Ấm áp bữa cơm chiều 30 tết

Gác lại bao bộn bề, lo toan của một năm dài, bữa cơm chiều 30 tết được xem là ngày vui nhất, đầm ấm nhất trong năm bởi đây là thời điểm để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Với những người đang làm việc, sinh sống ở nước ngoài, bữa cơm chiều cuối năm càng gợi những cảm xúc nao nao.

Với bàn tay khéo léo, chị Đào Ngọc Mai Thy trang trí nhà và chuẩn bị bữa cơm đậm chất tết quê

Với bàn tay khéo léo, chị Đào Ngọc Mai Thy trang trí nhà và chuẩn bị bữa cơm đậm chất tết quê

Ngày cuối năm, căn nhà ông Lê Văn Chính (ấp Bình Đông, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) rộn ràng tiếng cười đùa. Vợ chồng ông Chính có 6 người con và 4 đứa cháu. Là gia đình 3 thế hệ, từ nhỏ, con cháu ông Chính được giáo dục tốt nên ai cũng chăm ngoan, học giỏi, thành đạt. Chiều cuối năm, gia đình ông cùng nhau chuẩn bị mâm cơm tươm tất dâng cúng tổ tiên và để các thành viên quây quần, chia sẻ buồn, vui của một năm qua. Sáng ngày 30 tháng Chạp, ông Chính cùng các con trang hoàng nhà cửa, cắm hoa, chưng mâm ngũ quả. Bà Lê Thị Nhung (vợ ông Chính) chuẩn bị nấu bữa cơm chiều. Bữa ăn ngày cuối năm của gia đình đầy đủ các món truyền thống và đặc biệt không thể thiếu cải chua, dưa giá.

Ông Chính chia sẻ: “Năm nào tôi cũng làm món này. Để cải chua ngon phải chọn những cây cải tươi, không sâu. Hồi trước đem cải phơi nắng cho héo, còn bây giờ thì tôi chần qua nước sôi, sau đó rửa qua nhiều nước, vắt cho ráo. Làm cải chua phải dùng đường tán, dưa mới giòn và lên màu vàng đẹp. Tùy theo khẩu vị, muốn cải nhanh chua thì bỏ nhiều đường, muốn chậm chua thì bỏ nhiều muối”. Theo ông Chính, bữa cơm chiều 30 tết để mời tổ tiên về đón tết và cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình ôn lại chuyện năm cũ và bàn chuyện năm mới.

Là du học sinh tại Nhật Bản, không thể trở về đón Tết Cổ truyền cùng gia đình nhưng Chung Xuân Sơn (quê ấp 7, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) vẫn hướng về quê hương, nhớ vị tết quê nhà. Xuân Sơn chia sẻ: “Em thường gọi điện thoại về trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Để đỡ nhớ quê, những sinh viên người Việt tổ chức bữa cơm rồi cùng ăn và đón giao thừa. Chúng em nấu những món ăn truyền thống như thịt kho tàu, canh khổ qua. Mâm cơm cuối năm tuy không đầy đủ những món ăn như ở quê nhà nhưng vẫn mang lại cảm giác ấm áp và giúp chúng em đỡ nhớ quê”. Không chỉ cùng nhau chuẩn bị bữa cơm gia đình ngày tết, Xuân Sơn và các du học sinh Việt còn gói bánh tét dù rất khó khăn trong việc mua nguyên liệu. Những đòn bánh tuy gói không được khéo nhưng cũng mang đến hương vị tết quê hương.

Hơn 8 năm qua, dù học tập và làm việc tận Hà Nội nhưng tết năm nào, chị Đào Ngọc Mai Thy (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) cũng sắp xếp thời gian về quê đón tết, cùng gia đình chuẩn bị bữa cơm chiều cuối năm. Với chị Mai Thy, đây là nơi yên bình, thoải mái nhất để trở về sau mỗi chuyến đi. Hiện tại, vợ chồng chị có chuyến công tác dài, nhiệm kỳ 3 năm tại Na Uy. Chị Mai Thy cho biết: “Bất ngờ đi trước Tết Nguyên đán, chúng tôi có chút tiếc nuối. Đây là năm đầu tiên đón tết xa nhà, dù bận rộn nhưng vợ chồng tôi vẫn dành thời gian chuẩn bị mâm cơm chiều 30 tết. Gia đình nhỏ chỉ 2 người nhưng tôi chuẩn bị đầy đủ những món truyền thống ngày tết như thịt kho tàu, cải chua, chả lụa, chả giò,... Tôi đến chợ người Việt tìm mua những đồ trang trí đậm chất tết xưa như câu đối, lồng đèn, hoa mai, đào để trang trí nhà như khi còn ở quê”.

Bữa cơm ngày cuối năm dù sung túc hay đạm bạc vẫn chứa chan tình cảm nồng ấm. Đó là điểm tựa tinh thần mà mỗi người dân đất Việt tìm về như một bến đỗ bình yên mỗi dịp tết./.

Hà Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/am-ap-bua-com-chieu-30-tet-a148238.html