Ấm áp vụ Đông

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, không khí sản xuất vụ Đông của bà con nông dân trong tỉnh trở nên nhộn nhịp, tất bật như đang chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ trồng các loại cây rau màu.

Với phương châm “Hướng vào giá trị làm mục tiêu sản xuất”, sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, các địa phương trong tỉnh từ miền xuôi đến miền ngược đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác các loại cây trồng đặc sản giá trị cao, phù hợp với vụ Đông như: Ngô, ớt, nấm, rau các loại..., từ đó đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ chăm sóc rau vụ Đông.

Nông dân phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ chăm sóc rau vụ Đông.

Lấy giá trị làm mục tiêu sản xuất

Ngay từ cuối tháng 8, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) nấm Đồng Cam, huyện Cẩm Khê đã hối hả bắt tay vào sản xuất các loại nấm mùa Đông như: Nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi, trong đó nấm sò là sản phẩm chủ lực. Đây được xem là vụ sản xuất chính trong năm của HTX bởi cây nấm sò, mộc nhĩ phù hợp với điều kiện khí hậu mùa Đông. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX lại đi kiểm tra từng gian nhà ươm nuôi nấm.

Vừa kiểm tra từng bịch nấm ông Thành vừa chia sẻ: “Vì là vụ sản xuất chính trong năm, nên tôi phải thường xuyên sát sao theo dõi nhiệt độ, độ ẩm ở khu vực ươm trồng. Vụ Đông năm nay, HTX đưa vào sản xuất 10 vạn bịch nấm sò, dự kiến sản lượng thu hoạch đạt 10-15 tấn. HTX luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến theo hướng sạch, an toàn từ khâu trồng cấy giống nấm vào bịch, sử dụng thực phẩm hữu cơ để làm phôi nấm đến chăm sóc tưới bằng nước sạch, không dùng chất kích thích, thường xuyên khử khuẩn, diệt nấm mốc trong nhà trồng nấm... Nấm thương phẩm của HTX được bảo quản trong túi ni lông, luôn đảm bảo chất lượng. Với chất lượng nấm tốt, giá cả hợp lý, nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm nấm của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng”.

Để cây nấm phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, HTX đã liên kết với 21 hộ thành viên sản xuất nấm tại địa phương nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống, phôi nấm, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Do đó, sản lượng nấm xuất bán ra ngoài thị trường tăng theo từng năm. Từ quy mô sản xuất manh mún, thu nhập thấp, đến nay HTX nấm Đồng Cam đã hướng đến nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn trên diện tích 2.500m2, mang lại giá trị kinh tế cao. Trừ chi phí mỗi năm, HTX thu lãi khoảng 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Vì thế, mô hình trồng nấm vụ Đông đang được nhiều địa phương trong tỉnh như: Thanh Thủy, Tam Nông, Hạ Hòa, Yên Lập... khuyến khích nhân rộng.

Diện tích trồng ngô sinh khối vụ Đông ở xã Lam Sơn, huyện Tam Nông phát triển tốt sau hơn một tháng gieo trồng.

Diện tích trồng ngô sinh khối vụ Đông ở xã Lam Sơn, huyện Tam Nông phát triển tốt sau hơn một tháng gieo trồng.

Cùng với cây nấm, những năm gần đây, mô hình liên kết trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi gia súc đã trở thành hướng đi mới, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhận thấy hiệu quả mà ngô sinh khối mang lại, vụ Đông năm nay, cùng với giống ngô lấy hạt truyền thống, chính quyền xã Lam Sơn, huyện Tam Nông đã đưa vào trồng thử nghiệm ngô sinh khối trên diện tích tập trung 5ha ở khu Đồng Dài.

Đồng chí Đặng Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đồng đất Lam Sơn manh mún, chủ yếu là đất pha cát. Trước đây, bà con trong xã cũng đưa bí đỏ, các loại rau vụ Đông vào canh tác nhưng hiệu quả kinh tế không cao, khiến diện tích đất bỏ hoang lên tới hàng chục ha. Tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, vụ Đông này, chính quyền địa phương định hướng cho người dân đưa cây ngô vào gieo trồng với diện tích gần 170ha, trong đó có ngô sinh khối. Nếu cây ngô sinh khối phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích canh tác thì từ vụ sau, chúng tôi sẽ vận động bà con sau khi thu hoạch vụ Mùa sẽ cho một nhóm hộ mượn đất canh tác để mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối”.

