Ấm áp bánh tết

Những nồi bánh tét, bánh chưng bên bếp lửa là hình ảnh quen thuộc trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Đây là một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại, việc gói và nấu bánh dịp tết đã có phần bị mai một. Không ít bạn trẻ hiện không còn coi trọng việc gói bánh mà thay vào đó thường mua bánh làm sẵn vì vừa tiện dụng, vừa đỡ vất vả.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình lưu giữ truyền thống gói, nấu bánh tết. Đối với họ, hình ảnh những nồi bánh nghi ngút khói, xung quanh là các thành viên đang cùng nhau ngồi thổi lửa, thêm củi, canh nước… và trò chuyện rôm rả chính là hương vị đặc trưng không thể thiếu vào mỗi dịp tết.

Gia đình anh Trần Văn Lợi, ngụ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) những ngày cận tết, một nhóm 4-5 người xếp gạch phía trước sân để làm bếp chuẩn bị luộc bánh, không khí phía trong nhà nhộn nhịp khi những đòn bánh tét cuối cùng đã hoàn thành.

Trần Gia Thịnh, con trai anh Lợi chia sẻ: “Vì không khéo nên em được giao nhiệm vụ luộc bánh cùng anh chị. Chúng em thay phiên giữ lửa cháy đều, thêm nước vào nồi bánh… Trong thời gian đợi bánh chín, em trò chuyện với anh chị vì họ đi làm xa, chỉ về nhà dịp tết. Chúng em thường mang kẹo, mứt, trái cây rồi ngồi cạnh nồi bánh, kể nhau nghe những điều đặc biệt trong năm qua, những điều mình làm được và chưa làm được. Khoảnh khắc này luôn đáng nhớ nhất với em trong mỗi dịp tết”.

Các cháu nhỏ nhà anh Trần Văn Lợi quây quần bên nồi bánh tét vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Các cháu nhỏ nhà anh Trần Văn Lợi quây quần bên nồi bánh tét vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

“Đối với tôi, tết là hình ảnh cả gia đình ngồi sum vầy với nhau bên cạnh nồi bánh”, bà Nguyễn Thị Thanh Huệ, ngụ TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ. Bà Huệ cho biết gia đình mình có truyền thống gói bánh tét vào mỗi dịp tết, bánh được dùng để cúng tổ tiên và tiếp đãi khách. Việc gói bánh và luộc bánh còn giúp các thành viên trong gia đình gần gũi hơn, vì mọi người sẽ ở cạnh nhau, giúp nhau chuẩn bị mọi công đoạn để hoàn thành hơn 30 đòn bánh tét.

Bà Huệ kể: “Tôi lớn tuổi nên việc gói và luộc bánh bây giờ do các con đảm nhận. Tôi thích nhất là việc ngắm nhìn con cháu gói bánh, đứa nào không khéo tay thì lau lá, chẻ lạt, làm nhân bánh; đứa nào đảm đang nhất nhà sẽ được phân công gói chính; đàn ông trong nhà có sức khỏe thì vác củi, dựng bếp, đặt nồi, xách nước để luộc bánh. Dù vất vả nhưng các thành viên trong gia đình tôi vẫn chọn gói bánh tại nhà, khi bánh chín còn mang tặng hàng xóm làm quà tết thay cho lời chúc một năm mới đủ đầy, sung túc".

Bánh tét do gia đình tự tay gói được bà Huệ dùng để tiếp khách dịp tết.

Bánh tét do gia đình tự tay gói được bà Huệ dùng để tiếp khách dịp tết.

Đối với nhiều thế hệ người Việt, dịp gói bánh chưng, bánh tét là ngày sum họp, đoàn viên. Những chiếc bánh không chỉ được dùng để dâng cúng ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm mới trọn vẹn mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa tết truyền thống của dân tộc Việt.

Bài và ảnh:TƯỜNG VI

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/am-ap-banh-tet-19042.html