “Rùng rợn hơn cả phim kinh dị!”. Có người đã than thở: “Thôi, về với vua Ê-giê đi, đừng giết con nữa…”.
Bên cạnh một Mê-đê Như Quỳnh gần như chỉ có nạt nộ, gào thét từ đầu đến cuối theo khuôn mẫu còn là một Ja-dông Minh Hải dù bị mặc định là kẻ phụ bạc - vai phản diện - song lại dễ dàng làm mủi lòng khán giả trong lớp diễn cuối cùng khi đối thoại với vợ - Mê-đê về hành vi giết con của nàng.
Không chỉ thế, trong suốt vở diễn, người xem còn thật khó cảm nhận được sự bội phản của Ja-dông Minh Hải qua hành động, lời nói nếu như điều đó không được mặc định từ trước.
Cách thoại và ca của Minh Hải chưa được biểu đạt bằng ngữ điệu khả ố để rõ nét cho vai phản diện mà vẫn ngọt, mùi giống như anh đang vào vai chính diện lâu nay vẫn đảm nhận! Thực tế đó cho thấy, hiệu ứng diễn xuất của các nghệ sĩ Như Quỳnh và Minh Hải gần như phản tác dụng, dù họ lao động nghệ thuật khá nghiêm túc, nhất là với Như Quỳnh.
Ngoài ra, sân khấu của vở diễn khá sắc màu với bốn chiếc cột ước lệ trong đó có cột gắn trái tim đen và ở giữa là tạo hình giống trái tim vàng treo ngang để những dải lụa xanh đỏ, vàng trắng rủ xuống…
Có thể, những giây phút ban đầu đem lại hấp dẫn nhất định, song tiếc là những đạo cụ ấy ít chuyển động, biến hóa nên bị nhạt nhòa, ít mang giá trị biểu cảm để cộng hưởng với diễn biến tâm lý hay tình huống kịch.
Cách kể chuyện ở đây cũng không mới khi các lớp diễn cứ tuần tự minh họa theo nguyên tác khi có đủ nhũ mẫu khai màn, dàn đồng ca tham dự, vua Crê-ông ra thông báo việc trục xuất Mê-đê, vua Ê-giê trên đường ghé qua gặp gỡ Mê-đê…
Mong đợi nhiều hơn
Vở cải lương “Mê-đê” (nguyên tác: Ơ-ri-pit (bản dịch Hoàng Hữu Đản, NXB Sân khấu - 2006), kịch bản cải lương: Lê Chức – Triệu Trung Kiên, đạo diễn: NSƯT Lê Chức, biểu diễn: Đoàn Thể nghiệm) vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn đến khán giả Thủ đô. Cả vở diễn gần như chỉ là độc thoại nội tâm của một nhân vật - Mê-đê.
Lẽ ra, ở nhân vật Mê-đê, khán giả chờ mong một phân thân của người mẹ hết mực yêu con - người vợ thủy chung, dốc lòng yêu chồng và người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán, kiêu hãnh bước vào cuộc chiến nội tâm giằng xé giữa tình cảm và lý trí, hận thù và yêu thương, ích kỷ đến mù quáng hay bao dung quảng đại, ham sân si hay buông bỏ…
Đặc biệt, ở cuộc chiến đấu đơn thương độc mã này, Mê-đê còn chiến đấu cho nữ quyền, không chấp nhận luật pháp bất công cho phép nam giới được phép đơn phương ruồng bỏ vợ để tìm hạnh phúc mới nên gây ra sự tan đàn xẻ nghé hạnh phúc lứa đôi của bao gia đình.
Hành động Mê-đê giết con là hành động phản kháng cuối cùng và cao nhất trong tư thế chủ động. Người mẹ này đã để lý trí chiến thắng tình cảm với cái giá lớn lao của nỗi đau tột cùng.
Khi đó, người mẹ này không chỉ để tránh cho những khúc ruột của mình bị nhục mạ và chết trong tay kẻ thù, sự trừng phạt cao nhất đối với Ja-dông hay minh chứng cho lòng kiêu hãnh quyết không chịu nhục của bản thân nàng, mà còn là lời khẳng định đanh thép về tư cách làm mẹ - chỉ Mê-đê mới có thể sinh được những đứa con nên nàng có quyền mang cái chết yên bình nhất, yêu thương nhất mà cũng đau khổ nhất đến cho chúng.