Để vụ Đông thắng lợi

Bám sát quan điểm chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ Đông hàng năm, thị xã Phú Thọ tập trung mở rộng tối đa diện tích, phát triển cây vụ Đông trên đất ba vụ thuận lợi thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Được ví như vựa rau an toàn vùng cận đô thị, những năm qua, Làng nghề rau an toàn Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ đưa vào gieo trồng các loại rau: Cà chua, hành tỏi, khoai tây, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, cà rốt... với đầu ra ổn định. Nếu so với các loại cây trồng hàng năm khác thì hiệu quả từ trồng cây rau các loại cao gấp nhiều lần, trong đó rau vụ Đông phong phú về chủng loại, mang lại giá trị kinh tế cao. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng canh tác rau an toàn, ông Vũ Xuân Phượng - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Thịnh, Trưởng làng nghề rau an toàn cười vui: “HTX có 44ha chuyên canh rau vụ Đông. Năm 2022 là vụ đầu tiên HTX đưa vào trồng thử nghiệm năm sào củ cải Hàn Quốc, sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 10 tấn/ha. Các loại rau cho lá đạt sản lượng 18 tạ/ha. Nhiều hộ đã bỏ chăn nuôi, lấp ao để tập trung trồng rau. Chúng tôi định hướng cho gần 60 hộ thành viên của HTX trồng các loại rau có giá trị cao: Cà chua, cà rốt, hành... Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân, trung bình thu lãi 100 triệu đồng/hộ/năm”.

Nấm sò là sản phẩm đặc trưng vụ Đông hiện được trồng nhiều ở các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Yên Lập...

Nấm sò là sản phẩm đặc trưng vụ Đông hiện được trồng nhiều ở các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Yên Lập...

Để sản xuất tập trung và hiệu quả, giải pháp mà ngành nông nghiệp chú trọng hàng đầu là các địa phương phải củng cố, tăng cường công tác chỉ đạo của ban chỉ đạo các chương trình nông nghiệp trọng điểm. Nhất là tập trung vào chỉ đạo có kết quả việc gieo trồng ngô Đông. Tuy nhiên, cần đa dạng trong sản xuất: Ngô sinh khối, ngô nếp, ngô ngọt, ngô rau; mở rộng sản xuất các loại rau cao cấp (măng tây, dưa các loại, nấm ăn...), rau có giá trị kinh tế (dưa chuột, ớt, cà chua...), các loại rau có thời gian bảo quản dài sau thu hoạch (bí đỏ, bí xanh, khoai tây...).

Với nhóm cây rau đậu cần bố trí thành nhiều trà để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá. Ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất diện rộng, gắn với thị trường tiêu thụ; bố trí hợp lý cơ cấu nhóm cây ưa ấm, ưa lạnh và nhóm trung tính, các cây có giá trị kinh tế cao góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ Đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 6.500ha cây ngô Đông với sản lượng gần 32.000 tấn, trong đó phấn đấu diện tích trồng ngô sinh khối đạt trên 1.400ha, cho sản lượng trên 75.000 tấn. Rau các loại dự kiến gieo trồng trên diện tích 5.750ha, sản lượng đạt trên 96.000 tấn. Từ đó, nâng giá trị sản xuất vụ Đông năm 2023 đạt trên 1.400 tỉ đồng, bình quân đạt 80 triệu đồng/ha.

Việc tổ chức triển khai các hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi bền vững để cây trồng vụ Đông mở rộng quy mô, tăng giá trị. Những năm gần đây, đầu ra của cây ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định do đã thu hút nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Giống và TACN T&T 159 Hòa Bình, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hương Hà (Tuyên Quang), Công ty TNHH TMDV nông nghiệp Minh Anh, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Vô Tranh,... liên kết sản xuất, tiêu thụ cho bà con.

Các sản phẩm nông nghiệp khác cũng có đầu ra ổn định như: Hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản T9; liên kết với Hợp tác xã Rau củ quả Hướng Đạo trong tiêu thụ dưa chuột; liên kết với HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ để tiêu thụ măng tây... Các HTX trong tỉnh đã phát huy vai trò làm đầu tầu dẫn dắt các hộ dân trong tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có bao bì nhãn mác, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ Đông là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng của toàn ngành. Trên cơ sở chủ trương, định hướng của tỉnh, các địa phương cần bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt phù hợp với thực tế gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, quy mô lớn theo hướng “đại điền” để áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong đó, tập trung chỉ đạo liên kết sản xuất - tiêu thụ, đặc biệt với các sản phẩm như: Ngô sinh khối, ngô thực phẩm, ớt, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, rau cao cấp,... Tổ chức thiết lập, xây dựng vùng trồng và cấp mã số vùng trồng nội tiêu, xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/am-ap-vu-dong/201849.htm