Ấm áp tết Việt nơi đất nước chùa Tháp

Chỉ cách nhau khoảng nửa ngày đường để về Việt Nam, nhưng vì những lý do khác nhau, phần đông người Việt ở Campuchia không thể về quê đón Tết Nguyên đán. Tuy vậy, 3 ngày Tết nơi đất khách, mâm cơm của kiều bào vẫn đủ đầy món ăn mang đậm phong vị truyền thống của người Việt; các nghi thức, phong tục tập quán ngày Tết vẫn được người Việt nơi đây giữ gìn.

Khu chợ Olympic - nơi tụ họp đông đúc người Việt vào những ngày Tết

Khu chợ Olympic - nơi tụ họp đông đúc người Việt vào những ngày Tết

Từ tờ mờ sáng, chị Nguyễn Thị Lê (ngụ phường Svay Par, quận Russey Keo, cách Thủ đô Phnom Penh chừng 10km) đã dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa. Bàn thờ tổ tiên được bày biện đầy đủ mâm ngũ quả và một nhành hoa mai vàng rực, ngôi nhà cũng trang hoàng đẹp để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Các vật dụng chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên trong 3 ngày Tết với các món Việt truyền thống cũng được sắm đầy đủ. "Tôi theo cha mẹ qua đây sinh sống từ những năm 1975. Từ đó đến giờ, chưa một lần, tôi ăn Tết ở Việt Nam vì cả cha mẹ và anh em đều ở đây. Tuy vậy, gia đình tôi vẫn duy trì thói quen làm mâm cơm cúng ông bà dịp giao thừa. Sáng mùng 1, cả nhà đi chúc tết cha mẹ, bạn bè, lì xì cho con cháu" - chị Lê chia sẻ. Những việc này đã được chị Lê và hàng trăm hộ dân khác nơi đây giữ gìn trong suốt hàng chục năm qua.

Chị Lê cho biết, xóm người Việt ở Cây số 9 đã có hơn 300 hộ dân sinh sống, cứ cách nhau khoảng 1 - 2km, lại có thêm một xóm người Việt. Các kiều bào tại Campuchia sống quây quần cùng nhau, số lượng người Việt tại nước bạn cũng lên đến hơn nửa triệu người nên không khí ngày tết ở đây rất nhộn nhịp không thua kém gì ở quê nhà. Thêm nữa, dịp Tết Nguyên đán tại Campuchia cũng được Chính phủ nước bạn đón nhận như một ngày lễ trong năm, nên người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây sẽ được bố trí cho nghỉ lễ. Người dân nước bạn cũng thích thú với phong tục ngày tết của người Việt.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lê tại xóm người Việt (Cây số 9) sum họp, lì xì tết cho con cháu

Gia đình chị Nguyễn Thị Lê tại xóm người Việt (Cây số 9) sum họp, lì xì tết cho con cháu

Với gia đình chị Lê Thị Thanh (quê gốc Đồng Nai, hiện đang làm chủ một quán hủ tiếu tại chợ Sacada - hay còn dược gọi là chợ Cây Táo), 3 ngày Tết ở Campuchia còn là cơ hội để chị tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chị Thanh kể, công việc chính của chị từ khi sang Campuchia là mở một quầy bán hủ tiếu tại khu chợ Sacada, thu nhập cũng đủ cho vợ chồng chị cùng đứa con trai trang trải chi phí thường nhật. Những ngày đầu năm, lượng người du xuân tăng lên cũng là lúc quầy hàng của chị đắt hàng hơn. "Ở quê nhà không có đất đai, tay nghề cũng không nên tôi cùng chồng qua đây tìm kế mưu sinh. Những năm đầu, vì tiền bạc còn eo hẹp, chúng tôi đành phải ở lại đất khách ăn Tết. Hai năm nay, kinh tế khá hơn, tôi chỉ bán hết 3 ngày tết, mùng 4 là gia đình đón xe về quê nhà sum họp. Được ăn Tết ở tại nơi mình sinh ra vẫn tốt hơn so với việc đón cái Tết nơi xứ người" - chị Thanh nói.

Những người Việt ở Campuchia cho biết, trong mấy ngày Tết Nguyên đán, tại các khu chợ, trung tâm thương mại nổi tiếng của Campuchia khá nhộn nhịp do có đông người Việt Nam đổ ra đường vui xuân. Những địa điểm đa số người Việt chọn đến trong dịp này là Trung tâm thương mại Sorya, chợ Olympic, chợ Orussey và chợ Sacada vì có nhiều địa điểm vui chơi, ăn uống. Ngoài các địa điểm này, Quảng trường độc lập, khuôn viên trước cửa Cung điện hoàng gia Campuchia (hay còn được gọi là thành vua) cũng thu hút lượng lớn người dân đến vui chơi, chụp ảnh.

Theo lời những người Việt sinh sống tại Banlung - nơi có nhiều bà con người Việt đang sinh sống, người Campuchia ăn tết Việt còn lớn hơn cả tết của chính họ diễn ra vào tháng 4 âm lịch. Chính tình cảm thân thiện và ấm cúng này đã khiến hàng trăm nghìn người Việt cảm nhận được sự ấm áp mỗi độ xuân về. Dù khi nào, ở bất cứ đâu, phong tục của người Việt cũng sẽ được gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Thùy Dương - Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/am-ap-tet-viet-noi-dat-nuoc-chua-thap-131500.html