Bởi thế, không nên dừng lại ở việc khai thác “Mê-đê” là vở kịch của sự ghen tuông mù quáng cả về diễn xuất lẫn dàn dựng. Mà, “Mê-đê” tỏa sáng suốt mấy nghìn năm qua bởi đây là vở bi kịch đầu tiên công khai và lớn tiếng đấu tranh cho sự bình đẳng giữa nam và nữ giới, sự đấu tranh đến cùng bằng những trừng phạt khủng khiếp nhất.
Đó cũng là điều tác gia Ơ-ri-pit muốn gửi gắm trong những trang kịch “Mê-đê” bạo liệt mà đẫm nước mắt để được người đời sau đón nhận, dàn dựng ở khắp nơi trên thế giới.
Khi đó, dù phải “chịu đựng” tấn bi kịch thảm khốc có một không hai trên sàn diễn, song từ đó khán giả tìm được sự cảm thương, xót xa đến trào nước mắt cho cuộc đời bất hạnh của nàng Mê-đê; tìm được tiếng đồng vọng đấu tranh cho thế giới bình đẳng, tình yêu thủy chung hạnh phúc lứa đôi...
Hơn 10 năm trước, đạo diễn, NSND Anh Tú đã từng dàn dựng trích đoạn “Nàng Mê-đê giết con” và nghệ sĩ Phương Nga thể hiện; hay năm 2016, NSƯT Hoàng Yến vào vai Mê-đê trong vở diễn cùng tên qua kịch bản chuyển thể của tác giả Lê Chí Trung đều đem đến cho khán giả sự đồng cảm và thức tỉnh chứ không bị chìm trong những bóng đêm chỉ có thù hận và hận thù!
Và để biểu đạt rõ nét về thông điệp ấy thì đương nhiên gã chồng bội tình, bội tín, bội nghĩa Ja-dông kia phải là kẻ tráo trở, đểu cáng, nghiệt ngã đang tâm bạo hành tinh thần người vợ tào khang Mê-đê - người đã mù quáng đánh đổi tất cả cho tình yêu duy nhất.
Mê-đê từng giúp Ja-dông lấy tấm da lông cừu vàng của cha để mang về đòi lại ngôi báu; từng xúi giục con gái vua Pêliat giết cha… Thế nhưng, diễn xuất của Minh Hải chưa thực sự làm nổi bật được khuôn mặt phản diện này.
Ở phân cảnh cần giải thích vì sao trở thành hôn phu của công chúa xứ Cô-ranh với Mê-đê, những lời thoại thể hiện sự tham vọng củng cố chỗ đứng và quyền lực được Minh Hải thể hiện chưa nhiều sức nặng.
Nhất là, vai diễn này còn thiếu hẳn một thái độ thể hiện sự ngạo mạn không cảm thấy mình mắc lỗi vì được hưởng đặc quyền mà pháp luật cho phép - đơn phương ruồng bỏ vợ cũ - để làm rõ hơn nguyên nhân vì sao anh ta không có lời nào can ngăn việc vua Crê-ông trục xuất vợ cùng những đứa con của mình.
Đó cũng là giọt nước tràn ly khiến Mê-đê quyết không chịu nhục vì nàng không chỉ là vợ, mà còn là ân nhân, là khách của Ja-dông mà nay bị vong ơn, bội nghĩa, coi thường đến thế thì mới có thể dữ dội phản kháng trả thù chồng đến tàn độc như vậy.
Bên cạnh đó, khán giả còn mong đợi một “Mê-đê” sinh động hơn từ không gian sân khấu, nhìn thấy những dải lụa kia được chuyển động, biến hình, giống như một nhân vật có cảm xúc, tâm trạng để có thể hình dung chúng như ngôi nhà được xây cất bằng trái tim của tình yêu nhưng khi Ja-dông bội phản thì nó dần vỡ nát, ròng chảy rồi sụp đổ.
Và, mỗi lớp diễn hay sự xuất hiện của các nhân vật cũng cần lắm những ấn tượng, thông điệp. Ví như, sự xuất hiện của vua Crê-ông dù chính thức trong một cảnh, song không phải chỉ đơn thuần để thông báo cho Mê-đê việc trục xuất nàng khỏi xứ Cô-ranh mà nhân vật này còn là đại diện cho thế lực cầm quyền.
Khi thế lực cầm quyền đồng lõa với sự bội tình, bội tín, bội nghĩa (bắt tay với Ja-dông) thì khủng khiếp như thế nào đây? Đó là điểm nhấn rất cần được biểu đạt ở vai diễn này để qua đó lý giải thấu đáo hơn về sự cuồng nộ của Mê-đê thực sự bắt nguồn từ đâu cũng như biểu đạt thông điệp xã hội sâu sắc hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/am-anh-voi-me-de-post636485.html