Ấm áp Đồng Văn
Hơn bốn chục cây số từ cột cờ Lũng Cú về Đồng Văn, bạn đã từng lái xe xuyên Việt nhiều lần nhắc chúng tôi cài dây bảo hiểm. Con đường hiểm trở bậc nhất trên cả nước với những vòng cua tay áo liên tiếp xuống đèo. Mưa rắc hạt đủ ướt những cung đường vặn mình thon thót. Không có một chiếc gương cầu cảnh báo giao thông nào cả. Chiếc xe Ford chuyên dụng của dân 'phượt' vô cùng an toàn trong trường hợp này cũng không khỏi làm tôi ngấm ngầm rùng mình. Nhớ đến chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm có anh chàng đi chu du thiên hạ để học rùng mình. Giá như anh ấy lên Lũng Cú ngay trong ngày đầu tiên ra khỏi nhà thì đã không mất nhiều thời gian đến thế.
Dạo chơi miền ải Bắc ở vùng này tôi biết đích đến là chính là con đường chứ không phải những địa danh. Mọi cảnh vật huy hoàng tráng lệ đều in sâu trong trí nhớ trên từng cây số dốc. Bản thân con đường uốn lượn dưới thung xa đã là hình ảnh không bao giờ thấy dưới đồng bằng. Đường ở đồng bằng là thứ chỉ có thể nhìn thấy trước mắt mình vài chục mét để mà tránh những chen chúc. Chẳng biết hình dáng thế nào.
Nhưng lần này trên những cung đường ấy đã bắt đầu thấy bóng dáng của thứ văn hóa du lịch hỗn hào đáng buồn. Trẻ con bé tí nhếch nhác thường xuyên kéo ra đường vẫy xe nói ba từ tiếng Kinh ngọng nghịu “Cho tiền đi… cho tiền đi”. Hẳn là đã có nhiều khách khứa hào phóng dừng xe lại cho trẻ con tiền để góp sức làm nên thứ văn hóa du lịch kinh dị ấy.
Khu chợ cũ bên con phố cổ Đồng Văn vắng hoe vào lúc gần trưa. Hình như có một chủ trương bảo tồn khu chợ cũ nào đó đang được rụt rè áp dụng tại đây. Cũng bắt đầu thấy vài tu sửa nhỏ về kiến trúc nhà cửa trong chợ. Hàng chợ dọn dẹp đi hết nhường chỗ cho quán cà phê và hàng ăn trang trí đèn lồng đỏ. Bàn ghế nhựa khung inox sáng choang. Có vẻ như du lịch đang được hiểu theo nghĩa hàng quán ăn uống lè phè trên cả nước chứ không riêng gì nơi này. May mà vẫn còn hình hài dãy phố cổ kề bên với nhà ngói máng một tầng rêu phong thanh thản và những sinh hoạt bình dị lâu đời. Vài hàng gạo và đồ bày ra trước cửa. Những hàng hiên cột gỗ nứt nẻ bên ngoài những khuôn cửa bức bàn xộc xệch. Những lồng chim họa mi đan theo lối đồng bào trên núi cao. Những chiếc cối đá xay ngô vững chãi trên bộ chân gỗ chốt tre mộc mạc. Và tiếng chim họa mi chói chang vách đá như vọng về từ xưa cũ.
Khu chợ mới Đồng Văn nằm đối diện phía bên kia con đường quốc lộ. Phải đi qua một con suối nhỏ có bờ kè bê tông vững chãi cao quá đầu người. Chợ họp trên bãi đất trống rộng bạt ngàn. Lốm đốm vài ngôi nhà vách tôn, mái cũng lợp tôn sơn màu nâu bầm rất tương phản với áo quần sặc sỡ của đồng bào các dân tộc. Và dằng dặc chật ních một bãi gửi xe máy như ở các quán bia hơi Hà Nội. Nao nao nhớ những bước chân lẻo khoẻo con ngựa thồ ngày nào. Không có ngựa, chợ Đồng Văn cũng gần giống như chợ Hà Đông mà thôi.
Xuống dưới chân con dốc về Yên Minh chúng tôi dừng xe ngồi nghỉ chuyện trò với chú bé bán hoa quả bên vệ đường. Chú bé người Mông biết nói tiếng Kinh chỉ hai từ một. Hỏi, cháu học lớp mấy? Lớp năm! Nhà có xa không? Gần thôi. Thế nhưng bạn tôi bảo muốn mua toàn bộ số hoa quả thì chú không thể cộng nổi số tiền chỉ năm chục nghìn với món nhỏ nhất là hai nghìn cho một quả su su. Bạn phải cộng hộ số tiền trả cho chú và chỉ lấy tượng trưng vài quả. Vui. Ấm lòng và ít ra chú bé cũng cho khách một cái nhìn thân thiện về du lịch vùng cao.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/am-ap-dong-van-294475.html